Bài học nhỏ được gửi gắm qua trò chơi là hãy luôn có một thái độ cởi mở, học hỏi, đừng phán xét, đừng kỳ vọng và đừng định kiến, kì thị khi chưa biết rõ về người bên cạnh mình.
Mới đây, những dòng chia sẻ về một trò chơi mà chị Thu Hà – mẹ của hai cô con gái Xu và Sim (hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh) – được trải nghiệm đã khiến rất nhiều bố mẹ nghẹn lòng. Trò chơi 27 bước tiến lên, lùi xuống mà chị giới thiệu nhận được rất nhiều quan điểm khác nhau của cư dân mạng, người cho rằng nó không thật chuẩn, người lại thấy đây là một trò chơi truyền tải thông điệp dạy con rất ý nghĩa.
Trò chơi 27 bước tiến lên, lùi xuống:
1. Nếu em là con trai, bước lên 1 bước.
2. Nếu em sinh ra ở thành phố, bước lên 1 bước.
3. Nếu gia đình em có nhà cao tầng, bước lên 1 bước.
4. Nếu trường em các bạn có hoàn cảnh tương đồng nhau, bước lên 1 bước.
5. Nếu em tự hào về văn hóa của mình khi xem đài báo, bước lên 1 bước.
6. Nếu nhà em đã từng bị đói vì nhà hết đồ ăn hay hết tiền mua gạo, lùi lại 1 bước.
7. Nếu em bị khuyết tật gì đó, lùi lại 1 bước.
8. Nếu bố mẹ em li dị, lùi lại 1 bước.
9. Nếu em học trường tư thục, bước lên 1 bước.
10. Nếu em sinh ra ở nông thôn, lùi lại 1 bước.
11. Nếu em đã từng đi nước ngoài, bước lên 1 bước.
12. Nếu bố mẹ em có bằng đại học, bước lên 1 bước.
13. Nếu bố mẹ em hay đưa em đi chơi vào cuối tuần hay đi nghỉ mát vào hè, bước lên 1 bước.
14. Nếu em không được học nhạc, họa, hay các môn nghệ thuật khác từ khi còn nhỏ, lùi lại 1 bước.
15. Nếu bố mẹ em thường xuyên đi làm về muộn, lùi lại 1 bước.
16. Nếu em đã từng bị chê là xấu, béo, hay chậm chạp, lùi lại 1 bước.
17. Nếu em giỏi các môn tự nhiên, bước lên 1 bước.
18. Nếu em học trường chuyên, bước lên 1 bước.
19. Nếu nhà em có xe hơi, bước lên 1 bước.
20. Nếu em phải làm thêm giúp bố mẹ, lùi lại 1 bước.
21. Nếu em đã từng bị đánh đập, dọa nạt, hay đối xử tệ bạc bởi bất kỳ ai, lùi lại 1 bước.
22. Nếu em được học tiếng Anh ngay từ lớp 1, bước lên 1 bước.
23. Nếu em luôn được mọi người trong gia đình khuyến khích làm gì em muốn, bước lên 1 bước.
24. Nếu em thấy mình trước tiên phải làm cho bố mẹ hài lòng, lùi lại 1 bước.
25. Nếu em có Iphone, laptop, bước lên 1 bước.
26. Nếu bố mẹ em làm chủ doanh nghiệp, bước lên 1 bước.
27. Nếu bố mẹ em lao động chân tay, lùi lại 1 bước.
Hôm nay đi nghe bài giảng “Tôi là ai? – Ứng xử trong môi trường Đa văn hóa”, được thấy chị Đào Thu Hiền, thạc sỹ Hành chính công của Harvard, cho học sinh chơi trò này. Chơi để học sinh biết mình đang ở đâu, mình đã được nhận những bất lợi gì hay thuận lợi gì từ cha mẹ, từ nơi mình sinh ra. Kết thúc trò chơi này, các bạn cũng được nhìn một cách trực quan, rằng chúng ta tất cả đều rất khác nhau.
Tôi nhận tờ giấy trò chơi mà suýt khóc. Nếu tôi chấm mình một cách trung thực khi 18 tuổi, thì rất nhiều, có thể nói là hầu hết trong 27 bước này tôi đều phải lùi lại, thậm chí có mục phải lùi lại nhiều bước. Nếu đã từng bị đói lùi lại 1 bước thì triền miên đói sẽ phải lùi lại bao nhiêu? Nếu đã từng bị đánh mắng lùi lại 1 bước thì ngày nào cũng bị đánh hoặc mắng suốt 18 năm sẽ phải lùi lại bao nhiêu? Vâng, nếu tôi tham gia trò chơi, tôi sẽ phải đứng tuốt luốt dưới tít xa kia.
Bỗng nhớ lại 1 bài viết “tai tiếng” của tôi, bài “Tôi là người được cộng điểm ưu tiên cao”. Hôm đó tôi bị chửi mắng nhiều lắm, xóa comment mỏi tay. Tôi không dám đi ngủ vì sợ ngủ rồi không kịp xóa, bố mẹ mình, anh em họ hàng, hay sếp và đồng nghiệp nhìn thấy. Rồi 1h sáng, tôi đã phải gọi điện thoại hỏi đứa em về cách khóa facebook lại. Nhưng nhiều người đã kịp copy – paste bài của tôi qua những diễn đàn khác và hic hic… đánh hội đồng trên đó. Tôi bị kết tội là cướp mất một chỗ ngồi của 1 học sinh tinh hoa nào đó…
40 tuổi nhìn lại, tôi mới nhận ra rằng, có những bất lợi đã vô tình tạo cho tôi thế mạnh. Nếu con tôi không còi, tôi làm sao có thể viết chạm tới tim các bà mẹ đau đáu lo cho cân nặng của con? Nếu tôi chưa từng bị đánh, làm sao để người ta vừa đọc vừa khóc khi tôi viết về những người phụ nữ bị đánh. Nếu tôi chưa từng đứng bét lớp, tôi rất khó để đồng cảm với Xu Sim, khi cả trường mỗi mình Xu Sim không học trước.
Tôi cũng may mắn gặp vài người đặc biệt, đã từng đứng trên đỉnh danh vọng và rồi ngã ngựa, Có người rất giàu có và rồi bị phá sản. Được nói chuyện với họ thật là giá trị. Cái chất của người đã qua nhiều thăng trầm bao giờ cũng khác một người chỉ mới đang thắng như chẻ tre. Ngay cả khoảng khắc im lặng của họ, cũng chất lượng nữa!
Đợt này, rất nhiều bạn inbox hỏi tôi về việc có nên cho con học trường quốc tế, nơi toàn học sinh giàu có hơn mình? Có nên chuyển nhà cho con ra Hà Nội, nơi mức sống quá cao? Có nên sinh con khi nhà mình còn thiếu nợ? Có nên ly hôn? Có nên cho con học dốt nhất, xuất phát chậm nhất lớp? Có nên để con thua bè bạn?…
Thú thật là, bất hạnh thì chả ai muốn. Nhưng nếu gặp người đã từng bất hạnh, bạn có thể sẽ thấy người đó có nhiều chuyện thú vị hơn, họ thấu hiểu người khác hơn, họ giàu trải nghiệm hơn.
Vậy thì, rất nên để con biết mình là ai, mình đang đứng ở đâu, mình có thuận lợi gì và bất lợi gì. Và còn cần thiết hơn nữa khi cho con biết rằng, chẳng có gì là vô nghĩa, kể cả sự kém may mắn.
Mẹ Xu Sim cũng trích lại những chia sẻ của thạc sỹ Đào Thu Hiền như một thông điệp muốn gửi gắm qua trò chơi này: “Lần đầu tiên Hiền tham gia hoạt động này là trên khuôn viên trường Harvard, nơi mọi người thường nghĩ rằng học viên đều là những người có năng lực, có thành công, có điều kiện… Tuy nhiên, khi thấy mình chẳng tiến được bước nào hay có bạn người Mỹ còn lùi lại nhiều hơn mình, và cuối cùng cái cộng đồng được coi là top 10% của xã hội đó đứng rải rác trên thảm cỏ, thì thấy đúng là không phải cái gì cũng như mình nhìn thấy hay như mình nghĩ. Điểm đến của 2 người có thể ngang nhau, nhưng điểm bắt đầu có thể cách xa nhau. Nhiều người trong chúng ta đi đường thẳng, nhiều người khác phải đi đường vòng, nhiều người nữa gặp bao nhiêu trở ngại. Hoạt động này có ý nghĩa ở nhiều cấp độ và khía cạnh tuỳ vào trải nghiệm của người tham gia. Với các em học sinh chưa đầy 18 tuổi của mình, bài học nhỏ là hãy luôn có một thái độ cởi mở, học hỏi, đừng phán xét, đừng kỳ vọng và đừng định kiến, kì thị khi chưa biết rõ về người bên cạnh mình. Khi đã biết rồi, các em cũng cần chọn cho mình cách cư xử tích cực và tôn trọng nhất”..
Theo: afamily.vn