5. Hạn chế không gian hoạt động của trẻ

Chúng ta biết rằng với trẻ em, nhu cầu nhận thức dường như là số một. Trẻ em hoạt động không ngưng nghỉ hầu như cả ngày (chỉ trừ khi trẻ ngủ); chúng năng động quan sát, chạy nhảy, đập phá, khám phá… với mục đích “tối cao” là nhận thức. Não của trẻ khi sinh ra và não của người lớn có số lượng tế bào thần kinh tương đương nhau, nhưng hàng trăm tỉ tế bào thần kinh này của các em bé chưa được mã hóa thông tin (chưa có tri thức) nên ở trong tình trạng “đói” thông tin (về mặt sinh học, đói là phải đi tìm cái thỏa mãn), tình trạng đói thông tin trở thành một dạng “xung năng” hướng tới hành động thỏa mãn nhu cầu. Như vậy, các hành vi đập phá, chạy nhảy, quan sát… của trẻ em chẳng qua chỉ là một dạng “tìm kiếm”  thông tin nhằm thỏa mãn nhu cầu nhận thức.

Ảnh: Getty images

Từ quan điểm trên chúng ta nhìn nhận lại sinh hoạt của trẻ em thành phố và thấy rằng, hầu hết các em đang thiếu vận động trầm trọng: Sau khi được sinh ra từ nhà hộ sinh, trẻ được đưa về nhà ở trong 4 bức tường, cửa lúc nào cũng đóng kín và không được ra ngoài vì có nhiều nỗi sợ từ người lớn (khác với trẻ em Tây, cha mẹ có thể cho trẻ đi du lịch từ khi mấy tháng tuổi); đến khi biết đi, vận động của trẻ chỉ ở trong khuôn viên nhà ở (khác với trẻ em nông thôn được chạy nhảy ở không gian rộng và đi chơi từ nhà này đến nhà khác, tầm nhìn thoáng rộng và tiếp nhận nhiều kích thích); đến khi đi học, trẻ “được” đẩy vào khuôn phép (phải ngoan, ngồi yên trên ghế, khoanh tay nghe lời cô, ít có thời gian vận động vì không có đủ giáo viên quản lớp, trường không có sân hoặc sân trường quá nhỏ, đồng thời trong ý thức của các giáo viên chưa nhận ra tầm quan trọng của vận động, vận động nhiều đồng nghĩa với quậy phá – không ngoan). Nói chung, trong ý thức của chúng ta ngày nay vẫn thường thích trẻ ngoan, ngồi yên, không chạy nhảy leo trèo, tuyệt đối nghe theo lời cha mẹ. Các bậc cha mẹ rất hãnh diện khi trẻ có phong thái điềm tĩnh như người lớn và rất tự hào về phẩm chất này của con.

Để phát triển bình thường, trẻ em phải vận động với một cường độ nào đó mới có thể đáp ứng đủ sự đòi hỏi sinh học và phát triển tâm lý. Thiếu vận động sẽ là sự thiệt thòi của trẻ trong qua trình phát triển tổng thể, chẳng hạn khi thiếu hụt trong phát triển vận động thô và vận động tinh, trẻ không thể phát triển tốt khả năng tâm vận động, cảm nhận cơ thể kém, nhận biết bản thân không hoàn chỉnh và nhận biết cái tôi bị khiếm khuyết. Những thiếu sót này ảnh hường tiêu cực đến sự thiết lập các mối quan hệ, dẫn đến tăng động giảm chú ý, thiếu kỹ năng ứng phó với stress sau này.

6. Ép trẻ ăn

Có nhiều nguyên nhân cho vấn đề này, tuy nhiên điều phải lưu ý là sự kỳ vọng của cha mẹ cho trẻ có một thân hình mập mạp. Cha mẹ đi tư vấn bác sỹ dinh dưỡng để có một thực đơn khoa học, đủ chất và đầy đủ calo (ngày trẻ phải ăn bao nhiêu gram thịt, cá, rau dền, cà rốt, cam…), ăn giờ nào trong ngày và ngày ăn mấy bữa… Khi các bậc cha mẹ quá tin vào bác sỹ thì sẽ không tin trẻ (chưa chắc trẻ đã thích thực đơn bác sỹ cung cấp) và chính mình (về bản năng người mẹ có thể nhận ra trẻ thích gì và không thích gì, trẻ ăn được bao nhiêu là đủ…). Khi tuân theo công thức của bác sỹ, các bà mẹ không quan tâm đến con mình thích món ăn gì, trẻ ăn bao nhiêu là đủ và khi nào trẻ muốn ăn. Điều này sẽ đẩy tình trạng căng thẳng giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng cao. Lâu ngày không được giải quyết trẻ sẽ rơi vào tình trạng biếng ăn tâm lý.

Cảm giác của cha mẹ khi ép con ăn thường có sự bực bội, nóng vội (do suy nghĩ sợ con gầy yếu) khiến cha mẹ căng thẳng và tiếp tục ép ăn nghiêm khắc hơn. Hiện tượng này diễn ra hàng ngày có thể dẫn trẻ tới cảm giác ám sợ ăn. Đồng thời trong quá trình ép ăn, nét mặt căng thẳng của mẹ làm trẻ mất an toàn cộng với sự sợ hãi của bản thân trẻ sẽ càng làm mất đi cảm giác thèm ăn (vì không ai thèm / thích ăn khi đang sợ hãi). Một cái vòng luẩn quẩn được tạo ra.

Ảnh: Getty images

Để giải quyết tốt mối quan hệ mẹ con trong ăn uống và giúp trẻ trọn vẹn thỏa mãn, trước hết các bậc cha mẹ nên lắng nghe sự mách bảo từ bản năng của mình xem trẻ thích ăn gì, không thích gì, ăn bao nhiêu là đủ, ăn khi nào. Còn các chỉ dẫn mang tính khoa học hay thực đơn hướng dẫn của bác sỹ nên chỉ dùng để tham khảo, định hướng cho cảm nhận bản năng của người mẹ mà thôi.

7. Ép trẻ học

Học tập là một nhu cầu của hầu hết trẻ em, thông qua học tập, trẻ được thỏa mãn trí tò mò nhận thức, lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng từ cuộc sống… và trên cơ sở đó có thể ứng phó và hòa nhập vào cuộc sống sau này. Do đó, học tập là một hoạt động thiết yếu trong việc tạo dựng một cá nhân trưởng thành và một nhân cách hoàn thiện.

Ý thức rõ vai trò to lớn của học tập, cộng thêm áp lực từ cộng đồng và cả gia đình, các bậc phụ huynh đã nhanh chóng (nóng ruột) cho con tiếp cận sớm với kiến thức học đường. Họ cho rằng: nếu không cho con đi học sớm sẽ không bằng bạn bè, không theo kịp chương trình phổ thông. Khi này khả năng hiểu biết, tư duy, trải nghiệm và vận động của trẻ vẫn ở mức độ giới hạn; nhưng với sự kỳ vọng và áp lực từ xã hội, người ta đã dạy cho trẻ những kiến thức vượt quá khả năng lĩnh hội của trẻ, tạo ra các áp lực tâm lý cho trẻ.

Hiện tượng này xảy ra có liên quan đến những hiểu biết chưa đầy đủ về các hình thức học tập khác nhau ở các độ tuổi khác nhau của trẻ em. Chẳng hạn với trẻ dưới 6 tuổi, do đặc trưng sinh học, ở giai đoạn này trẻ còn phải hoạt động rất nhiều để phát triển nhạy cảm các giác quan và còn rất nhiều kiến thức đơn giản diễn ra trong các hoạt động sống hàng này mà trẻ chưa biết, do đó phải cần nhiều thời gian chơi để quan sát và trải nghiệm thế giới.

–         Trước tuổi mầm non: chơi là chủ đạo

–         Giai đoạn mầm non, mẫu giáo: chơi mà học, học mà chơi

–         Giai đoạn tiểu học: học thông qua chơi

–         Giai đoạn trung học cơ sở: học ra học, chơi ra chơi

–         Giai đoạn trung học phổ thông: học kiến thức là chủ đạo

–         Giai đoạn đại học: học và tập nghiên cứu. 

8. Luyện viết chữ đẹp

Ảnh: Getty images

Luyện chữ đẹp là quan niệm mang tính truyền thống của người Việt. Xét về mặt thẩm mỹ, viết chữ đẹp có một ý nghĩa nào đó đối với trẻ và cha mẹ trẻ. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta đã gặp khá nhiều trẻ em là nạn nhân của quá trình luyện chữ đẹp, mà tác hại của hoạt động này đến với trẻ lớn gấp nhiều lần lợi ích của nó:

– Bị bắt phải viết chữ nắn nót (đòi hỏi vận động tinh xảo của đôi bàn tay trong khi vận động thô là chủ đạo của các em giai đoạn này);

– Điều chỉnh các nét chữ trong ô ly rất nhỏ (hoạt động này gây ức chế về hành vi của trẻ);

– Cần độ tập trung chú ý rất cao của mắt và đôi bàn tay (để phát triển nhận thức, trẻ cần phải chú ý nhiều thứ sống động chứ không phải chữ viết. Nguyên nhân này dẫn đến tình trạng quá tải và cận thị, loạn thị ở trẻ);

– Hoạt động lặp lại làm cho trẻ chán nản, không hứng thú học tập (hoạt động này làm cho trẻ lo sợ, mất đi tính hồn nhiên vốn có);

– Bắt trẻ phải chịu đựng quá lâu với trương lực cơ và trương lực chú ý với cường độ cao;

– Trẻ phải chịu áp lực rất cao từ sự giám sát của người lớn.

Luyện chữ đẹp thực ra là đem lại sự vui vẻ cho cha mẹ, giáo viên nhưng tạo ra sự khó chịu, căng thẳng cho trẻ. Và nếu ép trẻ quá tải trong việc luyện chữ đẹp, thì không những gây khó chịu cho trẻ mà còn có thể dẫn đến rối nhiễu tâm lý, rối loạn nhân cách.

Ngoài những yếu tố trên, trẻ em còn bị người lớn xâm phạm vào nhiều nhu cầu chính đáng khác:

Xâm phạm vào nhu cầu tự nói một mình, không cho trẻ có ý kiến, hạn chế sự tự suy nghĩ độc lập của trẻ, ngăn cấm sở thích của trẻ; cấm đoán sự tò mò khám phá thế giới xung quanh; muốn trẻ ứng xử trưởng thành hơn so với tuổi; ngăn cấm sự cạnh tranh giữa các anh chị em; ép trẻ đi mẫu giáo đột ngột làm cho trẻ hoảng sợ; các quan điểm giáo dục không thống nhất giữa các thành viên trong gia đình làm trẻ khó khăn trong việc ứng xử; ép trẻ theo định hướng giá trị vô lý từ cha mẹ; cấm trẻ thể hiện tình cảm với người này hay ép trẻ thể hiện tình cảm với người khác; không biết cách khen chê làm cho trẻ quá tự ti hoặc quá tự tin…

Vậy cha mẹ nên làm gì? nuông chiều tất cả theo ý trẻ?

Với những nội dung trên, phải chăng chúng ta để trẻ muốn gì thì muốn và trẻ đòi gì thì đều chiều theo ý? Thực ra bài viết này không nhằm mục đích muốn các bậc cha mẹ tuyệt đối thực hiện các nhu cầu đòi hỏi của trẻ mà nhằm cảnh tỉnh những ai không quan tâm đến nhu cầu của trẻ, không nhận biết nhu cầu của trẻ và có nhưng hành vi xâm phạm vào các nhu cầu căn bản ấy.

Tuy nhiên trong nuôi dạy và giáo dục trẻ, muốn trẻ thực sự cân bằng về đời sống tâm lý và trưởng thành về nhân cách sau này, ngoài việc tôn trọng nhu cầu thì cần phải có các giới hạn hành vi cho trẻ, cần phải xây dựng những khung hành vi chuẩn để trẻ căn cứ vào đó mà ứng xử; nhân cách của trẻ sẽ được hình thành trên cơ sở khung hành vi này.

Cha mẹ cũng nên biết cách đặt câu hỏi khi giải quyết một khúc mắc với trẻ; một hình phạt nghiêm khắc được giải thích rõ ràng sẽ giúp trẻ sửa lỗi lầm hơn là một hình phạt nhẹ nhưng có thái độ hằn học, không chấp nhận. Muốn trẻ tâm sự với cha mẹ trước hết cha mẹ phải tâm sự với trẻ (không cung cấp thông tin thì cũng không nên hy vọng nhận thông tin); khi trẻ còn tâm sự với cha mẹ thì trẻ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

ST: ThuyDuong