Con lười ăn, trốn ăn trở thành “nỗi ám ảnh” của nhiều bà mẹ trong thời kì ăn dặm. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ mà mẹ Nguyễn Thị Thu chia sẻ với các bậc cha mẹ. Giai đoạn 15-16 tháng tuổi trở đi, trẻ đã biết đi nghĩa là trẻ sẽ bước vào thời kỳ tò mò và hiếu kỳ, muốn được khám phá mọi thứ xung quanh, nên bữa ăn trẻ thích chạy lung tung là điều rất bình thường. Nhưng giai đoạn 1 tuổi cũng chính là thời kỳ rất quan trọng để bắt đầu dạy trẻ về thói quen tốt với bữa ăn.
Vì nếu giai đoạn này qua đi trẻ không hiểu được là bữa ăn thì phải ngồi, bữa ăn thì không làm việc khác, ăn uống là phải tự mình ăn, thì khi lớn hơn sẽ rất khó để rèn sự chủ động và tình yêu với bữa ăn cho trẻ. Để làm được điều ấy cha mẹ hãy kiên trì áp dụng thử những cách dưới đây để rèn thói quen cho bé từ bây giờ nhé.
1. Bữa ăn là phải ngồi vào ghế ăn
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ hãy cho trẻ ngồi ăn trong ghế và duy trì thói quen đó, để qua thời gian trẻ sẽ dần dần hiểu được rằng, bữa ăn là phải ngồi vào ghế. Ngay cả với bữa phụ hay ăn một cái bánh cũng hãy yêu cầu trẻ ngồi xuống ghế để ăn.
“Chúng ta cùng hứa bữa ăn là không chạy lung tung nhé”. Khi bắt đầu bữa ăn “Chúng mình cùng hứa nào. Bữa ăn Bon sẽ không chạy lung tung nhé”. Khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu muốn đứng lên thì mẹ hãy nhắc lại lời mình vừa hứa “Bữa ăn mình không chạy lung tung mà con”.
2. “Nếu con chạy ra khỏi bàn mình sẽ kết thúc bữa ăn nhé”
Khi bé nhất quyết muốn đứng lên mà không còn chịu ngồi ăn nữa thì ba mẹ không cần phải quát hay ép “Con phải ngồi xuống ăn hết cơm đã”. Chỉ cần nghiêm nghị nói với bé “Nếu con chạy ra khỏi bàn ăn thì mình kết thúc bữa ăn nhé”.
Nếu con gật đầu đồng ý thì hãy kết thức bữa ăn. Nhưng tuyệt đối sau đó không cho ăn thêm đồ ăn phụ như sữa chua, trái cây, hay bất cứ thứ gì. Kể cả một lúc sau khi trẻ đói chạy lại đòi ăn cũng không cho “Bữa ăn đã kết thúc rồi. Con không ăn con đói con ráng chịu nhé”.
3. “Bữa ăn chỉ được kéo dài 30 phút thôi nhé”
Nhiều khi bé mải chơi, ăn chậm hay ba mẹ vừa đút vừa cho chơi đồ chơi khiến bữa ăn kéo dài cả tiếng đồng hồ. Đừng nên làm thế, mà hãy quy định với con “Bữa ăn chỉ kéo dài 30 phút thôi con nhé”, rồi chỉ lên đồng hồ cho con nhìn.
Đã qua 30 phút mà con vẫn chơi thì nhất quyết dọn đi dù cho con có khóc.
4. Không bế rong, không dụ đồ chơi
Khi bé không ăn cũng đừng bế bé đi rong hay dụ đồ chơi vì hành vi đó sẽ khiến trẻ hiểu rằng mình không ngồi ăn thì sẽ có người đút cho mình và không nuôi dưỡng tình yêu cũng như thói quen chủ động với bữa ăn.
Ở tầm tuổi 14-15 tháng trẻ đã hiểu những điều ba mẹ nói, cũng như qua một vài lần trẻ sẽ hiểu được nguyên tắc và luật nhân quả của ba mẹ “À nếu mình không ăn vào bữa ăn thì sau đó sẽ không có gì để ăn cả. Nếu trong 30 phút mình không ăn thì sau đó sẽ không được ăn”.
Có lẽ đây là điều đòi hỏi lập trường kiên định và dứt khoát của ba mẹ nhất nếu muốn rèn thói quen ăn uống cho con.
Bế rong hay dụ đồ chơi cho trẻ ăn khiến trẻ hiểu rằng mình không ngồi ăn thì sẽ có người đút cho mình và không nuôi dưỡng tình yêu cũng như thói quen chủ động với bữa ăn – Ảnh minh họa
5. Ba, mẹ hãy ngồi ăn cùng con để tạo không khí vui vẻ
Khi ba mẹ ngồi ăn cùng con, không chỉ là làm gương cho con bắt chước, mà còn là cơ hội giao tiếp tuyệt vời để truyền cho trẻ hứng thú với bữa ăn. Giai đoạn đầu khi bé chưa tập trung ăn uống, nếu bữa ăn mà mẹ cũng chạy đi chạy lại thì bé sẽ thắc mắc “Sao mẹ cứ chạy đi chạy lại thế nhỉ” khiến bé mất tập trung. Việc mẹ ngồi cùng bên cạnh suốt bữa ăn là điều rất quan trọng để dạy bé “khi ăn thì ngồi một chỗ”.
Dần dần, sau khi khi bé bắt đầu chủ động và tập trung với bữa ăn rồi thì mẹ có thể tranh thủ đi làm việc khác. Mẹ hãy miêu tả âm thanh nhai thức ăn, đóng vai nhân vật trên đĩa thức ăn để tạo ra không khí vui vẻ “Măm măm ôi ngon quá”, “Miếng cà rốt bảo Bon ơi ăn tớ đi”, “Cảm ơn Bon đã ăn tớ nhé”.
Ba, mẹ hãy ngồi ăn cùng con để tạo không khí vui vẻ – Ảnh minh họa
6. Luôn khích lệ khi bé cố gắng, tránh dùng từ ra lệnh hay cấm đoán
Chỉ cần thấy trẻ có chút cố gắng cũng hãy tỏ ra vui mừng và khích lệ sự cố gắng đó “Ôi Bon ăn cà rốt giỏi quá”. “Mẹ vui lắm, cảm ơn Bon”.
Trẻ con vốn rất thích được ba mẹ thừa nhận sự cố gắng của mình, nên nở một nụ cười, một cái xoa đầu khen ngợi sẽ là một dược liệu thần kỳ để giúp bé vui vẻ, chủ động với bữa ăn.
7. Không để đồ chơi, tivi, điện thoại trong tầm mắt trẻ
Để trẻ không bị phân tâm thì không nên để đồ chơi trong tầm mắt trẻ và ở gần bàn ăn. Cùng đưa ra những quy tắc trên bàn ăn như “Khi ăn thì không nghịch đồ chơi, không xem tivi” để trẻ hiểu.
Để trẻ không bị phân tâm thì không nên để đồ chơi trong tầm mắt trẻ và ở gần bàn ăn- Ảnh minh họa
Những quy tắc này qua một thời gian trẻ sẽ dần lí giải và học cách tuân theo nếu ba mẹ kiên trì thực hiện. Điều quan trọng nhất ở giai đoạn này là sự kiên nhẫn, mềm mỏng, tránh dùng từ ra lệnh hay quát mắng để dần dần đưa bé vào nền nếp.
Mọi quy tắc đưa ra đều cần có thông điệp rõ ràng, hành động nhất quán từ cha mẹ thì dần dần trẻ sẽ hiểu và chủ động trong bữa ăn.
8. Gieo thói quen cũng như việc trồng cây
Thời kì 0-3 tuổi, điều ba mẹ cần nhất chính là sự kiên nhẫn để gieo cho con những thói quen tốt. Để khi con qua tuổi lê 3 con sẽ hiểu được những quy tắc nhất định như bữa ăn là phải ngồi một chỗ là không vừa ăn vừa chạy lung tung, là không được ngồi lên giường cầm bánh ăn…
Mình hiểu tâm trạng của những ba mẹ có con ở giai đoạn này, nên thông qua bài viết này mình chỉ muốn nói với ba mẹ rằng, hãy kiên nhẫn và tự tin vào cách mình đã làm, ắt sẽ đến ngày con hiểu. Vì không có việc gì dễ dàng phải không mọi người nhỉ.
Theo VietBao