Trẻ lúc này đã biết tìm, nắm, với, sờ mó, và đưa các đồ vật lên miệng. Trẻ đang bắt đầu làm quen với việc ngủ nhiều vào ban đêm. Ban ngày trẻ ngủ ít hơn, giấc ngủ thường ngắn và ngủ 2 – 3 lần trong ngày. Trẻ đã có thể nhìn thấy tất cả những gì đang xảy ra trong căn phòng, tầm nhìn xa được cải thiện và còn có khả năng phân biệt được màu sắc. Ngoài ra trẻ thích nhìn mình trong gương, nhìn vào nét mặt người đối diện…

Ngoài sữa mẹ, bé có thể ăn dặm để bổ sung dưỡng chất. Càng ngày, trẻ càng tò mò và năng động hơn. Bạn có thể tận dụng “lợi thế” này để giúp con khám phá thế giới xung quanh.

Cùng bé chơi đùa

Chơi trò nhặt đồ: Khi trẻ đánh rơi đồ chơi, bạn hãy nhặt lên cho con. Hãy kiên nhẫn vì trẻ sẽ vứt hết lần này đến lần khác, cho đến khi hiểu được khái niệm nguyên nhân – kết quả.

Cho trẻ chơi đồ chơi tương tác: Khi món đồ chơi phát ra âm thanh, sáng đèn hoặc xuất hiện đột ngột khi bấm nút theo cách nào đó… trẻ sẽ ngạc nhiên và rất thích thú. Con bạn sẽ say mê khám phá xem món đồ chơi hoạt động như thế nào.

Làm điệu bộ trước gương: Bế trẻ đứng trước gương và làm các kiểu mặt vui nhộn. Chú ý xem trẻ có sờ hình ảnh phản chiếu của bạn không – hoặc có thể đến giai đoạn này, trẻ đã nhận ra đó chỉ là bóng của trẻ. Gương dạy cho trẻ biết về khái niệm không gian.

Phat-trien-tri-thong-minh-cho-be-6-7-thang-tuoi-5

Quan sát chuyển biến mới khi trẻ chơi ú òa: Thời điểm này, trẻ đã hiểu thêm về khái niệm tồn tại của sự vật. Bạn có thể thấy trẻ đã nhận ra bạn đang giấu món đồ chứ không phải thật sự biến mất?

Cho con chơi những món có thể “táy máy”: Chọn những món đồ chơi con bạn có thể khám phá bằng tay để giúp trẻ phát huy khả năng phối hợp tay-mắt và luyện khéo tay. Chẳng hạn: đồ chơi có tay cầm, bóng mềm, các hình khối, chuỗi lục lạc, búp bê hoặc thú bông cỡ nhỏ, có thể cầm trong tay. Cho trẻ ngồi lên ghế cao, dù không phải giờ ăn, để trẻ chơi và tập chuyển món đồ từ tay này sang tay kia.

Biến việc thay tã thành thời gian khám phá: Chuẩn bị sẵn một món đồ chơi trẻ đặc biệt yêu thích dành cho khoảng thời gian quấn tã, thay quần áo. Món đồ chơi này sẽ thu hút sự chú ý và giúp trẻ nằm ngoan không ngọ nguậy trong vài phút để bạn dễ thao tác.

Cho trẻ nghịch nước: Nếu trẻ có thể tự ngồi, bạn đặt con trong bồn tắm với mực nước vài centimet. Nước là cách đánh lạc hướng tuyệt vời khi trẻ tập ngồi – dĩ nhiên là bạn ở ngay bên cạnh giám sát không rời bước.

Đặt trẻ lên sàn: Trong ngày, bạn nên dành một khoảng thời gian nhất định để trẻ chơi trên sàn. Lúc này, trẻ có thể ngồi, nằm hoặc trườn, lật sấp, ngửa khắp sàn nhà và nghịch với các món đồ chơi hoặc chơi đùa với mẹ.

Dọn chỗ cho trẻ tập bò: Khi con bạn bắt đầu tập bò, cần đảm bảo trẻ có không gian an toàn để khám phá. Bạn nên che các phích cắm điện, dọn dẹp dây nhợ, khăn trải bàn vì trẻ có thể nắm kéo, đồng thời lắp cửa chắn cầu thang (loại ngăn không cho trẻ leo lầu).

Nhảy múa khi đang bế trẻ: Những chuyển động theo giai điệu sẽ dạy trẻ về cử động của cơ thể. Ngoài ra, trẻ cũng rất thích được mẹ bế trên tay.

Cảm xúc

Phat-trien-tri-thong-minh-cho-be-6-7-thang-tuoi-6

Giới thiệu một cách từ từ: Nếu trẻ lo lắng khi tiếp xúc lần đầu với một người nào đó, bạn cần cho trẻ thời gian để làm quen. Sẽ hiệu quả hơn nếu người đó trò chuyện với bạn thật vui vẻ, ấm áp trước khi trực tiếp tiếp cận với trẻ.

Đón nhận “người bạn nhỏ” của trẻ: Hãy cho phép con mang theo chiếc mền “ghiền” hoặc thú bông yêu quý khi trẻ đến một nơi hoàn toàn xa lạ hoặc ở với người giữ trẻ. Những “người bạn” này sẽ giúp trẻ thêm tự tin và có cảm giác an toàn hơn.

Theo sát thời khóa biểu:

Lên giờ giấc ăn, ngủ, chơi cho trẻ và đảm bảo theo đúng giờ đó mỗi ngày. Thói quen này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn. Ngày trong tuần lẫn cuối tuần đều theo cùng thời khóa biểu này.

Nên ôm con nhiều: Sự tiếp xúc bằng va chạm da mẹ-con giúp trẻ có cảm giác an toàn.

Cho trẻ chơi cùng bạn bè: Sắp xếp để con có những buổi gặp và chơi với trẻ khác. Ở giai đoạn này, trẻ chưa thật sự biết tương tác, nhưng bé thích quan sát và ở cạnh những đứa trẻ khác.

Kỹ năng giao tiếp

Phat-trien-tri-thong-minh-cho-be-6-7-thang-tuoi-8

Thường xuyên trò chuyện với con: Dùng kiểu nói cường điệu và biểu cảm trên khuôn mặt sẽ giúp trẻ chú ý hơn và khuyến khích con bi bô đáp lại.

Đáp lại tiếng bi bô của trẻ: Lặp lại những từ mà trẻ cố gắng diễn tả bằng giọng thản nhiên, không nói theo cách nhấn giọng để sửa sai. Chẳng hạn, nếu trẻ nói “Be be”, bạn có thể cho con xem một tấm hình em bé và nói: “Bé”.

Đọc sách: Khi trẻ vừa bi bô vừa nhìn vào sách và cố gắng bắt chước bạn, hãy cổ vũ và khen ngợi cho nỗ lực “tập đọc” của con trong giai đoạn sơ khai này.

Kết nối từ với hình ảnh: Chỉ vào hình ảnh trong sách hoặc tạp chí và đọc tên đồ vật đó cho con nghe.

Hát những bài hát thiếu nhi: Con bạn rất thích nghe và học theo các giai điệu.

Bài học vỡ lòng cho ngôn ngữ ra dấu: Chơi ú òa, vẫy tay tạm biệt và múa theo các bài hát sẽ giúp trẻ có khái niệm sơ về giao tiếp thông qua cách ra dấu – một dạng ngôn ngữ của trẻ chưa biết nói. Nếu bạn muốn dạy con cách ra dấu trong thời gian tới thì những hoạt động nói trên sẽ là nền tảng vững chắc ban đầu.