Bé Minh, cháu trai tôi năm nay 3 tuổi, khoẻ mạnh, thông minh, ham chạy nhảy, duy chỉ có một “bệnh” duy nhất là lười ăn. Tôi thấy việc thằng bé ăn ít chẳng có vấn đề gì nhưng với bà chị tôi, đó lại là biểu hiện của sự hư hỏng, cần được dạy dỗ và nếu lỡ hôm nào thằng bé không ăn hết bát, y như rằng hôm đó chị đi ra đi vào, hết nịnh nọt lại đến đàn hát, ipad lại đến tivi, doạ dẫm rồi đến đòn roi…cốt sau cho con ăn thêm được một vài thìa.
Không biết từ bao giờ, việc cho con ăn đã trở thành nỗi ám ảnh và “cuộc chiến” không khoan nhượng giữa chị và con trai. Kết quả thu về bao giờ cũng là những miếng cơm trệu trạo đầy nước mắt của thằng bé và sự bất lực của bà mẹ trẻ.
Tôi mới lập gia đình, mới đang chuẩn bị có con nhưng tôi đã tự hứa với lòng mình, việc cho con ăn không thể và không nên là một cuộc chiến. Đối với tôi: Trẻ con không ăn thì nhịn!
Theo một nghiên cứu về hành vi ăn uống của trẻ ở lứa tuổi 1-3 tại các nước châu Á mà tôi từng đọc được ở đâu đó, có tới 34,7% trẻ có vấn đề về ăn uống. Các kiểu trẻ biếng ăn phổ biến nhất là ăn ít, ăn chậm, không quan tâm đến thực phẩm, thấy thực phẩm là nhất định từ chối, không muốn ăn đồ ăn mới, vừa ăn ừa phải xem tivi, chơi trò chơi, ăn ở những nơi không cố định….Tất cả đều hoàn toàn bình thường.
Cháu trai tôi là một cậu bé mà từ khi sinh ra đến giờ, có lẽ Minh chưa bao giờ được quyền nếm trải cảm giác: Đói. Con luôn luôn bị mẹ nhồi nhét ăn uống, một bữa ăn dài lê thê kéo dài 2,3 tiếng. Vừa ăn xong là đến cữ ăn nhẹ, sữa, bánh kẹo, hoa quả, váng sữa, sữa chua….tất cả đều được chị gái tôi sắp xếp lịch ăn và cho Minh ăn liên tục không ngừng nghỉ. Chưa kịp hết no đã đến giờ ăn món khác. Một cuộc sống chưa từng được biết “đói” là gì khiến cậu bé 3 tuổi trở nên thờ ơ với thức ăn.
Một cuộc sống chưa từng được biết “đói” là gì khiến cậu bé 3 tuổi trở nên thờ ơ với thức ăn. (ảnh minh hoạ)
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Quả vậy, trẻ nhỏ cũng như người lớn, phải có cảm giác thèm ăn, thích ăn thì khi ăn mới ăn ngon miệng, mới ăn được nhiều. Nếu con từ chối ăn, các bậc cha mẹ hãy làm ơn, hãy “nhẫn tâm” mà cho con nhịn. Trẻ nhỏ có thể không ăn 2,3 ngày mà chỉ uống sữa, uống nước “cầm hơi” vẫn không hề hấn gì. Do đó đừng ngại cho bé nhịn để con được biết thế nào là đói.
Một ngày cho con ăn ba bữa chính, 2 bữa phụ, các bữa ăn cách nhau 2 giờ, ăn những món đồ dễ tiêu hoá và cố gắng đảm bảo mỗi bữa ăn không kéo dài quá 30 phút. Cha mẹ đừng đếm xem con ăn được mấy thìa, uống được mấy ml sữa mà nên quan tâm đến thái độ và sự hào hứng của con với thức ăn. Cho con ăn ít để nuôi dưỡng cảm giác đói. Thậm chí nếu trẻ không ăn, có thể cất đồ ăn đi ngay lập tức. Trong bữa ăn cũng khuyến khích con ăn cố định một chỗ, không ăn rong, không được phép xem tivi, không vừa chơi vừa ăn.
Tôi sẽ không bao giờ vì để con ăn được thêm vài thìa cơm thìa cháo mà khiến cả mẹ cả con đều phải khốn khổ. Đánh giá một đứa trẻ, không phải chỉ dựa vào cân nặng mà còn là cả chiều cao, khả năng vận động, sự phát triển trí não….
Tôi đã đọc được ở đâu đó một nguyên tắc như thế này và đã tâm niệm, nếu có con, tôi sẽ là một bà mẹ xử trí chuyện ăn uống của con đúng theo nguyên tắc này: Trong chuyện ăn uống, cha mẹ là người quyết định 3W: Where – ăn ở đâu; When – khi nào; What – ăn cái gì. Nhưng 2H: How much – ăn bao nhiêu; How to – ăn như thế nào…thì đó lại là quyền quyết định của trẻ.
Đừng để mỗi ngày là một ‘trận chiến’ ăn uống bởi như vậy cả mẹ và con đều là kẻ thua cuộc!
Theo tâm sự của độc giả Nguyễn Phương Anh ( Đống Đa, Hà Nội)