Trẻ bú mẹ không phải uống nước trong 6 tháng đầu, vì sữa mẹ đã có đủ lượng nước cho trẻ. Khi trẻ ăn dặm thì phải cho trẻ uống nước vì thức ăn có muối khoáng làm trẻ thiếu nước. Lượng nước trung bình đủ cho trẻ khoảng 100 ml/kg (kể cả nước trong thức ăn và sữa). Như vậy, loại trừ nước trong sữa và thức ăn là lượng nước lọc trẻ cần.
Tuy nhiên, tùy theo trẻ ăn mặn hay lạt, trẻ mất nhiều hay ít mồ hôi mà lượng nước trẻ cần nhiều hay ít. Trẻ khỏe mạnh thì tự có cơ chế điều chỉnh nước, sẽ uống nước khi khát và ngược lại. Vì vậy không cần ép trẻ phải uống đủ lượng nước trung bình theo tính toán. Chỉ khi nào trẻ bị bệnh, mất cơ chế kiểm soát “khát” thì mới cần phải ép uống nước và phải dựa trên một số dấu hiệu đặc biệt (người có chuyên môn mới nhận biết được). Trẻ lớn và người lớn cũng vậy.
Khi trẻ ăn dặm, có thể uống được nước nho tươi. Tuy nhiên, trẻ dưới 2 tuổi không cần cho uống nước trái cây. Bữa ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, đạm, dầu, rau) là đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.