Bé mới lọt lòng không thể đi lại ngay được do não và cơ quan vận động còn chưa phát triển. Theo quá trình phát triển sinh lý bình thường, phải đến 10 tháng tuổi, bé mới có thể dần biết đứng lên và lẫm chẫm biết đi. Tuy nhiên, do bé phát triển không giống nhau nên nhìn chung bé trong khoảng 10-18 tháng tuổi bắt đầu tập đi là bình thường.

Một số phụ huynh nóng vội, sốt ruột bắt bé phải tập ngồi, đứng, đi lại quá sớm. bé sớm biết đi được coi là thành tích, cũng là niềm vui và tự hào của người lớn nên bố mẹ thường ép phải tiến bộ hơn. Điều đó làm cho cột sống bé còn non nớt phải gánh chịu tải trọng quá lớn của đầu và phần trên cơ thể nên dễ bị đau lưng về sau này..

Tập đi sớm còn làm tăng tải trọng lên khớp háng của bé, dẫn đến bệnh xẹp chỏm xương đùi. Ngoài ra, xương cẳng chân bé vốn còn mềm dẻo do chứa nhiều chất hữu cơ và nước, ít canxi nên sẽ dễ bị biến dạng thành hình chữ O (chân vòng kiềng) hay chữ X (chân chữ bát).

Đi, đứng sớm còn làm cho bé dễ bị mắc chứng bàn chân bẹt do sức ép của toàn bộ cơ thể. Bình thường, lòng bàn chân của người lõm, có cấu trúc vòm, làm cho trọng lực cơ thể được phân bố đều trên bàn chân. Ở bé có bàn chân bẹt, cơ chế phân phối lực của bàn chân không còn nữa, trọng lượng cơ thể đè trực tiếp lên gót chân, khiến vùng này phải chịu tải quá mức. Bé có bàn chân bẹt thường đi lại khó khăn, chóng mệt mỏi.

Hãy chọn thời điểm thích hợp để dạy bé tập đi. Nếu bé chưa muốn tập đi thì không nên cưỡng. Hãy để bé vận động theo đúng khả năng của mình. Khi bé mới bắt đầu tập đi, người lớn phải đỡ, dìu bé. Tuy nhiên, không nên lôi kéo mạnh vào tay và người bé vì chúng sẽ dễ bị trật khớp, nhất là các khớp vai và cổ tay. Cần phải lót sàn nhà bằng các tấm lót xốp mềm mại để tránh gây hại khi ngã.

Ngoài ra, để bảo vệ hệ xương cho bé, cần tránh bế bé bằng một bên tay vì dễ gây vẹo cột sống. Tránh tư thế cúi đầu ra trước hay nằm gối quá cao, dễ gây gù. Khi bé đã biết đi, cần dạy đi một cách tự nhiên, giữ đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực hơi ưỡn ra phía trước.