Trẻ thiếu kiên trì, nhẫn nại sẽ không có ý chí vươn lên, thiếu tinh thần khắc phục khó khăn và năng lực làm việc kém. Trẻ không có sự sáng tạo, ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, khả năng phản xạ của trẻ kém, luôn ỷ lại vào cha mẹ, làm việc gì cũng không đến cùng và thường bỏ dở.

Với trẻ, việc rèn luyện đức tính này không hề đơn giản, vì trẻ chóng chán và dễ thay đổi. Cha mẹ phải là người luôn tích cực trong việc giáo dục tính kiên nhẫn cho trẻ.

Cha mẹ hãy là tấm gương kiên trì và nhẫn nại

Muốn rèn luyện cho con tính kiên trì, nhẫn nại thì trước tiên cha mẹ phải là tấm gương về những đức tính này. Trẻ thường bị ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách của người lớn. Nếu thấy cha mẹ hay nôn nóng, vội vã, cáu gắt và thiếu bình tĩnh trước mọi việc, trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng tính thiếu kiên nhẫn từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Không nên làm giúp trẻ tất cả mọi việc

Tâm lý của các bậc cha mẹ là luôn sợ con mình còn nhỏ nên chưa biết làm việc, hay sợ con vất vả nên cha mẹ thường làm hộ con tất cả mọi việc. Nhưng chính điều này sẽ dẫn đến việc trẻ luôn ỷ lại vào người khác và không biết làm gì. Vì vậy, cha mẹ không nên làm giúp con mọi việc mà hãy để trẻ tự làm những việc mà trẻ yêu thích. Qua đó, trẻ có cơ hội được tìm tòi, học hỏi và kiên trì theo đuổi một công việc yêu thích nào đó. Nếu thấy trẻ làm chậm, hoặc không làm được thì cũng không nên giúp đỡ trẻ ngay, có thể hướng dẫn hoặc gợi ý từng bước cho đến khi trẻ hoàn thành công việc thì thôi.

Đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách chừng mực và có điều kiện

Trẻ con thường có tính “đòi không được thì ăn vạ”. Nếu như cha mẹ “nhún” quá là trẻ càng lấn tới. Vì vậy, chỉ nên đáp ứng nhu cầu của trẻ trong một chừng mực nào đó và phải tỏ rõ quan điểm cho trẻ hiểu rằng  “không phải lúc nào đòi cũng được”.

Để tránh tình trạng căng thẳng giữa cha mẹ và con thì phải học cách hướng sự chú ý của trẻ vào cái khác một cách nhanh chóng và linh hoạt. Nếu trẻ cố tình đòi hỏi một thứ gì đó, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của trẻ, nên có điều kiện ngược lại để trẻ hiểu về trách nhiệm của mình. Sau khi hoàn thành yêu cầu của cha mẹ, trẻ sẽ được đáp ứng yêu cầu ngay, thay bằng việc cứ ngồi đó mà ỉ ôi đòi hỏi cho bằng được.

Uốn nắn, động viên khi trẻ thiếu kiên nhẫn

Nếu để trẻ dễ dàng đạt được mục đính của mình thì từ đó trẻ sẽ đánh mất dần sự kiên nhẫn. Do đó, khi trẻ tỏ ra thiếu kiên nhẫn, cha mẹ cần động viên, uốn nắn ngay để không trở thành một thói quen xấu. Cần kết hợp hài hòa giữa biện pháp động viên (khen ngợi, thưởng…) với biện pháp uốn nắn (phạt). Nhất là với một số việc quan trọng (như tập tô màu, tập viết chữ, tập làm toán…), cần có khuôn phép nhất định để hình thành một nền nếp thường xuyên, ổn định.

Rèn luyện tính kiên nhẫn là cả một quá trình, vì vậy bản thân cha mẹ phải kiên trì theo đuổi sự rèn luyện đó. Trẻ đang làm việc gì đó, hãy cố động viên để trẻ làm cho xong, đừng bảo trẻ làm việc khác. Chẳng hạn, trẻ đang tập viết, bạn đi đâu về có đồ chơi mới, liền gọi trẻ nhận quà, tức thì trẻ sẽ bị món quà mới hấp dẫn, lúc đó bảo trẻ chơi một chút rồi viết bài tiếp e rất khó. Vì vậy, để trẻ làm xong một việc gì đó, với ý thức trách nhiệm cao (không được làm qua loa, đối phó) rồi mới yêu cầu hoặc để trẻ làm việc khác. Dĩ nhiên, cha mẹ không thể đòi hỏi ở con mình nhiều quá mà phải phù hợp sức khỏe, tính cách, thói quen, điều kiện thực tế…