Có thể nói, những đồ chơi là những vật đáp ứng tốt nhất nhu cầu tò mò của trẻ, vì nó không gây nguy hiểm cho trẻ, đó là yêu cầu đầu tiên của một món đồ chơi. Sau đó, nếu có hư hỏng do sự khám phá “quá tay” thì cũng không gây tốn kém nhiều cho gia đình, vì thế không nên mua những món đồ chơi đắt tiền cho trẻ để rồi lại cấm không cho trẻ chơi, hay lại lấy làm tiếc khi trẻ làm hỏng, để rồi có khi trẻ lại bị đòn oan vì cái tính tò mò và tinh thần khám phá.

Nếu chúng ta muốn trẻ có sự ưa thích đối với các sự vật, sự kiện xung quanh, tiền đề cho sự ham mê và là khởi điểm cho việc hướng nghiệp sau này, hãy tìm cách kích thích tính tò mò của trẻ, tạo những cơ hội để trẻ khám phá, dù đôi khi cũng có những sự đáng tiếc như bể, vỡ, rách hay hư hỏng trong quá trình tìm kiếm và sử dụng. Thậm chí có thể làm cho trẻ bị tổn thương và chúng ta thì vừa bực mình vì những cái trò “nghịch ngợm” đó lại vừa xót con. Nhưng chính những kinh nghiệm đau thương đó lại là những bài học có giá trị, để trẻ vừa tăng thêm kỹ năng, sự hiểu biết và cũng giảm đi phần nào tính kiêu ngạo ở trẻ.

su-to-mo-anh-huong-den-phat-trien-nang-luc-o-tre-nhu-the-nao

Ngoài đồ chơi thì các hoạt động trong nhà và các hoạt động ngoài thiên nhiên cũng là những yếu tố giúp cho phụ huynh xác định được sở thích của trẻ. Trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ, hầu hết các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc dinh dưỡng, cho con đi học và cung cấp cho trẻ những tiện nghi tốt nhất trong gia đình, điều đó nói lên tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái. Tuy nhiên, việc tập cho con biết làm những việc đơn giản trong gia đình phù hợp với độ tuổi và năng lực của trẻ mới là một yếu tố để giúp con phát triển và hoàn thiện nhân cách. Chính khả năng tháo vát, biết nấu cơm, rửa chén, lau nhà, sắp xếp nhà cửa và tham gia vào những hoạt động chung của gia đình từ việc đi chợ, đi siêu thị cho đến chuẩn bị các buổi lễ, tết, kỷ niệm trong gia đình là những biện pháp rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ một cách tốt nhất, dễ nhất và có hiệu quả lâu dài nhất. Không những thế, đó cũng là một cách giúp trẻ nhận ra những mặt mạnh, yếu của mình để từ đó giúp bố mẹ dễ có sự định hướng cho quá trình phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

su-to-mo-anh-huong-den-phat-trien-nang-luc-o-tre-nhu-the-nao

Các hoạt động ngoài thiên nhiên cũng góp phần hình thành nhân cách cho trẻ. Giúp chúng có những cảm nhận về giá trị của con người trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, con người tuy nhỏ bé, nhưng với những ước mơ và năng lực, có thể vươn lên những tầm cao không phải để chinh phục, mà là hoà nhập với thiên nhiên. Chúng ta đã thấy rằng chính lòng tham và sự kiêu ngạo khi đứng trước thiên nhiên với mong muốn khai thác và chinh phục đã khiến con người phải trả những giá quá đắt với tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai gia tăng… Chúng ta nên biết rằng thiên nhiên ẩn chứa những yếu tố đem đến cho con người những niềm vui, sự hiểu biết và cả năng lực sáng tạo. Vì vậy, hãy chỉ dẫn cho con hay tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận với thiên nhiên với những điều tự nhiên nhất của nó.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ta cứ thả lỏng đứa trẻ, mặc cho nó tự do tìm tòi, khám phá, thử nghiệm vì đôi khi ngay cả trong những việc bình thường nhất vẫn tiềm ẩn những nguy cơ không lường trước được. Do đó, trước khi để con tự do khám phá bạn nên xem xét độ an toàn, lưu ý đến những nguy cơ có thể gây ra té ngã, cháy nổ hay điện giật… Nhưng điều quan trọng vẫn là phải tạo điều kiện và khuyến khích sự tìm tòi của trẻ.

Mời bạn xem thêm >>

Cha mẹ lúng túng khi giáo dục giới tính cho trẻ

Bảng việc nhà theo độ tuổi mẹ nên khuyến khích bé tự làm

18 bài học cuộc sống trẻ học được từ cha mẹ