Không tự ý mua thuốc về nhỏ hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng để tránh gây hại mắt cho trẻ. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên tự ý nhỏ sữa mẹ hoặc các loại nước lạ vào mắt trẻ, tránh gây hại cho trẻ.
Nước mắt chảy “dầm dề” cả ngày
Một tuần nay, chị Trần Thị Nguyệt (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) lo lắng về tình trạng mắt bị gỉ nước cả ngày của cậu con trai 7 tháng tuổi.
Theo lời chị Nguyệt, lúc sinh ra, mắt cháu bé trong, sáng, hoàn toàn khỏe mạnh, cũng không đóng gỉ vàng hoặc gỉ mủ như một số bé con đồng nghiệp.
Tuy nhiên, sau khi đưa con về quê ngoại chơi vài ngày, lúc quay lại thành phố, mắt bé có biểu hiện khác lạ dần. “Ban đầu, tôi thấy con hay lấy tay dụi mắt, sau đó, nước từ mắt bắt đầu ứa ra nhiều, nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Con không khóc mà nước mắt cứ “tuôn” ra bên ngoài. Không những thế, buổi sáng sau khi tỉnh dậy, rất khó khăn bé mới mở được mắt vì bị gỉ vàng “bao vây”. Tôi đã dùng nước muối loãng để rửa cho con nhưng chưa thấy khỏi”, chị Nguyệt than thở.
Cùng nỗi lòng với chị Nguyệt, vợ chồng anh Võ Văn Tuấn (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) cũng hoang mang khi cô con gái 2 tuổi bỗng dưng “đẫm lệ” cả ngày. Anh Tuấn cho hay: “Kể cả lúc con bé đang vui chơi với các bạn, nước mắt cũng chảy ra. Hỏi con có thấy đau mắt hay vướng gì không, con gái lắc đầu nói không sao cả.
Nếu ai không biết, sẽ nghĩ con bé đang khóc hoặc vừa khóc xong. Kỳ lạ thật. Vợ chồng tôi đang thắc mắc về triệu chứng lạ này của con và sẽ đưa con đi khám nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn”.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ThS.BS Nguyễn Duy Bích – Khoa Mắt (Bệnh viện E) cho biết: Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chảy nước mắt ở trẻ nhỏ như tiếp xúc với bụi bẩn, mắt bị tổn thương do dị vật hoặc bị viêm nhiễm quanh mắt.
Trong đó, nếu tình trạng trẻ bị chảy nước mắt kéo dài, đó là khi trẻ đang gặp vấn đề về tuyến lệ, cụ thể là tắc tuyến lệ. Khi tuyến lệ bị tắc, nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài.
Khi mắc bệnh, trẻ thường có hiện tượng chảy nước mắt ở một hoặc cả hai bên mắt, chảy thường xuyên hoặc từng lúc. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm trùng tại đường lệ làm cho túi lệ bị viêm, có nhầy mủ, nhất là khi ấn vào vùng góc trong mắt.
(Ảnh minh họa)
Còn với những trẻ thường bị đóng gỉ xung quanh mắt, theo BS Nguyễn Duy Bích, đây là một nhiễm trùng thông thường ở trẻ, nhất là trẻ sơ sinh.
Nguyên nhân là do khi sinh ra, mắt của trẻ phải tiếp xúc với dịch ối và các chất nhầy ở tử cung của người mẹ. Do đó, nếu không được vệ sinh mắt sạch sẽ, trẻ rất dễ vị viêm nhiễm. Thậm chí, có trường hợp, gỉ mắt đóng thành từng lớp dày quanh hai khóe mắt làm trẻ khó mở mắt hoặc gây đau mắt khi bố mẹ cố cạy gỉ cho trẻ.
Không nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ
BS Nguyễn Duy Bích cho biết, trong quá trình chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ, nhiều phụ huynh thường tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho con.
Với những trẻ bị nhức mỏi mắt hoặc bụi thông thường, việc dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt cho con có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, khi mắt trẻ gặp viêm nhiễm hoặc bệnh lý cụ thể, việc tự ý mua thuốc hoặc áp dụng các bài thuốc lưu truyền trong dân gian để chữa cho con ẩn chứa nhiều tác hại khôn lường.
Theo BS Nguyễn Duy Bích, một trong những việc làm tai hại mà các bà, các mẹ hay áp dụng khi chữa đau mắt, mắt nhiều gỉ cho trẻ là dùng sữa mẹ nhỏ trực tiếp vào mắt của trẻ. Điều này lợi ít mà hại nhiều.
“Mặc dù trong sữa mẹ có nhiều kháng thể có tác dụng kháng khuẩn, nhưng không đồng nghĩa với việc có thể diệt vi khuẩn hoàn toàn. Hơn nữa, thành phần trong sữa mẹ rất giàu các dưỡng chất, là môi trường lý tưởng “nuôi dưỡng” các vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Do đó, khi nhỏ sữa mẹ vào mắt của trẻ, các vi khuẩn có thể không bị tiêu diệt mà ngược lại, còn làm tăng nguy cơ giúp vi khuẩn tấn công ngược trở lại mắt bé, khiến trẻ có thể gặp các biến chứng như viêm loét, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và thị lực của trẻ”, BS Nguyễn Duy Bích nhấn mạnh.
Không tự ý nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ – Ảnh minh họa
BS Nguyễn Duy Bích cho biết thêm, mắt trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Do đó, khi đang gặp các vấn đề như đau, nhức mắt, chảy nước mắt hoặc nhiều gỉ… nếu tiếp xúc với các vật lạ, chúng dễ dàng bị tổn thương và nhiễm trùng.
Chẳng hạn, bên cạnh việc nhỏ sữa mẹ, nhiều bà mẹ còn đắp lá diếp cá quanh mắt cho trẻ để làm “mát mắt”. Tuy nhiên, việc làm này chưa có nghiên cứu nào chứng minh.
Vì thế, BS Nguyễn Duy Bích khuyến cáo, với trẻ sơ sinh nếu có biểu hiện bất thường về mắt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt, tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà theo các bài thuốc dân gian, truyền miệng.
Bên cạnh đó, không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt liều cao nhỏ cho trẻ khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ để tránh gây hại cho trẻ.
Cách chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ
Các chuyên gia khuyến cáo, để trẻ có đôi mắt khỏe mạnh, cha mẹ nên tuân thủ những việc làm sau:
– Vệ sinh mắt thường xuyên cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng. – Cho trẻ khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
– Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, quả chín; bổ sung vitamin A, Omega thiết yếu để tăng sức đề kháng cho đôi mắt của trẻ. – Khi ra ngoài, đội mũ, che khăn và đeo kính chống nắng để tránh tác động của các tác nhân gây hại cho đôi mắt của trẻ.
Theo Giadinh.vn