1. Con bị táo bón vì mẹ ép đi ngoài
Sau một thời gian tập cho con thói quen đi vệ sinh đúng giờ, bé Bông (5 tuổi) nhà chị Thanh (Quận 3, TPHCM) không những không theo nền nếp mẹ rèn cho mà cứ khoảng 4-5 ngày bé mới đi tiêu một lần. “Mỗi lần cháu đi rất khó khăn khiến cả nhà lo lắng, chuẩn bị dụng cụ thụt đầy đủ để… dự phòng”, chị Thanh cho biết.
Việc tạo thói quen cho con đi tiêu có giờ giấc là một việc làm tốt. Tuy nhiên nếu cha mẹ can thiệp quá sâu vào nhu cầu đi vệ sinh của bé lại là một sai lầm gây ra những hậu quả không mong muốn. Thông thường trẻ em mới sinh cho đến một tuổi, việc đi tiêu, đi tiểu là sinh hoạt tự nhiên theo phản xạ sinh học. Nếu bị cha mẹ ép quá, trẻ dễ lâm vào tình trạng táo bón nặng.
Theo TS tâm lý Ngô Xuân Điệp (Trường Đại học Khoc học xã hội và Nhân văn TPHCM) thì “hiện nay có rất nhiều cha mẹ uốn nắn con, tập cho trẻ đi vệ sinh đúng giờ, đúng nơi quy định. Điều này là tốt nhưng nếu áp dụng quá nghiêm khắc dễ gây ức chế tâm lý ở trẻ. Có thể lúc đó trẻ chưa buồn đi nhưng mẹ cứ “xi” sẽ khiến trẻ bị áp lực, bị căng thẳng thần kinh dẫn đến cơ vòng hậu môn bị co cứng gây nên hiện tượng táo bón. Có thể trẻ buồn đi nhưng phân không ra được. Lúc này thấy bố mẹ căng thẳng thì trẻ càng căng thẳng, tình trạng táo bón càng nặng thêm”.
Khi trẻ bị táo bón, hầu hết cha mẹ chỉ nghĩ đến chế độ ăn, nhưng trên thực tế lại có tới 60% số trẻ táo bón là do tâm lý. Vì vậy khi đã thực hiện chế độ ăn khoa học mà vấn đề tiêu hóa ở trẻ vẫn không khả quan, thì cha mẹ hãy nghĩ ngay đến việc điều chỉnh lại yếu tố tâm lý cho trẻ.
2. Bị loạn thị, cận thị vì tập viết sớm
Cũng như bao bà mẹ khác khi có con ngấp nghé vào lớp 1, chị Vân (Núi Trúc, Hà Nội) đôn đáo đi tìm lớp cho con tập viết và luyện viết chữ đẹp. Chị tâm sự: “Tôi có nghe nói rất nhiều về việc không nên cho trẻ tập viết quá sớm nhưng con người ta biết chữ, biết viết chẳng lẽ con mình lại không biết, nhỡ sau này vào lớp 1 con không theo kịp các bạn thì làm sao”.
Hiện nay có rất nhiều cha mẹ hiểu sai về việc cho con tập viết, tập biết chữ sớm. Trên thực tế cha mẹ hoàn toàn có thể dạy trẻ nhận biết mặt chữ và tập viết sớm, có điều phải đúng cách. Trẻ dưới 6 tuổi học kiến thức thông qua chơi và giao tiếp vì vậy cha mẹ có thể dạy con nhận biết mặt chữ thông qua các trò chơi và dạy trẻ vẽ chữ (chứ không phải viết chữ) lên tờ giấy to, lên tường, hoặc lên bảng…
TS tâm lý Ngô Xuân Điệp cho biết: “Tập cho con học viết chữ, luyện viết chữ đẹp trước 6 tuổi gây khó khăn cho trẻ vì chúng chưa hoàn thiện phát triển vận động cơ xương khớp và thần kinh. Tay của trẻ chủ yếu là làm quen vận động thô chứ không phải vận động tinh xảo. Khi viết chữ thì các em phải viết nắn nót, điều chỉnh nét chữ trong ô ly nhỏ, cần độ tập trung chú ý cao của mắt và đôi bàn tay, dễ dẫn đến tật khúc xạ ở trẻ”.
3. Hãy để cho con được quyền… ích kỷ
Vì là em nên bé Minh Anh (7 tuổi) cái gì cũng đòi phần hơn so với chị Linh Anh (10 tuổi). Từ những thứ nhỏ nhất như đồ chơi, quần áo cho đến những thứ to tát như tình cảm của cha mẹ, Minh Anh đều đòi hỏi mình phải có nhiều hơn chị. Chị Hoàng Anh (mẹ 2 bé) than phiền: “Nhiều khi bố mẹ phát đau đầu vì tính ích kỷ và thích ganh đua của cô em. Bố mẹ đã dùng đủ mọi cách từ khuyên nhủ đến dọa nạt mà bé vẫn không từ bỏ tính ấy. Vợ chồng tôi thật sự không biết phải làm sao…”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Điệp lại cho biết: “Trong gia đình có nhiều trẻ, thật sai lầm nếu cha mẹ ngăm cấm sự cạnh tranh giữa các con với nhau vì nó mang lại điều tốt, là bước tập dượt để tạo ra sức đề kháng tâm lý về sau cho trẻ. Khi cạnh tranh như vậy, trẻ sẽ tự tạo ra những căng thẳng nhỏ, nhiều căng thẳng nhỏ gộp thành căng thẳng lớn hơn. Sau này, khi lớn hơn, trẻ dễ dàng vượt qua những căng thẳng lớn, nhỏ tương tự. Vấn đề là cha mẹ phải bình đẳng trong việc ứng xử với các cháu, không nên gây ra sự thiệt hơn cho bất cứ cháu nào”.