Thời điểm cho bé ăn dặm

Thời điểm cho bé ăn dặm tốt nhất là từ khi bé bước sang tháng thứ 6, cũng là thời điểm mà các mẹ chuẩn bị hết thời gian ở cữ và quay lại với công việc. Thời điểm này, sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 60% nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho em bé, vì vậy cần phải cho bé ăn dặm để bổ sung các chất dinh dưỡng còn thiếu. Một vài trường hợp đặc biệt có thể cho con ăn dặm sớm hơn, nhưng không được cho ăn trước 4 tháng tuổi.

Cho ăn dặm từ loãng đến đặc, từ bột ngọt sang bột mặn

Trước khi ăn dặm bé chỉ biết đến một thức ăn duy nhất là sữa mẹ. Sữa mẹ loãng và có vị ngọt, vì vậy khi bắt đầu cho bé làm quen với việc ăn dặm thì mẹ cần cho con ăn các món bột ngọt trước, chẳng hạn như bột bí đỏ, bột cà rốt, bột khoai lang…có thể trộn thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức để kích  thích bé ăn. Mẹ có thể cho bé ăn bột ngọt khoảng 2 tuần sau đó chuyển qua bột mặn. Và đừng quên nguyên tắc cho bé ăn từ loãng đến đặc vì dạ dày còn non yếu của bé chưa thể đủ sức tiêu hóa ngay các dạng thức ăn đặc mà phải có thời gian để thích nghi dần.

Để giúp thức ăn được mềm, nhuyễn, các mẹ có thể sử dụng một số dụng cụ chế biến ăn dặm cho bé như : nồi nấu cháo chậm, chén nghiền, chày gỗ, lưới rây, bàn mài, bàn vắt, máy xay Braun…

Các dụng cụ cần thiết cho bé ăn dặm mẹ nên chuẩn bị

Cho ăn từ ít đến nhiều

Nguyên tắc tiếp theo quan trọng không kém, đó là phải cho con ăn từ ít đến nhiều, đừng vì nôn nóng muốn thấy con ăn nhiều mà bắt bé ăn quá sức. Ngày đầu mẹ chỉ cần cho bé ăn khoảng vài thìa hoặc một nửa bát con bột ngọt loãng để cho bé làm quen, sau đó tăng dần số lượng cũng như độ đặc của thức ăn theo thời gian. Hãy kiên trì với nguyên tắc này, vì nếu cho bé ăn nhiều trong giai đoạn đầu có thể khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt  đến sau này.

Ăn riêng từng loại thực phẩm khi mới tập ăn dặm

Giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm, hãy chế biến riêng từng nhóm thực phẩm cho bé, vừa để bé làm quen và nhận biết mùi vị thức ăn mới, vừa giúp mẹ dễ dàng theo dõi xem con có bị dị ứng với thực phẩm đó không? Mỗi loại thực phẩm nên cho bé thứ từ 3 – 5 ngày là phù hợp. Chẳng hạn tuần này cho bé ăn bột cà rốt, sang tuần cho bé ăn bột bí đỏ…

Cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng trong đồ ăn dặm

Sau khi bé chuyển sang ăn dặm bột mặn, thức ăn của bé cần đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng cơ bản, gồm:

Tinh bột: gạo, ngô, khoai, mỳ, bún, phở…

Đạm: Thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các chế phẩm từ đậu nành…

Vitamin và khoáng chất: Trái cây, rau củ quả các loại…

Chất béo: dầu, mỡ, bơ…

Một bát cháo ăn dặm của bé luôn đảm bảo có đủ 4 nhóm dinh dưỡng trên để bé phát triển cân đối. Lưu ý không cho nhiều loại đạm vào nấu cùng sẽ khiến bé khó hấp thu và rối loạn tiêu hóa, luôn nhớ cho thêm một thìa dầu ăn vào bát cháo và hằng ngày cho bé ăn thêm các loại trái cây để tăng cường  sức đề kháng.

Không nêm bất cứ gia vị nào

Trong giai đoạn đầu mới ăn dặm, các mẹ không nên nêm bất cứ gia vị nào vào thức ăn của bé, vì có thể khiến cho thận bé làm việc quá sức. Tốt nhất là nên để đến lúc bé gần 1 tuổi mới nêm thêm một chút gia vị vào để kích thích bé ăn ngon miệng.

Ăn dặm không đúng cách dễ khiến bé biếng ăn, sụt cân, suy dinh dưỡng…Vì vậy mỗi bà mẹ hãy là một nhà thông thái trong việc cho con ăn dặm, giúp con phát triển một cách toàn diện nhất, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình phát triển của con sau này.

Thảo Nguyên (01/07/2016)