Nếu như phụ nữ sinh con được nghỉ 6 tháng thai sản và mức trợ cấp thai sản bằng 100% bình quân tiền lương hàng tháng của 6 tháng liền kề trước khi sinh, thì nam giới – chồng của sản phụ sinh con cũng được hưởng chế độ thai sản, sau khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Vậy cụ thể người chồng được hưởng những chế độ gì khi vợ sinh con?
Chồng được nghỉ mấy ngày khi vợ sinh con?
Theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau:
“2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 5 ngày làm việc.
b) 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con”.
Tại điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, mức hưởng chế độ thai sản một ngày của lao động nam (đối tượng được đề cập tại khoản 2 Điều 34 vừa trích dẫn ở trên) được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Chồng được hưởng trợ cấp bao nhiêu khi vợ sinh con?
Chúng ta được biết theo quy định, chỉ có người vợ được hưởng trợ cấp khi sinh con. Tuy nhiên, đối với trường hợp chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì người chồng cũng được hưởng tiền trợ cấp thai sản, cụ thể:
Quy định tại điểm e khoản 1 điều 31 Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia BHXH thì mức tiền hưởng trợ cấp thai sản của chồng bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho chồng năm 2017
Để được xét duyệt nghỉ trong thời gian vợ sinh con, cũng như hưởng trợ cấp tiền thai sản trong trường hợp vợ không có BHXH thì các lao động nam có thể làm hồ sơ để hưởng chế độ thai sản như sau:
Quy định tại Khoản 4 Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với nam khi vợ sinh con như sau:
“Điều 101. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
4. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con và giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.”
Theo đó thì tùy vào trường hợp người vợ sinh thường hay sinh mổ, sinh non thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản sẽ khác nhau.
– Sinh thường: Giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của con. Trường hợp nộp giấy chứng sinh phải bổ sung thêm bản sao giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng.
– Sinh mổ hoặc sinh non (sinh con dưới 32 tuần tuổi):
+ Giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con
+ Giấy xác nhận sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi của cơ sở y tế.
Thời gian và nơi nộp hồ sơ được quy định tại Khoản 1 Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.”
Vậy thì trong khoảng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc bạn phải nộp những giấy tờ trên cho người sử dụng lao động để được giải quyết chế độ. Các bố mẹ hãy lưu lại và năm rõ những quy định này để được hưởng đầy đủ quyền lợi khi sinh con nhé!
Theo Eva