Bé giai đoạn này đã có thể di chuyển khắp nơi bằng cách bò và đạt được những bước tiến dài trong nhận thức.
Tập cho trẻ biết xếp: Cho trẻ đồ chơi dạng xếp hình khối khi trẻ ngồi chơi một mình. Khuyến khích trẻ chơi bằng hai tay và đồng thời giữ thăng bằng khi ngồi
Cho đồ chơi vào bồn/chậu tắm : Đặt con ngồi trong bồn tắm với mực nước vài centimet cùng với vài món đồ chơi (loại có thể nhúng nước) để trẻ tập ngồi và chơi cùng lúc. Bạn cần ở ngay bên cạnh giám sát không rời bước.
Cho trẻ chơi với các vật dụng dùng chứa đồ: Chỉ cho trẻ biết cách đặt những món đồ chơi nhỏ vào hộp chứa, sau đó trút ra và lại xếp vào. Các khối vuông bằng nhựa xếp trong hộp hoặc chứa trong xô nhỏ cũng có thể dùng cho trẻ luyện tập. Tiếp đó bạn có thể cho con chơi với đồ dùng trong nhà như thìa, tách nhựa, nồi và vung…
Chơi trò tìm “kho báu”: Giấu một món đồ chơi trong tấm chăn và hỏi trẻ món đồ ấy đã biến đi đâu. Trẻ sẽ bắt đầu tìm kiếm món đồ chơi mất tích. Trước giai đoạn này, món đồ nào ra khỏi tầm mắt đồng nghĩa ra khỏi tâm trí của trẻ. Khi trẻ tìm thấy, bạn hãy cổ vũ con: “Ồ, đây rồi!”.
Chơi trò nguyên nhân – kết quả: Bạn có thể dạy con khái niệm này bằng cách cho trẻ thấy thả một hình khối vào thùng sẽ phát ra âm thanh như thế nào, khi đẩy bóng sẽ lăn như thế nào và khi gạt cần thì búp bê trong hộp sẽ bật lên ra sao.
Trốn tìm: Chơi trò này bằng cách phủ chăn che mặt để trẻ có thể kéo xuống. Khi đã hiểu về sự tồn tại của sự vật, trẻ sẽ rất phấn khích mỗi khi tìm thấy bạn, vì giờ đây bé đã biết bạn vẫn luôn ở đây – thậm chí khi bé không nhìn thấy
Chơi trò đập tay: Trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng phối hợp tay-mắt
Lên kế hoạch để trẻ chơi lâu hơn: Đừng ngạc nhiên nếu trẻ muốn kéo dài thời gian lăn lê bò toài trên sàn khi được thoải mái vẫy vùng trong một không gian an toàn. Để tăng khả năng tập trung của trẻ, bạn hãy luân phiên thay đổi đồ chơi, dựng các chướng ngại vật (an toàn) để trẻ leo lên trên hoặc cho trẻ một chiếc lều hay thùng carton để chui vào.
Tạo không gian chơi đùa mới: Cho trẻ ngồi trên ghế cao, kể cả khi không phải giờ ăn để trẻ có thể chơi với những món đồ nho nhỏ và tập chuyền từ tay này sang tay kia.
Cân nhắc dạy trẻ một vài dấu hiệu cơ bản: Khoảng 8 hoặc 9 tháng tuổi, nhiều trẻ có thể bắt đầu hiểu và sử dụng hình thức ngôn ngữ ký hiệu của mình. Đây là cách để trẻ thể hiện mong muốn và có thể bớt buồn bực, không khóc lóc nhiều. Tuy nhiên, nếu bạn cố bắt trẻ nhớ các dấu hiệu này, trẻ sẽ thêm buồn chán.
Tạo chướng ngại vật: Chẳng hạn xếp những chiếc gối nhỏ cho trẻ trèo lên hoặc cho con một chiếc thùng lớn để bé có thể bò vào.
Tập cho trẻ đứng chựng: Nếu con bạn có thể tự đứng dậy, hãy đặt đồ chơi trên một chiếc bàn thấp để trẻ tự vươn người đến lấy. Một khi biết trên bàn có đồ chơi, trẻ sẽ cố gắng đứng dậy để nhìn .
Nào ta cùng bước: Đỡ con ở tư thế đứng bằng cách nắm tay trẻ. Bước một hoặc hai bước và khích lệ con bước theo bạn.
Tập cho trẻ tự xúc ăn: Đến giờ ăn, bạn có thể cho con một chiếc thìa có tay cầm bản to và một cốc nước để khuyến khích trẻ tự xúc. Vì kỹ năng tự ăn của con bạn vẫn còn sơ đẳng, thay vì phải “vật lộn” với chiếc thìa, hãy dùng hai chiếc, mẹ và con mỗi người một thìa. Tất nhiên trẻ chủ yếu ăn bằng thìa mẹ xúc, nhưng bé sẽ cảm thấy mình “có quyền hạn” hơn.
Làm quen với khái niệm cho và nhận: Bạn hãy thử tươi cười bảo con đưa cho mình một món đồ chơi mà trẻ đang cầm. Xòe tay ra để nhấn mạnh thông điệp của bạn (“Con có thể cho mẹ mượn chiếc lục lạc này không?”). Trẻ bắt đầu hiểu rằng khi bạn yêu cầu một điều gì đó, bé có thể đáp lại. Đây là một cách luyện tập rất tốt!
Cần đảm bảo bạn luôn trong tư thế sẵn sàng đề phòng các trò nghịch phá theo từng độ tuổi của trẻ. Với mỗi kỹ năng mới, trẻ lại có những trò nguy hiểm mới mà bạn không ngờ tới.
Cách thể hiện cảm xúc của bé
Cảm xúc của bé ngày một rõ nét. Bé vỗ tay khi cảm thấy thích thú hoặc vẫy tay tạm biệt, hôn người thân nếu bé vui mừng.
Bé cũng có thể bắt chước tâm trạng của người khác và biết thể hiện sự đồng cảm; chẳng hạn, nếu thấy một em bé khóc, bé muốn tới xem và bắt đầu thể hiện cảm xúc.
Ở tháng tuổi này, trẻ đã bắt đầu hình thành trí tuệ cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc hiểu một cách đơn giản – là khả năng thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ với người khác – là một dạng trí tuệ cực kỳ quan trọng.
Theo nghiên cứu của Khoa phát triển gia đình và trẻ em thuộc Đại học Georgia (Mỹ) thì trí thông minh cảm xúc quyết định tới 80% khả năng thành công trong sự nghiệp của mỗi người.
Tổng hợp