Chị Ngân ở quận Hai B�� Trưng, Hà Nội ’choáng” khi tình cờ đọc được những dòng như vậy trong nhật kí của cô “công chúa nhỏ” mới học lớp 5.

“Ông ấy” chính là cậu bạn học cùng lớp. Chị chợt thấy mình vô tâm khi chỉ thấy con mình cao hơn, lớn hơn về mặt thể chất mà không nhận ra con mình đã thật sự bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý.

Tuy nhiên, chị cũng bối rối: Có nên đọc trộm nhật ký của con hay không? “Đọc trộm” có thể sẽ biết con nghĩ gì, biết tâm sinh lý của con đang thay đổi như thế nào, nhưng lại là việc làm xâm phạm tới sự riêng tư, sẽ khiến con mất lòng tin và có suy nghĩ không hay về bố mẹ.

 

“Mẹ vẫn không xin lỗi hay tỏ thái độ gì…”

“Con chẳng thể tâm sự với ai được. Những viên đá nặng trĩu trong lòng đè lên trái tim con từng ngày. Một người bạn khuyên con nên viết nhật kí. Con cũng đã thử, cho tới một ngày, con bắt gặp mẹ đang ở trong phòng riêng của con, trên tay là cuốn nhật kí cùng chiếc cặp sách đã bị mở toang. Con sững sờ. Mọi bí mật của con, mọi tâm sự thầm kín của con,… tất cả đã bị người khác đọc trộm một cách lén lút như vậy sao? … Vậy mà mẹ vẫn không xin lỗi con hay tỏ ra một thái độ gì.…”

Trang Anh, HS lớp 8 của 1 trường THCS ở quận Ba Đình (Hà Nội) ấm ức viết trong lá thư gửi cuộc thi “Bố mẹ ơi con muốn nói” do một công ty sách phát động năm trước.

Còn Ngọc Châm (THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang) viết: “Con mong mẹ đừng bước vào thế giới riêng của con dù là 1 trang nhật kí, 1 cuốn truyện của tuổi teen, 1 đoạn thư của con… đừng bao giờ mẹ tự ý đọc nó… Nếu mẹ là con như bây giờ, mẹ sẽ thấy những gì con làm hoàn toàn bình thường. Con mong những cuộc điện thoại của con, những tin nhắn của con sẽ không bị kiểm soát, con mong con có thế giới riêng được bố mẹ tôn trọng. Bố mẹ hãy là người chỉ đạo, còn người quyết định là con chứ đừng là bố mẹ… Chính sự không hiểu và áp đặt ấy làm bố mẹ và con có khoảng cách dài hơn”.

Không “trộm”, sao biết…

Bà Nguyễn Thị Lan Minh – Chuyên viên cao cấp (Trưởng ban truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam – Giám đốc chương trình “Cửa sổ tình yêu”), cho rằng: “Không đọc trộm nhật kí của con  thì sao biết con cái mình yêu “nhăng nhít” gì ở trường”.

Như chị Ngân, khi đọc nhật kí của con, chị mới lắng lại. Những biểu hiện nhỏ nhất như gần nửa năm nay, con gái không còn thích đi chơi cùng bố mẹ, khác hẳn trước đây, bố mẹ đi đâu cũng đòi đi. Cô bé cũng không còn nô đùa hồn nhiên nữa, chăm soi gương và chải tóc hơn, thỉnh thoảng hay ngồi trầm ngâm, viết lách.

Từ đó, chị luôn chú ý tới tới từng biểu hiện của con và dành thời gian để chia sẻ với con về những điều con đang tò mò tìm hiểu.

Tuy nhiên, bạn chị, cũng có con gái học lớp 5, từng “thất bại” khi tình cờ đọc được nhật ký, thư từ của con.

Khi phát hiện cô bé có biểu hiện “có cảm tình đặc biệt” với anh hàng xóm qua những lá thư nhặt được, bố mẹ ngay lập tức tìm cách “cách ly đối tượng”, đưa con mình đến ở nhà một người họ hàng.

Chỉ vài tuần sau, người họ hàng bắt gặp cuốn nhật ký trong đó, cô bé lại thổ lộ tình cảm với một cậu bạn cùng trường. Mẹ cô mới nhận ra rằng: Hóa ra ,con gái mình đã đến tuổi bắt đầu thích con trai!

Tuy nhiên, sau một thời gian dài ở nhà họ hàng, trở về nhà, khoảng cách giữa bố mẹ và cô bé ngày càng lớn hơn. Cô bé ngại tiếp xúc với bố mẹ và rốt cục, bố mẹ ngày càng không hiểu con mình đang nghĩ gì, muốn gì.

“Trộm, nhưng không được để “lộ”. Bà mẹ nào cũng sẽ đọc trộm nhật kí của con, kể cả tôi. Tôi đọc, không phản ứng gì mà để thấy tâm trạng của con tôi thế nào” – bà Lan Minh chia sẻ.

Chị Nguyễn Ngọc Bích (quận Ba Đình, Hà Nội), có con trai đang học lớp 10 cũng đồng tình: Tôi rất muốn đọc trộm nhật kí của con và theo tôi, rất nên làm điều đó. Qua những dòng chữ, hành văn tôi có thể hiểu được tâm trạng của con mình với sự phát triển tâm sinh lý, cơ thể.

”Việc làm này phải hết sức khéo léo, thậm chí có thể nói là nghệ thuật tiếp cận riêng tư của con” – chị Bích nói.

Chị Bích chia sẻ kinh nghiệm: Con tôi không viết nhật kí, nên mỗi khi thấy con đang chat với bạn bè, tôi đến gần hỏi chuyện, dọn dẹp bàn học cho con và liếc trộm vào màn hình xem con chat cái gì, cho ai. Tôi không nói ra và coi như không biết chuyện. Đến một lúc nào đó, ngồi ăn cơm cả nhà hoặc có 2 mẹ con tôi nói chuyện rất bâng quơ rằng bây giờ ngôn ngữ chat không hay, thậm chí thiếu văn hóa. Sau đó, tôi dặn con là chat thì phải giữ được phong cách của mình, không a-dua theo trào lưu, phải nói thế nào cho lịch sự, văn hóa đẹp và như vậy chính là giữ được thương hiệu cho mình.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Oanh (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên gia báo chí trẻ em) cho rằng: không nên đọc trộm nhật kí của con, trừ khi đó là blog và được công khai trên mạng. Nhật kí là quyền riêng tư của các con. Dù đọc trộm mà các con không biết thì cũng không nên làm như vậy.

“Cách đây ít năm, lúc đó con tôi học lớp 6, đã bị cô giáo thu quyển nhật kí. Tôi đã đến gặp cô giáo và nói rằng cô nên trả lại cho cháu vì đó là riêng tư của nó” – ông Oanh kể.

Mặt khác, không hẳn là chỉ có đọc nhật kí mới biết con nghĩ gì, mà trong sinh hoạt hàng ngày, chỉ cần bố mẹ chịu khó để ý những biểu hiện của con thì sẽ hiểu hơn về tâm lý của con.