Khi bị sét đánh hay điện giật, cơ thể con người bị tác động đến hệ thần kinh làm rối loạn hoạt động của hệ thống hô hấp và tuần hoàn. Dòng điện sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp tạo nên cảm giác đau nhức, khó thở, rối loạn nhịp tim. Trong trường hợp nặng, đầu tiên nạn nhân bị ngừng thở; sau đó tim ngừng hoạt động và chết trong tình trạng bị ngạt thở, bỏng nặng, co rút, tê liệt các cơ bắp hoặc cũng có thể chết do điện giật ngã gây chấn thương.
Xử trí sơ cấp cứu khi trẻ bị điện giật
Khi nhìn thấy trẻ bị điện giật, phải hô hoán kêu gọi mọi người chung quanh, đặc biệt là người có chuyên môn y tế đến giúp đỡ. Trong khi chờ đợi người đến giúp đỡ, phải nhanh chóng tìm mọi cách tách ngay trẻ ra khỏi nguồn gây giật điện, bằng cách phát hiện kịp thời nguồn gây giật điện như các đầu dây điện hở, vật truyền điện, vũng nước, súc vật… Tuyệt đối không được sờ trực tiếp vào người trẻ bị điện giật.
Kịp thời cắt ngay dòng điện như kéo phích cắm điện ra khỏi ổ điện ở chỗ tiếp xúc của phần nhựa cách điện hoặc cắt cầu dao điện tại nguồn chính. Nếu không thể cắt được nguồn điện, phải tìm cách tách ngay trẻ ra khỏi nguồn gây giật điện càng sớm càng tốt bằng cách đứng trên miếng gỗ, tập giấy hoặc đi giày cao su khô; sau đó dùng một que gỗ khô như cán chổi, đòn gánh hay cuộn giấy hất dây điện ra khỏi người trẻ bị tai nạn.
Nếu trẻ còn tỉnh, cần an ủi trẻ để trẻ yên tâm và kiểm tra ngay vết thương; trường hợp trẻ bị bỏng thì sơ cấp cứu như các trường hợp bị bỏng thông thường. Nếu trẻ bị bất tỉnh, phải tiến hành ngay kỹ thuật cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt như các trường hợp cấp cứu nạn nhân bị bất tỉnh do ngừng thở, ngừng tim.
Biện pháp phòng ngừ
Để đề phòng trẻ bị điện giật: không cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây điện giật như tuyệt đối không dùng dây dẫn điện trần không có vỏ nhựa bọc để mắc điện trong nhà, không dùng dây dẫn điện không có phích cắm trực tiếp vào ổ cắm điện. Nên dùng các thiết bị điện an toàn để bảo đảm gia đình sử dụng các thiết bị an toàn về điện. Phải để nguồn điện ở vị trí trẻ nhỏ không với tay tới được như các ổ cắm điện, dùng chắn điện an toàn, lấy băng keo dính bịt kín những ổ cắm điện ít khi dùng đến.
Những đồ dùng bằng điện không dùng đến nên rút khỏi phích cắm điện. Nên thường xuyên kiểm tra hệ thống dây dẫn điện, các thiết bị điện, tìm và phát hiện các chỗ bị hở để khắc phục. Cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách phòng ngừa điện giật và kỹ thuật thao tác sơ cấp cứu điện giật tại trường học, gia đình và nơi làm việc.
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, cách phòng ngừa điện giật được thực hiện bằng các biện pháp nêu trên; đồng thời phải thường xuyên trông nom trẻ đúng quy định.
Đối với trẻ lớn hơn, cần dạy trẻ không được sờ tay vào ổ cắm điện; ghi biển báo dấu hiệu nguy hiểm ở những nới có nguy cơ gây ra điện giật. Nhắc nhở trẻ tránh xa nơi dây dẫn điện bị đứt rơi xuống. Hướng dẫn cách sơ cứu vết thương bỏng, sẵn sàng xử trí những tai nạn về điện khi dây dẫn điện bị đứt rơi xuống trong mưa bão.
Giáo dục cho trẻ em cũng như mọi người có ý thức tuân thủ sự an toàn dưới hành lang điện như không trèo lên cột điện cao thế để ngoắc điện, lấy sào chọc dây điện, câu móc điện bừa bãi, xây nhà cao gần đường điện cao thế… Người lớn cũng nên làm gương cho trẻ là không dùng điện để đánh bắt cá, diệt chuột, chống trộm… vì có thể gây nguy hiểm cho nhiều người.
Để đề phòng trẻ bị sét đánh: cần giáo dục cho trẻ khi có mưa to, giông bão hoặc sấm sét phải hạn chế đi ra đường, không đứng ngoài đồng trống, lên bờ ngay khi đang đứng dưới nước; chú ý không nên ẩn núp dưới các gốc cây to cao, không đứng gần cột điện cao thế, cột thu lôi…
Ngoài ra, tháo bỏ đồ vật bằng kim loại mang theo, không đến gần khu vực tập trung vật liệu bằng kim loại, vùng có mỏ sắt. Đồng thời, trùm ngay áo mưa kín đầu rồi ngồi thấp xuống hoặc chạy ngay vào nhà nếu đang ở ngoài trời. Khi đang ở trong nhà, không bật truyền hình, đài thu thanh, nghe điện thoại có dây; nên đóng các cửa sổ và cửa ra vào nhà…