Sau sinh 6 tuần là thời gian hậu sản, nhưng không có nghĩa phải kiêng đủ thứ, bạn có thể tắm nước ấm, ăn đủ rau củ, trái cây…, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, chuyên gia Lý Thị Mai và nhà thiết kế Ngô Thái Uyên chia sẻ.

– Tôi có một người bạn, chị ấy sinh cháu được hơn 2 tháng rồi mà cái vết rạch và khâu đấy vẫn bị nhiễm trùng, vẫn thấy đau, rỉ nước, vậy phải điều trị như thế nào? Uống thuốc gì là tốt nhất, và vệ sinh như thế nào cho hợp lý? (Chu Huyền, 31 tuổi, Quảng Ninh)

– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Chào bạn, thông thường vết rạch và khâu ở tầng sinh môn sẽ lành khoảng 15 ngày sau sinh. Trường hợp 2 tháng vẫn còn nhiễm trùng và đau là không bình thường. Bạn nên đến khám ở một bác sĩ chuyên khoa sản để được điều trị đúng mức. Sau sinh, nhất là người có cắt khâu tầng sinh môn, phải giữ âm hộ luôn sạch và khô.

– Cháu sinh em bé đã hơn một năm. Từ ngày sinh cháu rất gầy và yếu, 3 tháng đầu tiên được mẹ chồng cho ăn toàn thịt lợn và thi thoảng một bữa thịt gà. Bà nói ăn những thứ khác sợ con đi ngoài và mẹ bị sản hậu. Đến khi cháu đi làm các chị cùng cơ quan nói cháu ăn như vậy là thiếu chất, thế là cháu ăn hết không kiêng khem gì nữa. Tuy đã 7 tháng nhưng cháu rất gầy. Cháu được một số người nói cháu bị sản mòn (sản hậu mòn héo). (Đỗ Thị Thảo, 28 tuổi, Hà Nội)

– BS Phượng: Chào bạn, các bạn làm cùng cơ quan với bạn nói đúng đấy! Sau khi sinh, sản phụ cần được ăn đầy đủ các nhóm bột, đường, đạm, chất béo, nhất là rau xanh và các loại quả. Nếu chỉ ăn toàn thịt thì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn dinh dưỡng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây ảnh hưởng không tốt đối với cháu bé sơ sinh. Nếu bạn quá gầy một cách bất thường, bạn nên đến khám ở một bác sĩ hoặc 1 cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Trong khoa học không có chứng bệnh sản mòn. Có một loại bệnh làm cho sản phụ sau sinh bị gầy, yếu, vô kinh, rụng lông – tóc và không có sữa cho con bú. Nguyên nhân do mẹ bị băng huyết nặng sau sinh. Rất mong bạn không rơi vào trường hợp này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trả lời câu hỏi của độc giả trong buổi tư vấn trực tuyến về chăm sóc mẹ và bé sau sinh trên VnExpress.net sáng 18/6. Ảnh: Thiên Chương

– Chào cô Mai, trước khi sinh con, vợ tôi tuy không chưng diện nhưng cũng là người tươm tất. Thế nhưng không hiểu sao, từ khi có em bé, cô trở nên hời hợt, lơ là. Cửa tủ lạnh mở rồi quên đóng, cho con bú sữa chảy ướt áo thì mặc luôn cái áo đó đi chợ, tôi muốn vợ chồng gần gũi thì cô ấy cứ tìm cách lẩn tránh. Xin cô Mai tư vấn xem tôi phải làm gì đây? (Minh Thùy, 28 tuổi, Phú Thọ)

– Chuyên gia tư vấn tâm lý Lý Thị Mai: Trước hết, cô rất thông cảm với bạn. Tình trạng của vợ bạn cũng khá phổ biến, nhất là sau khi sinh con đầu lòng. Có lẽ, vợ bạn cũng chưa được chuẩn bị tốt tâm thế để làm mẹ nên dễ lúng túng khi sinh con. Bạn nên xem lại sự hỗ trợ của gia đình và đặc biệt là của bạn để giúp vợ có thể sắp xếp thời gian một cách hợp lý. Một khi được trợ giúp, cô ấy sẽ bớt bị áp lực và có thể điều chỉnh thời gian cũng như sinh hoạt để trở nên gọn gàng, tươm tất hơn. Một khi con khỏe, chồng yêu thương thì chắc chắn việc quan hệ chăn gối sẽ được cải thiện rõ rệt. Kiên nhẫn, yêu vợ, em sẽ giúp vợ vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Chúc em thành công.

– Xin hỏi chị Ngô Thái Uyên, nên chọn áo lót ngực như thế nào để vừa đẹp vừa tiện cho bé bú? (TP HCM) (Thủy Mai, 27 tuổi, TP HCM)

– Nhà thiết kế thời trang Ngô Thái Uyên: Chào bạn, hiện thị trường có bán những loại áo ngực chuyên dụng tại các cửa hàng dành riêng cho bà mẹ và trẻ em. Loại áo ngực này thiết kế có phần ngực có thể tháo rời ra khi cho bé bú, khá tiện lợi. Tuy vậy, trang phục mặc bên ngoài, bà mẹ nên chọn có nút áo cài giữa và rộng rãi, thoải mái.

– Cháu nay đã sinh được 5 tuần nhưng vẫn ra máu. Khoảng 3 tuần cháu ra máu rất ít rồi lại ra nhiều đến gần 4 tuần thì gần như không còn, nhưng 2 ngày nay cháu ra rất nhiều máu lúc đỏ tươi lúc đen sẫm, cháu không bị đau bụng hay sốt chỉ rất hay chóng mặt nếu ngồi lâu. Cháu sinh thường, con rạ, nhưng lần trước cũng chỉ 3 tuần là hết, xin bác sĩ tư vấn giúp ra máu đó có phải là sản dịch không? Cách thức điều trị? (Hồng, 31 tuổi, TP HCM)

– BS Phượng: Chào bạn, sau khi sinh, một sản phụ thường ra sản dịch nhiều trong vòng 10 ngày đầu. Tuần lễ đầu, sản dịch màu đỏ lẫn chất nhầy, sau đó, sản dịch nhợt dần đi, nhiều chất nhầy màu trắng trong hay hơi đục. Dù mới sinh hay ở những ngày về sau, sản dịch bình thường không có mùi hôi. Tử cung co hồi dần, 10 ngày sau sinh đáy tử cung xuống thấp, nằm giữa khoảng từ rốn đến xương mu.

Bạn ra máu 3 tuần, lượng máu ít, trường hợp này gần như bình thường. Tuy nhiên, 2 ngày vừa qua lại ra máu nhiều lúc đỏ tươi lúc đen sẫm là không bình thường. Xin hỏi thêm bạn có cho con bú mẹ hoàn toàn hay không. Nếu bạn cho cháu bú dặm thì có thể bạn đã hành kinh trở lại. Nếu bạn cho cháu bú mẹ hoàn toàn, bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân tại sao máu ra nhiều như vậy.

– Đẻ xong phần bụng còn mập quá nên đã 10 tháng sau sinh mà tôi không dám mặc đồ tắm xuống hồ bơi. Nhờ tư vấn chọn mua áo tắm như thế nào cho phù hợp. (Thanh Lam, 28 tuổi, TP HCM)

– N.T.Uyên: Bạn có thể đến những cửa hàng chuyên bán trang phục tắm trong thành phố có nhiều kiểu áo bơi dành cho các bà mẹ mới sanh con. Kiểu trang phục này có kiểu dáng như áo đầm ngắn, bên trong có quần bơi nên vẫn tôn được dáng người, kín đáo, đồng thời cũng che được khiếm khuyết cơ thể. Bạn cũng có thể chọn những form áo có cúp ngực để tạo thêm vẻ gợi cảm vốn có của vòng 1.

– Chào cô Mai, cháu hạnh phúc lắm vì có được đứa con xinh xắn nhưng lại rất buồn vì sau sinh, ông xã cháu chỉ quan tâm đến con và hầu như không màng đến cháu. Cháu thấy mình như một người thừa. Những sản phụ khác không biết có bao giờ rơi vào tình cảnh này không và nếu có thì phải làm sao để thoát khỏi cảm giác bị bỏ rơi? (Hải Hà, 29 tuổi, Ninh Bình)

– CGTVTL Mai: Chúc mừng cháu có một người chồng rất yêu con. Thay vì buồn do chồng lơ là, cháu hãy dành thời gian khi chồng chăm sóc con để tự chăm sóc bản thân sao cho xinh xắn, gọn gàng và hấp dẫn hơn trong mắt chồng. Đừng quên cảm ơn sự hợp tác quý báu của chồng trong việc chăm con. Nhẹ nhàng, xinh đẹp, gợi cảm của “gái một con” chắc chắn sẽ làm mềm lòng chồng cháu. Chúc cháu tự tin và hạnh phúc.

– Sau sinh một năm, em vẫn tăng đến 10 cân so với lúc mới sinh, hiện em nặng 55 kg trong khi chỉ cao 1,5 mét. Mong chị Uyên tư vấn chọn kiểu dáng, màu sắc để chọn đầm liền cho người như em. (Ngọc Phương, 28 tuổi, Hà Nội)

– N.T.Uyên: Với số cân nặng và chiều cao của bạn thì vẫn còn trong “phạm vi an toàn” cho các kiểu dáng trang phục khác nhau. Tuy vậy, phụ nữ sau sinh cho dù có thể lấy lại trọng lượng như trước khi sinh thì kích thước vòng 2 vẫn không thể trở lại như thời con gái. Vì vậy, bạn nên chọn kiểu đầm liền có phần rã thân áo bên dưới chân ngực với phần thân dưới không quá ôm. Ngoài ra, nên chú trọng những chi tiết trang trí trên phần cổ áo, tay áo để giảm sự tập trung vào những phần chưa trở lại hòan chỉnh của thân thể. Vẻ rạng ngời của khuôn mặt từ niềm vui làm mẹ sẽ khiến cho bất cứ trang phục nào bạn mặc cũng trở nên đẹp hơn.

– Cháu gái em vừa mới sinh được 20 ngày. 15 ngày mới rụng cuống rốn nhưng vẫn chưa khô, có nước vàng rỉ ra. Cho em hỏi phải làm thế nào? (Trần Hồng Duyên, 27 tuổi, ODC TRAVEL 65 Ly Nam De)

– BS Phượng: Chào bạn, điều bạn cần làm là đưa cháu đi khám ở bệnh viện mà bạn đã sinh cháu. Hiện nay, theo Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta không nên băng rốn quá chặt và quá dày cho các cháu sơ sinh, nhất là ở những nước nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới như VN. Bởi vì băng rốn quá chặt, quá dày sẽ làm rốn chậm rụng và rỉ nước vàng giống như nhiễm trùng. Quan điểm hiện nay về chăm sóc rốn sơ sinh là giữ rốn khô, thoáng bằng cách đắp nhẹ miếng gạc mỏng, tránh để nước tiểu của cháu làm ướt rốn. Mỗi ngày cần thay băng rốn sau khi lau phần cuống rốn bằng nước sạch đã đun sôi để nguội.

Nhà thiết kế thời trang Ngô Thái Uyên thú vị trước một câu hỏi của độc giả gửi đến nhờ tư vấn. Ảnh: Thiên Chương

– Sau khi sinh, cháu không còn cảm giác với chồng nữa, cứ thấy sợ. Giờ cháu đã sinh được 3 tháng rồi ạ, dường như tình cảm dồn cả vào con, cháu thấy rất tội nghiệp chồng nhưng không biết phải làm sao ạ. Nhờ các chuyên gia tư vấn giúp. (Hương, 29 tuổi, Hà Nội)

– CGTVTL Mai: Có nhiều lý do khiến cho những người mẹ trẻ thường tránh né chuyện quan hệ chăn gối: chăm sóc con quá mệt mỏi, công việc, quan niệm phải kiêng khem… nên lơ là với chồng là chuyện rất đáng được thông cảm. Tuy nhiên, sau khi sinh, sức khỏe đã ổn định thì việc chăn gối là điều hoàn toàn bình thường. Chồng cháu vì yêu vợ, không trách móc nhưng cháu cũng nên sớm điều chỉnh để hưởng hạnh phúc vợ chồng. Có con là hoa trái của tình yêu nhưng đừng quên thiên chức làm vợ. Hãy tâm sự với chồng về sự lo lắng, chểnh mảng để chồng hiểu và thông cảm. Chính thái độ và sự hiểu biết của chồng sẽ nâng đỡ, giúp cháu tìm lại hứng thú trong quan hệ vợ chồng.

– Em đang chuẩn bị sinh em bé thứ 2, bé lớn nhà em vừa được 2 tuổi. Hồi sinh cháu lớn em có dùng phương pháp gây mê tủy sống để đẻ không đau nhưng có một số người bảo phương pháp này gây mất sữa (thực tế là từ khi em bé được 4 tháng em cũng bị mất sữa nên cháu phải uống sữa ngoài). Bây giờ sinh cháu thứ 2 em rất băn khoăn không biết có nên sử dụng biện pháp giảm đau này nữa không? (Nhật Anh, 32 tuổi, TP HCM)

– BS Phượng: Phương pháp gây tê quanh màng cứng của tủy sống để giảm đau trong khi sinh đã và đang được hàng triệu bệnh viện sản trên thế giới áp dụng. Phương pháp này không gây mất sữa. Việc bạn mất sữa khi cháu bé được 4 tháng có lẽ là do một nguyên nhân nào khác.

Lần sinh này, bạn cứ sử dụng biện pháp giảm đau này vì nó giúp cho sản phụ không có cảm giác quá sợ hãi khi sinh con. Bạn nên cho con bú khoảng nửa giờ sau sinh, khi bạn không còn mệt mỏi nữa. Bạn càng cho cháu bé nút vú mẹ thì sữa càng được tiết ra nhiều và nhanh. Bạn cần nhớ không nên lo lắng, sợ mình bị mất sữa. Chính những lo lắng, suy nghĩ căng thẳng mới dễ làm cho các sản phụ bị mất sữa. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, không có phụ nữ nào không đủ sữa cho con bú, ít ra là trong 4 tháng đầu tiên sau sinh.

– Cháu đã sinh được hơn 1 tháng, khi mang thai cháu chăm chỉ uống Similac Mom nhưng sau khi sinh đến giờ cháu vẫn tăng 7 kg. Người thân khuyên cháu vẫn nên uống sữa này vì cháu đang cho con bú, nhưng cháu rất lo đã mập mà uống sẽ càng mập thêm. Xin cho cháu lời khuyên ạ? (Thanh Vân, 26 tuổi, TP HCM)

– BS Phượng: Xin khẳng định với bạn uống Similac Mom không làm tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể như bạn lo lắng. Loại sữa này có đủ các dưỡng chất để cháu bé phát triển tốt. Mẹ uống sữa rồi cho con bú thì cháu bé sẽ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và não bộ. Cho con bú sữa mẹ cũng là một biện pháp tốt để làm giảm bớt lượng chất béo trong cơ thể của người mẹ.

– Mong con gái nhưng lại sinh con trai. Tôi có cảm giác như mình không thương con lắm. Tôi có sai không? (Thúy Nga, 28 tuổi, Vĩnh Phúc)

– CGTVTL Mai: Tâm trạng này cũng rất dễ hiểu. Tuy nhiên, con nào cũng là con của mình, nếu bé khỏe mạnh, thông minh thì đó là phần thưởng vô giá của cha mẹ. Hãy vừa nuôi con, vừa chăm sóc bản thân. Mẹ khỏe, con khỏe, được chồng yêu thương sẽ góp phần cải thiện những suy nghĩ hiện nay của em. Nếu đây là con đầu lòng, chúc em sẽ được toại nguyện trong lần sinh thứ hai. Hy vọng, em sẽ sớm tìm được niềm vui khi được làm mẹ của một cậu con trai kháu khỉnh.

– Em sinh cháu (sinh mổ) tháng 11/2007. Em cao 1,56 m, nặng 41 kg. Trước khi cưới em nặng 45 kg, khi mang thai em tăng 15 kg, vậy mà chỉ sau 3 tháng em chỉ còn 42 kg. Da nhăn và sạm đen đi trông thấy. Xin các chị tư vấn giúp em làm cách nào để tăng cân, nên ăn mặc như thế nào để trông béo hơn và bớt đen được không ạ? (Tạ Thu Hà, 31 tuổi, Huế)

– N.T.Uyên: Đối với trang phục bạn nên chọn những loại vải có độ xốp, mỏng, không nên chọn loại vải dày. Mọi người thường hay nhầm lẫn khi ốm mặc trang phục rộng sẽ thấy mập hơn nhưng thực tế lại không đúng. Khi cơ thể xúng xính trong một trang phục rộng thùng thình thì người đối diện càng phát hiện ra người mặc đang cố tình che giấu khuyết điểm một cách vụng về. Với loại vải xốp, bạn có thể chọn cho mình những kiểu có bèo nhún, xếp nếp phần trước ngực, eo áo, chọn kiểu rộng có rút thun phần eo, tay áo phồng và dài qua khuỷu tay. Nên tránh chọn mặt áo dài tay lùng thùng.

Da bạn đang thiếu nước vì thức đêm và sinh hoạt không ổn định, bạn có thể phục hồi và bù đắp lượng nước cho da mặt bằng cách sử dụng kem dưỡng da ban đêm, ban ngày có chất giữ ẩm. Đối trang điểm, bạn nên mua thêm một loại phấn trắng “high light” phủ bên ngoài phần mí mắt dưới. Bạn cũng nên chọn tông màu mắt với gam màu sáng nhẹ và nhấn bằng viền mắt nước, tránh trang điểm quá đậm và quá dày.

– Sau khi sinh bé đầu, tôi bị bí tiểu, mỗi lần đi tiểu rất khó khăn và phải gắng sức rặn, rất mất sức. Tôi đang lo lắng liệu lần sinh này tôi có bị lại hiện tượng này không? Nếu bị tiểu khó sau khi thì tôi cần làm gì? Uống thuốc gì? Lần trước tôi cũng đã thử chườm nước ấm, mở vòi nước róc rách nhưng không hiệu quả. Cám ơn bác sĩ. (Quỳnh Hoa, 30 tuổi, Quang Nam)

– BS Phượng: Chứng bí tiểu sau sinh là do niệu đạo phù nề vì đầu thai chèn ép trong thời gian khá lâu khi người mẹ chuyển dạ và sổ thai kéo dài. Có thể điều trị bí tiểu sau sinh bằng cách:

– Đặt ống thông tiểu trong 3 ngày, kẹp đầu ống để giữ nước tiểu ở bàng quang trong 4 giờ hoặc đến khi sản phụ có cảm giác bàng quang căng cứng, mở ống để nước tiểu chảy ra rồi kẹp trở lại. Phương pháp này được gọi là luyện tập cơ bàng quang. Vấn đề cần quan tâm là ống thông tiểu phải sạch để sản phụ không bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu sau này.

– Trong bệnh viện, có sự theo dõi cẩn thận, nếu sản phụ không có tiền căn viêm loét dạ dày, các bác sĩ có thể cho sử dụng corticoids và kháng sinh để làm giảm phù nề.

– Tôi mới sinh em bé, cơ thể tôi bị béo phì, bụng mỡ nhiều. Xin chị Uyên tư vấn cho tôi cách chọn trang phục sao cho có thể che được những khiếm khuyết. (Vương Trinh, 27 tuổi, TP HCM)

– N.T.Uyên: Nếu bạn không sinh mổ thì sau tháng đầu tiên bạn nên bắt đầu tập những bài thể dục nhẹ cho phần bụng vì cơ thể trong giai đoạn này nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ rất khó khăn cho việc lấy lại vóc dáng trước khi sinh. Tạm thời, bạn có thể chọn những trang phục màu sậm, vải thun nhẹ, mỏng có phần cắt rã thân dưới phần ngực áo, hoa văn hài hòa.

– Cô ơi! Sinh em bé xong khi nào mới đặt vòng tránh thai được vậy cô? Cháu mới có kinh nguyệt lại. Cháu cám ơn cô. (Nguyễn Thị Thanh Thúy, 30 tuổi, 49 Trường Sơn, TB)

– BS Phượng: Rất hoan nghênh bạn quan tâm đến việc tránh thai ngay sau sinh. Bạn đã có kinh nguyệt trở lại, như vậy có nghĩa là bạn có thể có thai nếu không có biện pháp chủ động phòng tránh. Tại thời điểm này bạn đã có thể đặt vòng tránh thai. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng bao cao su, thuốc viên nội tiết tránh thai chỉ có progestin (Exluton).

Chuyên viên tư vấn tâm lý Lý Thị Mai cân nhắc chọn câu hỏi của độc giả để trả lời. Ảnh: Thiên Chương

– Tôi có con gái 3,4 tuổi. Trước đây, cháu ngủ ngon giấc. Nhưng từ khi tôi sinh cháu thứ 2, cháu được tách ra ngủ với bà. Đêm đêm, cháu thường mê sảng, nói lảm nhảm. Có những đêm, cháu thức dậy 4-5 lần như thế. Theo bà, tôi phải làm gì, có cần đưa cháu đến bác sỹ tâm lý? (Vân Tùng, 30 tuổi, 15 – Trần Quý Kiên – Dịch Vọng – Cầu Giấy – Hà Nội)

– CGTVTL Mai: Có lẽ bạn cần đưa cháu đến bệnh viện để kiểm tra hầu loại trừ các nguyên nhân về thực thể. Nếu sức khỏe cháu không có vấn đề gì, thì có lẽ là do sự khủng hoảng tâm lý khi cháu bị tách rời khỏi mẹ một cách đột ngột, đồng thời lại tiếp nhận sự có mặt của em bé nên có cảm giác bị bỏ rơi, không còn được mẹ quan tâm nhiều như trước đây…

Nên chăng, bạn hãy thường xuyên trò chuyện với cháu, tạo điều kiện cho cháu gần em bé nhiều hơn, thậm chí, bạn có thể cho cháu ngủ chung một thời gian xem giấc ngủ cháu có trở lại bình thường không. Sau đó, từng bước tập dần cho cháu ngủ chung với bà. Tránh những câu nói đùa làm cho cháu có cảm giác bị tổn thương, mất mát tình cảm… Nếu cháu vẫn còn tình trạng như trên, lúc ấy, bạn cần đưa cháu đến khoa tâm lý trẻ em để được thăm khám và điều trị.

– Em có câu hỏi về trang phục sau khi sinh muốn hỏi các chị sau khi sinh em bé xong, em tăng cân rất nhiều, đặc biệt ở đùi, vai, ngực và bụng. Em muốn các chị giúp em tư vấn về trang phục công sở như thế nào cho khắc phục được nhược điểm. Cảm ơn các chị (Bùi Ngọc Anh, 31 tuổi, Nha Trang)

– N.T.Uyên: Tốt nhất là bạn nên giảm trọng lượng cơ thể bằng các hoạt động thể dục thể thao. Trước mắt, bạn có thể chọn những kiểu trang phục công sở có màu sậm, quần không cắt quá ôm đùi và không quá rộng, ống suông vừa phải. Hạn chế mặc váy, kể cả váy dài vì trong môi trường công sở bạn phải ngồi nhiều khiến phần đùi lớn sẽ dễ bị lộ, gây phản cảm. Đối với áo, nên chọn kiểu áo khoác có ve áo không quá to may bằng chất liệu vải nhẹ.

Bạn cũng có thể chọn thêm một số dây đeo, vòng cổ có màu sáng, bắt mắt để tạo thêm vẻ sinh động, tươi tắn.

– BS hãy làm ơn tư vấn cho cháu với! Hiện Tại cơ quan sinh dục của cháu có mùi rất khó chịu cứ mỗi lần quan hệ mùi lại bốc lên. Cháu đã sinh 1 cháu được 20 tháng rồi. Liệu của cháu có bị viêm, nhiễm gì không BS, bình thường cũng không có hiện tượng ra nước gì cả? (Hoàng Thị Thủy, 28 tuổi, Tuyên Quang)

– BS Phượng: Chào bạn, khi cơ quan sinh dục có khí hư và có mùi khác thường là bạn đã bị viêm nhiễm đường sinh sản. Biện pháp tốt để giữ gìn vệ sinh đường sinh sản là rửa sạch, lau khô mỗi lần đi tiểu tiện. Khi đã có mùi khó chịu, nhất là sau khi quan hệ, có thể bạn đã bị nhiễm vi khuẩn Gardnerella vaginalis. Bạn cần đến khám tại một cơ sở chuyên khoa phụ sản để được điều trị đúng mức.

– Cháu sinh mổ 3 lần, sau lần thứ 3 hầu như không có cảm xúc muốn gần chồng nữa (em bé được 5 tháng rồi mà không có nhu cầu gì cả) mặc dù trước đây cháu là người rất ham muốn chuyện này. Cháu đang bị làm sao vậy? (Thuy Huong, 32 tuổi, 310 nghi tam, hn)

– CGTVTL Mai: Sinh mổ là biện pháp đặc biệt để bảo vệ sự an toàn của mẹ và con. Cháu đã sinh mổ đến lần thứ ba. Về mặt tâm lý chắc chắn sẽ không tránh khỏi sự lo lắng nếu không có kế hoạch ngừa thai an toàn. Cháu nên chia sẻ cùng chồng để sớm tìm ra nguyên nhân. Hy vọng chính thái độ cảm thông, yêu thương và hiểu biết của chồng sẽ giúp cháu sớm tìm lại được sự hưng phấn trong quan hệ chăn gối.

– Tôi muốn hỏi, sau sinh nhiều bà mẹ thường mặc cảm tự ti về thân hình thay đổi của mình. Theo chị, có cách nào để giúp các bà mẹ làm đẹp, vóc dáng trở lại như trước mà không ảnh hưởng đến đến trẻ sơ sinh? (Nguyễn Thu Lê, 29 tuổi, Phong 1602, 24T1 Hoàng Đạo Thúy)

– N.T.Uyên: Phụ nữ sau khi sinh thường ít khi nhận biết vẻ đẹp riêng biệt mà chỉ có ở người vừa được làm mẹ. Trong thời kỳ này da mặt thông thường sẽ trở nên hồng hào hơn, vòng 1 nở nang hơn, đặc biệt là ánh mắt hân hoan, long lanh. Vì vậy, việc đầu tiên để được đẹp trở lại, bạn phải nghĩ mình vẫn còn đẹp. Bạn có thể tập những bài thể dục nhẹ từ sau tháng đầu tiên trở đi nếu không sinh mổ.

Trang phục mặc nhà cũng nên chọn những kiểu dáng không quá “thoải mái”, gây cảm giác cẩu thả, xuề xòa. Bạn có thể đánh chút má hồng, thoa tí son môi khi có công việc ra ngoài. Sự tự tin vẫn là yếu tố tiên quyết để bạn có thể trở lại đẹp hơn cả lúc trước sinh.

– Các sản phụ sau khi sinh thường bị táo bón, cách chữa trị như thế nào? (Nguyễn Thái Hà, 34 tuổi, 16 Quang Trung, P10, Gò Vấp, TP HCM)

– BS Phượng: Chào bạn, cách điều trị và dự phòng táo bón sau sinh gồm có:

Có chế độ ăn uống đúng (thức ăn đủ các nhóm: bột, đường, đạm, béo, rau và trái cây). Không nên chỉ ăn những thức ăn khô như cá, giò lụa, thịt kho tiêu… mà phải ăn canh.

Uống nhiều nước hoặc sữa (loại ít chất béo, không đường, có nhiều chất xơ).

Tập thể dục hoặc nịt bụng vì sau khi sinh tử cung nhỏ lại, ổ bụng lỏng lẻo, áp lực trên các quai ruột giảm gây táo bón. Nịt bụng và tập thể dục để cơ thành bụng săn chắc lại một cách nhanh chóng sẽ làm cho áp lực ổ bụng trở lại bình thường giúp giảm táo bón.

– Sau khi sinh thường và mổ thì bao lâu 2 vợ chồng mới quan hệ lại là tốt cho người mẹ. Trong thời gian cho con bú không có kinh sao nhiều người xung quanh tôi lại “dính”, mà trước đó họ được bác sỹ bảo là an tòan. (T.T.T.T, 28 tuổi, quận 7, HCM)

– BS Phượng: Sau sinh hoặc sau mổ lấy thai, sản phụ có thể quan hệ bình thường trở lại với chồng khi cơ quan sinh dục không còn cảm giác đau, miễn là giữ vệ sinh tốt trước và sau quan hệ. Trong thời gian cho con bú không có kinh nhưng có thể có rụng trứng nên bạn vẫn có thể có thai. Bạn chỉ an toàn trong 6 tháng đầu tiên, khi bạn cho con bú hoàn toàn (không cho bé bú dặm).

– Thưa các chuyên viên tư vấn. Tôi xin được hỏi, sau khi tôi sinh em bé xong bụng của tôi ngày càng rất to và phình ra hai bên, tôi rất mặc cảm về vóc dáng của mình. Bác sỹ tư vấn giúp tôi làm thế nào để có được vóc dáng như cũ. Tôi xin chân thành cảm ơn các chuyên viên tư vấn (Nguyen Thi Huong, 31 tuổi, An duong, hai phong)

– N.T.Uyên: Nếu có điều kiện bạn nên đến phòng tập thể dục để các chuyên gia tư vấn các bài tập hỗ trợ cho việc lấy lại vòng 2 trong một vài tháng. Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày, bạn nên chọn loại quần trong lưng cao có phần nịt nhẹ để giữ phần bụng không chảy xệ. Chế độ dinh dưỡng cũng nên được chú ý, chỉ ăn đủ chất, không nên ăn quá nhiều với tâm lý là để có nhiều sữa cho bé. Lượng sữa của mẹ trở nên dồi dào hơn là do một phần được kích thích từ việc bé bú mẹ.

– Hiện em dang mang thai duoc 7 thang và rat lo so cho ngay sanh nở và tinh than sau khi sanh. Mong Chi Mai cho loi khuyen va các cách de vuot qua nhung xáo tron ve tinh than sau sinh. Xin BS Phuong tu van v/v sanh khong đau co nen hay khong? Va nhờ chị Uyen chi vai dia chỉ co nhung thiet ke phu hop cho nguoi Me sau sinh de tu tin hon ve ngoai hinh cua minh. Rat cam on Các Chi đã co buoi tư vấn trực tuyến này. Chân thành. (Tu Trinh, 30 tuổi, 68 Ly Thuong Kiet, Go Vap, TP HCM)

– CGTVTL Mai: Việc cần làm hiện nay là em nên thăm khám đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ để mẹ và bào thai được khỏe mạnh cho đến ngày sinh. Đây chính là tiền đề giúp em vượt qua những khủng hoảng sau sinh một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, em có thể tìm hiểu thêm sách báo dành cho bà mẹ đang mang thai. Ăn uống, ngủ nghỉ đều đặn, thường xuyên chia sẻ cảm xúc với chồng để được chồng hỗ trợ về tinh thần đề cùng chào đón bé yêu. Sau khi sinh em cũng có thể gặp trạng thái trầm cảm nhưng đừng quá lo lắng, trạng thái này sẽ tự biến mất sau vài tuần. Điều quan trọng là hạnh phúc được làm mẹ, được sống trong bầu không khí yêu thương của gia đình sẽ là liều thuốc nhiệm màu giúp em vượt qua những băn khoăn. Chúc em mẹ tròn con vuông.

– Bạn tôi vừa sinh em bé được 20 ngày tuổi, có đủ sữa cho con bú nhưng mẹ chồng thường xuyên cho bé ăn nước cháo. Hôm qua bác còn ngâm gạo với muối rồi nấu cháo; bạn tôi thấy em bé đi phân lỏng. Có phải do mẹ bạn tôi đã ngâm gạo với muối mặn không ? Cho bé ăn nước cháo khi có đủ sữa mẹ có sai không ? (Từ Thị Vân Anh, 25 tuổi, Làocai)

– BS Phượng: Các cháu sơ sinh cần được bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu tiên. Cho bú nước cháo hay ăn cháo trong thời gian này là sai vì cơ quan tiêu hóa của bé chưa hoạt động đủ để hấp thụ các thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Đây có thể là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Bạn chỉ nên cho cháu bắt đầu ăn dặm sau 4 tháng. Thức ăn của cháu lúc này phải được xay nhuyễn, gồm cả gạo hay bột, rau, thịt hoặc lòng đỏ trứng.

– Chào chị Uyên, em sinh cháu được 17 tháng và đã đi làm. Em rất muốn học một lớp trang điểm nhẹ khi đi làm, đi chơi. Xin chị tư vấn cho em nên học ở đâu tốt và giá cả hợp lý? Cám ơn chị nhiều. (Ngô Thị Kiều Oanh, 27 tuổi, TP Hồ Chí Minh)

– N.T.Uyên: Theo kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực làm đẹp, cách tốt nhất để có vẻ đẹp tự nhiên. Điều này không quá khó. Bạn có thể liên hệ trực tiếp tới các chuyên gia trang điểm như Nam Trung, Nguyễn Hùng để đăng ký các khóa học chuyên sâu. Bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp qua địa chỉ email: uyen@ntudesign.com để Uyên có thể tư vấn và cung cấp thêm thông tin cho bạn.

– Cho cháu hỏi cô Mai, bạn cháu khi sinh (sinh mổ) do căng thẳng và mất ngủ nhiều đã bị bệnh trầm cảm (bây giờ bạn ấy đã khỏi). Vậy lần sinh sau bạn ấy có thể bị tái lại không ah? Xin cảm ơn cô. Bệnh này có di truyền không? (Thuthuy, 28 tuổi, Ha noi)

– CGTVTL Mai: Cách tốt nhất là hãy khuyên bạn cháu kéo dài thời gian sinh con thứ hai khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ về vật chất và điều kiện sức khỏe. Bạn cháu cũng nên tìm hiểu thêm về hiện tượng trầm cảm sau sinh để có chế độ ăn uống đúng cách. Bạn cũng cần được gia đình quan tâm, yêu thương, hỗ trợ trong sinh hoạt gia đình để có thời gian luyện tập những môn thể dục nhẹ nhàng như yoga… sẽ giúp bạn cháu bình yên.

– Cháu nghe nói sau khi sinh lần 2 dẫn đến tình trạng âm đạo bị rộng ra . Cháu sợ chồng cháu lâu ngày sẽ chán nên định sau khi sinh lần này sẽ làm phẫu thuật thu hẹp âm đạo trong lúc sinh luôn để đảm bảo hạnh phúc gia đình. Như vậy có ảnh hưởng gì ko Cô? Hay là cháu nên đợi sinh xong một thời gian để hồi phục? (Hà Thanh Ngoc, 31 tuổi, Thành Công- Hà nội)

– BS Phượng: Khi sinh con, đầu thai nhi phải đi qua âm đạo của mẹ để sổ ra ngoài. Đầu thai nhi to, nong âm đạo và âm hộ giãn rộng nên sẽ dẫn đến việc giảm bớt cảm xúc khi quan hệ, nhất là đối với người chồng. Trong thời đại hiện nay, chúng ta thấy có một số hoàn cảnh chồng chán vợ vì chuyện này. Trước đây, ông bà ta có nhiều con, nhưng có mấy ai chán vợ vì âm hộ, âm đạo giãn rộng đâu. Bạn có ý định khâu lại âm đạo và tầng sinh môn để đảm bảo hạnh phúc gia đình là tốt. Thời điểm khâu tốt nhất là sau khi sinh khoảng 6-8 tuần (lúc này các mô ở tầng sinh môn đã rắn chắc nên lành nhanh sau khi khâu).

– Con tôi chỉ bú một bên nên ngực tôi không đều, xin hỏi chị Uyên chỉ cho tôi cách mặc trang phục sao cho hợp lý ? (Trần Thanh Thảo, 27 tuổi, Pleiku – Gia Lai)

– N.T.Uyên: Bạn có thể dùng miếng lót thấm sữa có bán tại các cửa hàng đồ dùng dành cho Mẹ và bé để tạo sự đồng đều cho vòng một và vừa ngăn được sữa thấm ra trang phục bên ngoài. Bạn nên khắc phục vấn đề này bằng cách đợi bé lúc thật đói cho bé bú ở phần ngực bị nhỏ để kích thích tuyến sữa hoạt động trở lại. Tránh tạo thói quen cho bé bú một bên vì sẽ ảnh hưởng dáng vẻ cơ thể bạn về lâu dài sau này.

– Tôi thấy các sách về chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé dùng khái niệm “sản phụ” để chỉ phụ nữ sau khi sinh nhưng chưa thấy nói cụ thể khi nào thì hết được coi là “sản phụ”. Vì vậy nhiều phụ nữ sau sinh và cả bản thân tôi khi muốn thực hiện theo việc kiêng cữ, ăn uống, vệ sinh cá nhân… rất phân vân không biết theo chế độ “sản phụ” lâu quá hay chưa đủ có ảnh hưởng gì tới sức khỏe? Xin BS Phượng cho lời khuyên. (Hoang Kim Thanh, 30 tuổi, Ha Noi)

– BS Phượng: Sau khi sinh 6 tuần lễ, cơ thể của người phụ nữ trở lại gần như trước khi mang thai. Do đó, thời gian hậu sản theo quy định là 6 tuần. Gần đây người ta thấy rõ, cần một thời gian dài hơn để người phụ nữ trở lại như trước. Tuy nhiên việc kiêng cữ, ăn uống, vệ sinh cá nhân… hoàn toàn không lệ thuộc vào thời gian hậu sản. Bạn có thể tắm trong ngày đầu tiên sau khi sinh như tất cả những sản phụ khác trên thế giới, miễn là không tắm quá lâu hoặc tắm ở nơi trống trải có gió lùa, nên tắm bằng nước ấm. Vấn đề ăn uống cũng vậy, sản phụ cần ăn đủ chất, có cả canh, rau củ, trái cây. Không nhất thiết phải chờ đến thời gian hậu sản mới được ăn những món này.

– Tôi sinh em bé được 6 tháng tuổi, vùng bụng của tôi có nhiều vết rạn và bụng thì to. Tôi phải làm gì để xóa mờ vết rạn, và bụng thon gọn lại. Có lọai mỹ phẩm nào có hiệu quả trong trường hợp này không? (Phạm Thu Thủy, 28 tuổi, Hà Nội)

– N.T.Uyên: Việc đầu tiên là bạn cần tăng cường tập thể dục, đặc biệt là các bài tập dành cho phần bụng. Tình trạng rạn da sau sinh phải được khám và kiểm tra của các bác sĩ thẩm mỹ chuyên nghiệp và được tư vấn kỹ càng. Bạn có thể liên hệ với khoa thẩm mỹ của bệnh viện FV để được hướng dẫn cụ thể.

– Hiện tại tôi đang mang thai 5 tháng, vì phải làm mẹ một mình nên đôi lúc tâm trạng không được thoải mái. Xin bà LÝ THỊ MAI tư vấn tâm lý để tôi cảm thấy yêu đời hơn (Kim Minh, 30 tuổi, 12 LÊ DUẨN Q1)

– CGTVTL Mai: Cảm ơn em đã chia sẻ. Tôi rất tôn trọng quyết định của em, tuy nhiên, làm mẹ đơn thân là phải chấp nhận có những lúc phải đối mặt với sự cô đơn, áp lực gia đình, xã hội… Chính điều này khiến em không được thoải mái nhưng em biết đấy, bất cứ sự lựa chọn nào cũng có giá của nó. Một khi đã lựa chọn hãy dũng cảm để vượt qua. Em cần phải có chế độ sinh hoạt riêng cho phụ nữ mang thai, chuẩn bị những gì cần thiết cho cuộc vượt cạn. Đừng quên có những sinh hoạt tinh thần nhẹ nhàng, bổ ích: đọc sách, xem phim, nghe nhạc, đi dạo… Chúc em tự tin, lạc quan để mẹ tròn con vuông.

– Chào các chị, tôi vừa sinh con thứ 2 được 2,5 tháng, đến đầu tháng 8 tới là tôi phải đi làm rồi mà hiện tại người tôi đang bị sồ sề quá, tôi nặng 66kg, cao 160cm. Tôi đang muốn đi tập thể dục để cho người eo thon một chút nhưng rất nhiều người khuyên tôi là không nên đi vì dạ con chưa ổn định, tôi đẻ thường. Mong các chị cho tôi lời khuyên. (Nguyễn Thị Thủy, 32 tuổi, Hà Nội)

– N.T.Uyên: Bạn vẫn có thể tập những động tác thể dục nhẹ hoặc tập yoga. Ngoài ra, bạn có thể tìm mua các loại nịt bụng hoặc quần trong có lưng cao. Việc thường xuyên sử dụng trang phục nội y đúng cách sẽ giúp bạn giảm thiểu tình trạng sồ sề của cơ thể.

– Tôi đã sinh được 2 tháng, tăng cân 7 kg, cố gắng tẩm bổ nhiều chất dinh dưỡng để tốt cho con bú. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn có những triệu chứng khó chịu như buồn nôn, chóng mặt và đau lưng. Xin bác sỹ cho biết lý do tại sao? (Thu Hà, 31 tuổi, Quảng Ninh)

– BS Phượng: Theo WHO và Viện Dinh dưỡng Quốc gia VN, khoảng trên 30-50% sản phụ bị thiếu máu, thiếu sắt khi mang thai và sinh nở. Chỉ có khoảng 40% phụ nữ mang thai có đủ dự trữ sắt cần thiết là trên 500 mg sắt nguyên tố. Tăng cân chưa phải là dấu hiệu dinh dưỡng đủ và đúng, cố gắng tẩm bổ trong khoảng thời gian ngắn cũng chưa đủ hiệu quả xóa bỏ tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Tôi chưa biết tình trạng cụ thể của bạn trước, trong thai kỳ và sau khi sinh nên chưa thể nói rõ lý do của các triệu chứng bạn nêu. Bạn cần đến bệnh viện sản để khám và được điều trị.

– Xin hỏi tôi sinh bé được 3 tháng, nặng 67kg, cao 1,64m, bụng to, hông to nhưng chân nhỏ thì có thể chọn loại trang phục như thế nào để che khuyết được? Xin cảm ơn nhà tư vấn rất nhiều (Hoàng Hà, 31 tuổi, Cầu giấy – Hà Nội)

– N.T.Uyên: Bạn có thể chọn các kiểu váy vừa phải, không quá ôm sát cũng như không quá lòe xòe. Hạn chế những kiểu áo có tay phồng, bèo, xếp dún trên thân áo vì sẽ làm cho thân trên của bạn trông càng to hơn so với phần thân dưới. Không nên mặc váy ngắn trên đầu gối. Tốt nhất là chọn kiểu váy dài vừa qua nửa bắp chân. Với áo quần nguyên bộ bạn nên chọn áo màu sậm và quần màu sáng cũng sẽ giúp cải thiện được khuyết điểm trên.

– Tôi nghe nói rằng sản phụ sau khi sinh thường hay mắc chứng trầm cảm. Vậy xin hỏi cụ thể triệu chứng cụ thể của bệnh này là gì? Tại sao sản phụ sau khi sinh lại hay mắc chứng bệnh này? Có thể chữa được không và xin cho tôi biết một số địa chỉ tin cậy để có thể tư vấn và chữa chứng bệnh trên? Xin cảm ơn rất nhiều! (Thảo, 30 tuổi, TP HCM)

– CGTVTL Mai: Triệu chứng của hiện tượng trầm cảm sau sinh có rất nhiều, nhưng dễ thấy nhất là sự mệt mỏi, chán chường, mặc cảm về ngoại hình, khó ngủ, hồi hộp, lo lắng, ăn không cảm thấy ngon, ngại giao tiếp… Nếu là trầm cảm nhẹ, hiện tượng này sẽ tự chấm dứt sau sinh vài tuần, nếu kéo dài thì cần được hỗ trợ và tư vấn của bác sĩ và chuyên gia tâm lý. Một khi trạng thái tinh thần của bà mẹ không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nguồn sữa nuôi con. Gia đình cũng cần chia sẻ, nâng đỡ để giúp bà mẹ sớm lấy lại sự tự tin. Ngoài ra, việc luyện tập thể dục đúng cách cũng sẽ giúp sản phụ vượt qua sự khủng hoảng.

– Vợ tôi chuẩn bị sinh em bé, tôi phải chuẩn bị những gì hoặc phải làm gì trước và sau khi sinh em bé để cả mẹ và con đều có sức khỏe tốt? (Nguyễn Hữu Linh, 28 tuổi, Thanh Xuân – Hà Nội)

– BS Phượng: Chào bạn, tôi thật cảm động và hoan nghênh bạn đặt câu hỏi này. Câu hỏi của bạn thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương của bạn đối với gia đình. Khi vợ chuẩn bị sinh con, bạn và cả vợ bạn cần quan tâm đến những điều sau đây:

– Khám thai đúng lịch, tiêm ngừa uốn ván rốn đủ 2 lần (lần thứ nhì cách ngày sinh ít nhất 1 tháng), giữ gìn vệ sinh và có chế độ dinh dưỡng khoa học.

– Nên theo lớp học cho các ông bố và bà mẹ sinh con đầu lòng để hiểu rõ những thay đổi cùng rối loạn sẽ xảy ra khi vợ mang thai và sinh con. Như vậy, bạn sẽ biết rõ những gì cần chuẩn bị.

– Cần tìm hiểu và lựa chọn bệnh viện hoặc nhà hộ sinh có đủ điều kiện đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật, vô khuẩn và phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

– Vợ chồng bạn có thể tham khảo thêm nhiều loại sách hỗ trợ kiến thức chăm sóc mẹ và bé hiện có trên thị trường.

– Tôi 32 tuổi, mới sinh bé thứ 2 gần 3 tháng. Từ khi bé được 1 tháng cho đến nay, tôi rơi vào tâm trạng rất chán chường. Ban đêm thức dậy cho bé bú rồi ngủ lại, nhưng đến khoảng 4h sáng thì không thể nào chợp mất được. Đầu óc cứ suy nghĩ mông lung nên sáng dậy với tâm trạng rất mệt mỏi và chán chường. Tôi thường bị nhức đầu và đôi lúc như người mất hồn. Làm cách nào tôi được thoải mái hơn? (Đoàn Thanh Thúy, 32 tuổi, TP HCM)

– CGTVTL Mai: Em nên sắp xếp gặp chuyên gia tâm lý sớm để được trị liệu, đừng kéo dài tình trạng trên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của em và nguồn sữa để nuôi bé.

Để trạng thái tinh thần của các bà mẹ được ổn định, những người thân yêu trong gia đình cần có sự hiểu biết, chia sẻ và nâng đỡ. Đặc biệt, các bà mẹ trẻ cần phải có kiến thức về những hiện tượng thường gặp phải sau sinh để không quá lo lắng khi đón nhận sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ.

– Sinh xong, em được tư vấn giữ sức khỏe và vệ sinh sạch sẽ trong thời gian hậu sản. Nhưng mẹ chồng em lại yêu cầu khác hẳn. Phòng em và bé kín mít, ngày 3 lần nồng nặc khói. Cả 25 ngày trong tháng đầu tiên, ngày nào cũng xông muối, xông lá, xông than, đốt bồ kết… Khói tỏa ra rất nhiều. Cả tháng em không được phép tắm, gội. Xin giúp em. (Giang, 27 tuổi, Hà Tĩnh)

– BS Phượng: Có nhiều thói quen chưa khoa học mà ông bà ta đã áp dụng cho thời kỳ hậu sản. Ngày nay, khoa học chứng minh:

+ Cần phải tắm rửa mỗi ngày để tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bảo vệ sức khỏe bà mẹ thì mới có thể mang thai và sinh con lần sau được dễ dàng.

+ Phòng của mẹ và bé cần thoáng khí, có ánh nắng mặt trời để diệt vi khuẩn trong không khí. Chẳng hạn trong dịch SARS, VN đã có kinh nghiệm tốt phổ biến cho các nước là không đóng kín cửa phòng mà mở toang cửa để đón ánh nắng mặt trời nhằm tiêu diệt các siêu vi khuẩn nên đã thành công hơn các nước trong phòng chống dịch SARS.

+ Khi đốt lò than, xông lá… khói tỏa ra khắp phòng mà cửa lại đóng kín thì rất có hại cho cả mẹ và bé. Khói có chứa nhiều oxyt carbon, khi vào phổi sẽ chui vào hồng cầu của bé, làm giảm khả năng tải oxy đến các cơ quan trong cơ thể, khiến não, tim, thận của bé thiếu oxy, có thể nguy hiểm cho tính mạng của bé.

– Thưa chị Uyên, xin chị chia sẻ bí quyết làm sao có thể trở thành một bà mẹ xinh đẹp, tự tin, năng động, thành công mà vẫn nuôi con tốt. (Mai, 25 tuổi, TP HCM)

– N.T.Uyên: Như đã chia sẻ, tinh thần là yếu tố quan trọng nhất để người mẹ trẻ cảm thấy mình xinh đẹp và tự tin. Uyên vẫn phải làm việc và chăm sóc cho hai bé ở nhà một cách ổn thỏa nhờ vào việc sắp xếp quỹ thời gian một cách hợp lý. Chế độ dinh dưỡng cho chính bản thân người mẹ cũng rất quan trọng vì khi bạn có sức khỏe tốt thì “sự nghiệp” làm mẹ của bạn mới thành công được. Hãy tập thói quen xem con như một người bạn mới, chia sẻ với con những điều bạn cảm nhận và học từ chính con bạn vẻ vô tư, trong sáng để bù đắp cho những mệt nhọc trong cuộc sống thường nhật. Chúc bạn thành công!