TS Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Viện Bỏng quốc gia), cho biết, với trẻ đang bị rôm sảy, việc tắm chanh sẽ gây hại cho da trẻ. Vì acid có trong chanh sẽ làm bong tróc các mảng da non, gây xót và tẩy mạnh ảnh hưởng đến quá trình phát triển da non của bé, khiến cho da trẻ trở nên viêm nhiễm nặng hơn, nhất là nếu pha quá nhiều chanh vào chậu nước tắm.
Mặt khác, trẻ nhỏ thường hay dụi mắt, mặt, đầu, trường hợp móng tay bé sắc, làm xước da, tắm chanh đặc sẽ khiến bé bị đau và xót. Đặc biệt với những bé đang bị rôm sảy, viêm da, chàm sữa thì lại tuyệt đối không nên tắm chanh vì da trẻ bị viêm rất nhạy cảm, non và mỏng, nếu tiếp xúc với acid trong chanh sẽ gây hại.
Cũng theo TS Nguyễn Viết Lượng, các mẹ có thể thay chanh bằng lá chè xanh để làm nước tắm cho trẻ. Trong chè xanh có những yếu tố diệt vi khuẩn cộng sinh ở trên da, rất tốt cho bé. Còn nếu gia đình vẫn muôn tắm chanh cho bé thì các mẹ nên pha nước thật loãng và tráng lại bằng nước sạch để tránh nguy cơ cho trẻ.
Phó trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai- Bác sỹ Nguyễn Thành Nam, cho biết hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định việc nhỏ nước chanh vào nước tắm hay thậm chí lấy vỏ chanh để chà xát có thể giúp hạ nhiệt cơ thể mùa hè cho trẻ. Vì thế việc tắm chanh là không cần thiết. Thậm chí với những bé đang bị viêm da, rôm sảy, chàm sữa thì lại tuyệt đối không nên tắm chanh vì da trẻ bị viêm rất nhạy cảm, non và mỏng, nếu tiếp xúc với axit trong chanh sẽ gây hại.
10 điều cần lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh
1/Rửa sạch tay của người tắm. Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng phục vụ cho việc tắm bé, trong đó phải có tã lót, quần áo sạch và ít nhất 1 khăn lớn sạch để lau khô người bé sau khi nhấc từ chậu nước ra.
2/Pha nước đủ ấm, không quá nóng, khoảng 38oC là vừa và để nhiệt độ phòng ở mức hợp lý. Không tắm cho bé bằng nước lạnh, luôn phải là nước sâm ấm dù là mùa hè.
3/Mực nước trong chậu chỉ khoảng 13cm hay nước ngập hết vai khi đặt bé vào đối với trẻ mới sinh
4/Mang bé vào phòng tắm và thật nhẹ nhàng cởi bỏ tã lót, quần áo cho bé.
5/Đầu tiên, hãy thật từ từ cho chân bé tiếp xúc với nước, một tay giữ giữa đầu và cổ bé. Tuy nhiên, nếu bạn hay mọi người trong gia đình thích cách tắm bé truyền thống của gia đình (một người giữ đầu và mông bé, một người tắm) thì hãy lưu ý để đầu bé phải luôn thoải mái và bé phải cảm thấy vững chãi, tin tưởng.
6/Lấy một chút xíu dung dịch sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh ra tay bạn rồi xoa lên người bé hoặc dùng bọt biển hay khăn tắm để kỳ cọ từ trên xuống dưới, từ trước ra sau khắp cơ thể bé. Dùng khăn mềm, ướt, có chút nước tắm gội để gội đầu cho bé. Làm sạch tai và mắt bé bằng các miếng bông gòn tròn và lưu ý rằng mỗi miếng bông gòn chỉ được dùng để làm sạch 1 bên mắt để tránh lây bệnh cho mắt kia.
7/Dùng khăn sạch lau lại người bé. Tuyệt đối không dội nước trực tiếp lên người trẻ vì có thể khiến trẻ cảm thấy bất an.
8/Mộ tay giữ giữa đầu và cổ bé để nâng bé ra khỏi bồn tắm, tay còn lại đặt ở mông bé, ngón cái và ngón trỏ vươn ra phía đùi (bởi các bé rất trơn khi ướt).
9/Đặt bé vào khăn tắm và lau khô người. Nếu bé thường xuyên đóng bỉm hay da bé khô thì bạn có thể dùng dưỡng thể thoa cho bé sau khi tắm. Tuy nhiên, trước khi dùng bất kỳ loại kem dưỡng nào cho bé bạn cần hỏi kỹ bác sĩ. Nếu bạn dùng phấn rôm thì phải để da bé phải hoàn toàn khô ráo trước khi sử dụng. Khi dùng, mẹ thoa nhẹ phần cổ và bẹn của bé. Và lưu ý không để phấn rôm bay vào miệng hay mũi bé.
10/Cuối cùng, mặc quần áo và ôm bé vào lòng, cho bé bú tí mẹ trước khi bé chìm vào giấc ngủ ngon lành.
Theo Khoe&dep