Không chỉ ngăn ngừa bệnh loãng xương, tập thể thao từ bé sẽ giúp trẻ chống được nguy cơ béo phì!

Các nhà khoa học thuộc bệnh viện Đại học Skane, Thụy Điển đã tiến hành nghiên cứu trên 808 trẻ em từ 7 -9 tuổi trong 6 năm. Các bé tham gia nghiên cứu mỗi ngày đều dành 40 phút tham gia các hoạt động thể  thao ở trường. Các kết quả về việc phát triển xương của các bé được tiến hành so sánh với một nhóm các bé khác dành 60 phút tập thể dục trong 1 tuần.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ trọng xương ở cột sống của các bé tập thể thao 40 phút mỗi ngày cao hơn các bé có thời gian tập ngắn hơn. Tỷ trọng xương là chỉ số đánh giá độ chắc của xương. Khi còn trẻ, xương rất chắc khỏe, tuy nhiên theo thời gian xương trở nên yếu và dễ bị gãy.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng so sánh tỷ lệ gãy xương, và tỷ trọng xương của những cựu vận động viên thể thao ở độ tuổi 60 – 70 và những người già còn khỏe mạnh. Tỷ trọng xương của các cựu vận động viên thể thao giảm ít hơn so với người bình thương, điều này có nghĩa nguy cơ bị gãy xương của họ cũng thấp hơn.

Giáo sư Bjorn Rosengren, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Dựa vào kết quả của nghiên cứu, nếu thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao từ bé, khi lớn lên nguy cơ nứt gãy xương của trẻ sẽ giảm do thể dục thể thao giúp tăng mật độ đỉnh của xương (khối lượng xương cao nhất lúc trưởng thanh). Hơn nữa với các bé gái kích thước xương được cải thiện nhờ tập thể dục. Nghiên cứu này càng khẳng định sự cần thiết của hoạt động thể chất đối với sức khỏe của trẻ em.”

Nên khuyến khích con bạn tập thể dục thể thao từ bé

Nghiên cứu trước đây đã chứng minh lợi ích của việc tập thể dục đối với phụ nữ. Các chuyên gia khẳng định với những phụ nữ càng thường xuyên tập thể thao, tỷ trọng xương của họ càng cao, và nguy cơ mắc bệnh loãng xương càng thấp. Nguyên nhân xương trở nên xốp và giòn theo tuổi tác là do các tế bào tạo xương mới bị lão hóa trong khi các tế bào hủy xương cũ hoạt động mạnh hơn.

Theo bác sỹ Lê Anh Thư, bệnh viên Chợ Rẫy Tp.HCM, khikhối lượng xương cao nhất lúc trưởng thành tăng 10%, sẽ giảm 50% nguy cơ gẫy xương do loãng xương trong suốt đời và các vận động thể lực là một trong các yếu tố cần thiết làm tăng quá trình tạo xương mới.

Hãy cho con tham gia các hoạt động thể thao như chạy bộ, nhảy dây, trượt tuyết, leo cầu thang để cải thiện sự dẻo dai của xương. Hạn chế việc con ngồi hàng giờ trước tivi và máy tính nhé!