Mút tay dường như là thói quen mà hầu như bé nào cũng có, khiến cho bố mẹ đau đầu không biết làm sao giúp con bỏ thói quen này đi để phòng tránh các bệnh do vi khuẩn lưu trú trên ngón tay gây ra. Cùng Rot Store tham khảo bài viết hôm nay để tìm hiểu vì sao bé hay cho tay vào miệng mút “ngon lành” và giải pháp giúp mẹ cai tật mút tay cho con, mẹ nhé!
Vì sao bé hay mút tay
Thật ra bé đã bắt đầu mút tay ngay từ trong bụng mẹ, khi ngậm, mút ngón tay kích thích sản xuất chất giảm đau nội sinh endophin, giúp cơ thể bé thư giãn, tạo cảm giác thích thú, tương tự như khi trẻ đang ăn món ăn yêu thích. Bé thường mút tay để thư giãn và trấn an bản thân khi mệt mỏi, sợ hãi lúc trải qua các “thử thách” mới lạ như đi nhà trẻ, khám bệnh, đến chỗ lạ, hoặc đơn giản để tự dỗ giấc ngủ.
Mút tay tuy có tác dụng xoa dịu tinh thần trẻ, tuy nhiên, cường độ hút, lực đẩy của lưỡi và độ tì của ngón cái ảnh hưởng đến việc mọc răng, răng dễ bị sứt mẻ, tác động đến việc cắn nhai… Mút tay cũng khiến bé khó nói chuyện hay mất tập trung, ngón tay dễ bị ẩm ướt, sưng, chai thậm chí nhiễm trùng. Ngoài ra, thói quen này cũng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ khi lớn lên do bé bị bạn bè chọc ghẹo.
Thông thường, sau 6 tháng đầu, phản xạ ngậm mút ngón tay của trẻ sẽ giảm dần và hầu hết các bé sẽ bỏ được tật mút tay trong tầm từ 3 đến 5 tuổi. Một số khác đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên quyết từ bố mẹ để giúp con “cai” tật này.
Khi nào mẹ nên can thiệp để bỏ tật này
Mẹ không cần quá lo lắng về thói quen mút tay của con cho đến khi bé được 3 đến 5 tuổi. Vì không phải mọi hành động mút tay đều gây hại như nhau. Mẹ cần quan sát kỹ hành động của bé để quyết định có nên can thiệp hay không. Trường hợp, bé chỉ đưa tay vào miệng hoặc mút nhẹ mẹ chưa cần can thiệp bằng hành động, chỉ nên nhắc nhở con. Ngược lại, nếu bé có các động tác mút mạnh, mẹ cần can thiệp ngay để tránh tổn thương răng miệng cũng như ngón tay của con
Cách loại bỏ tật xấu này
Đầu tiên, mẹ không nên bôi các chất cay hoặc phẩm màu vào tay bé vì thành phần trong các chất này có thể gây hại cho bé. Để bé từ bỏ hoàn toàn thói quen này, mẹ cần thực hiện song song nhiều biện pháp mang tính tức thời và lâu dài.
Tức thời là khi con bắt đầu mút tay, mẹ cần hướng sự chú ý khỏi việc mút tay hoặc yêu cầu con làm một việc gì đó bằng cả hai tay. Mẹ cũng có thể giúp con “quên” mút tay bằng cách nắm lấy tay con, cùng chơi trò chơi, đọc sách, hoặc vỗ tay. Không nên sử dụng ti giả, vì bé rất dễ chuyển sang nghiện ti giả – cũng gây hại cho răng và miệng. Với các bé lớn, mẹ có thể giải thích cho con các nguy cơ từ việc mút tay: dơ, nhiễm khuẩn hoặc con lớn rồi không được mút tay,… Sau đó đưa ra các quy định và cùng con thực hiện, ví dụ, nếu con bắt đầu mút tay, mẹ có thể ra hiệu để nhắc nhở con. Mẹ cần lưu ý không la mắng hay trách phạt bé vì sẽ gây tác động ngược.
Về lâu dài, mẹ cần gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tạo điểm tựa cho con vì nên nhớ, mút tay là hành động bản năng giúp bé cảm thấy thoải mái hơn. Một khi đã giải quyết được nguyên nhân con mút tay hoặc bé tìm được hành động khác cho bé cảm giác an tâm, con sẽ tự bỏ thói quen này.
Giống như mọi thói quen khác, không dễ dàng có thể “cai” được tật mút tay cho bé trong thời gian ngắn. Vì vậy mẹ và gia đình cần kiên nhẫn và quan tâm đến bé nhiều hơn để giúp bé từ bỏ thói quen có hại này. Ngoài ra, nếu bé hơn 5 tuổi mà vẫn chưa “cai” được dù đã thử rất nhiều cách trong thời gian dài, mẹ có thể cho con đến bác sĩ hoặc chuyên viên tâm lý để được tư vấn và hỗ trợ.
Theo: nuoidayconthongminh.com