1. Căn giờ cho bú 3 tiếng/lần

Về lý thuyết, sữa mẹ sẽ tiêu hóa sau khi vào dạ dày bé chừng 3 tiếng nên việc cho bé bú 3 tiếng 1 lần là hợp lý. Nhưng không nên căn giờ một cách máy móc, vì mỗi đứa trẻ có nhu cầu khác nhau, thậm chí một bé ở từng thời điểm cũng có nhu cầu không giống nhau.

Vì thế việc cho bú theo mong muốn của trẻ không những có thể thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng của bé mà còn giúp mẹ thường xuyên cảm nhận được sự kích thích, nhờ đó sữa tiết ra nhiều hơn và đặc hơn. Tuy vậy cũng không nên cho bé bú “vặt” vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhất là về đêm của bé.

2. Nắm lấy tay trẻ và lăng theo vòng tròn

Trẻ có thể rất hào hứng và thích thú mỗi khi được bạn nắm lấy 2 tay và lăng bé quay 360 độ. Tuy nhiên trò chơi này có nguy cơ làm trẻ bị trật khớp cổ tay, sái tay hoặc chóng mặt,nôn mửa.

Thậm chí, rất nhiều trẻ nhỏ sau khi chơi trò này thường có những biểu hiện hoảng loạn, khóc lóc và hay giật mình. Đó chính là những chấn động tâm lý do sợ hãi.

3. Chọc bé cười lúc bé đang ăn

Phần yết hầu là cửa ngõ của khí quản và thực quản, vừa ăn vừa cười rất dễ khiến cho thức ăn rơi vào khí quản, gây ho không dứt. Nếu những thức ăn cứng rơi vào khí quản thì rất có thể thức ăn đó sẽ bịt mất khí quản hoặc một nhánh của khí quản, khiến việc hô hấp của bé gặp khó khăn, rất nguy hiểm đối với bé.

4. Dùng nước quá nóng để rửa chân cho bé

Dùng nước nóng để rửa chân hoặc ngâm chân thường được các cha mẹ áp dụng khi chân nhức mỏi, nhưng nếu ta cũng áp dụng cách đó với bé thì là một sai lầm rất lớn. Trẻ sơ sinh có bàn chân mũm mĩm và hầu hết lòng bàn chân bẹt. Vòm bàn chân hình thành vào khoảng 2-3 tuổi rồi hoàn chỉnh dần đến khi 10 tuổi. Vòm bàn chân có tác dụng làm cho chân chuyển động mềm mại khi bé bước và chạy, bảo vệ mạch máu và dây thần kinh ở gan bàn chân. Dùng nước nóng để rửa hoặc ngâm chân cho bé sẽ khiến dây chằng ở bàn chân bị giãn ra, từ đó chân bé sẽ trở nên “bẹt”, lòng bàn chân không có hình vòm như bình thường.

5. Bóp mũi

Vì cố gắng làm cho bé cười hay muốn tạo ra cho bé những khuôn mặt ngộ nghĩnh để chụp ảnh, nhiều người lớn thường dùng tay của mình để kéo mũi trẻ lên cao hay bóp mũi trẻ lại. Đây là một trò chơi không được khuyến khích vì nó dễ khiến trẻ bị viêm niêm mạc mũi, giãn mạch máu, thậm chí hỏng màng nhầy dẫn đến giảm chức năng cản bụi và chất bẩn trong không khí khi trẻ hít thở.

6. Tắm cho bé hàng ngày

Sự thật là lạm dụng tắm sẽ vô tình loại bỏ cả độ ẩm từ làn da mỏng manh của bé, khiến da bé khô và bị kích thích. Thêm vào đó, đặt bé ngồi trong bồn (chậu) tắm với đầy bọt xà phòng từ sữa tắm có thể kích thích niệu đạo, dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu ở bé gái.

Miễn là bạn vệ sinh hàng ngày cho bé ở vùng quấn tã, nách và những vùng da có nếp gấp khác, còn với tắm, tuần 2-3 lần là đủ cho bé.

7. Dùng mật ong cho bé

Theo cách làm “cổ truyền”, người lớn thường dùng mật ong vệ sinh khoang miệng cho bé để chống nấm (hay còn gọi là “tưa”). Tuy nhiên rất nhiều trẻ bị dị ứng với phấn hoa nên cũng dị ứng với mật ong, hậu quả là bị sưng phần lưỡi, thậm chí cả mặt sau khi được đánh “tưa”. Vì vậy, khi chưa xác định được bé có dị ứng với mật ong hay không thì nên thận trọng trong việc vệ sinh khoang miệng cho bé.