Trước khi hoang mang tột cùng vì “có nên cho con đi tiêm không?” thì mẹ hãy tìm hiểu những thông tin về vaccine dưới đây để có cái gì đầy đủ, đúng đắn nhất trước khi quyết định hoãn tiêm, đợi “thuốc nhập ngoại” hay thậm chí cho con ra nước ngoài tiêm phòng nhé
Những thông tin về trẻ nhỏ tử vong sau khi tiêm vaccine, cộng thêm không ít bài viết “đào sâu”, phân tích, lên án một cách không đúng hướng hay thậm chí là sai lệch khiến bất cứ bố mẹ nào cũng vô cùng hoang mang, lo lắng đến mất ăn mất ngủ; gần như ai cũng mang tâm lý “không đi tiêm thì lo con bệnh, mà đi tiêm thì sợ… mất con”.
Là cha mẹ, lo lắng cho con là điều hiển nhiên. Tuy vậy, trước khi hoang mang tột cùng vì “có nên cho con đi tiêm không?” thì mẹ hãy tìm hiểu những thông tin về vaccine dưới đây để có cái gì đầy đủ, đúng đắn nhất trước khi quyết định hoãn tiêm, đợi “thuốc nhập ngoại” hay thậm chí cho con ra nước ngoài tiêm phòng nhé! Bài viết của bác sĩ Huyên Thảo về vaccine dưới đây rất đáng để tìm hiểu, mẹ cùng tham khảo nhé!
“Hiện nay, nói đến vaccine là người ta sợ. Sợ đủ thứ. Ngay cả nhiều người trong ngành y cũng mặc định rằng vaccine nhập tốt hơn vaccine “chùa”, và đặc biệt an toàn. Tôi cũng từng gặp tại nơi làm việc những ba mẹ không giàu có, thậm chí hơi bị nghèo, cũng ráng đến, trả một số tiền rất lớn so với thu nhập để mua được sự an tâm cho sức khoẻ của con mình. Có người vì lo lắng, lựa chọn không chích ngừa cho con cho đến khi có thuốc nhập, gọi điện khắp nơi cầu thị, và có không ít trường hợp làm luôn passport cho con, mua vé máy bay ra nước ngoài để chích vaccine. Sự lựa chọn của mỗi người, tôi không có quyền đánh giá, nhưng thiết nghĩ nên tìm hiểu kỹ lại những thông tin về các vaccine, và nên đặt vấn đề một cách tương đối, cẩn thận vì nhiều khi thông tin trầm trọng các báo đài đưa ra, sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến dân số Việt Nam thu nhập thấp, ít tiếp cận nhiều nguồn thông tin một cách khách quan, và vì vậy sẽ gây nhiều hệ luỵ trong tương lai mà việc không chích ngừa sởi và dịch sởi trong năm 2014 là một ví dụ điển hình.
Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu ở điều cơ bản nhất. Mục tiêu của vaccine thường qui cho trẻ là để bảo vệ trẻ khỏi những bệnh nguy hiểm nhất, có nguy cơ gây tử vong và để lại những biến chứng thương tật lâu dài. Vì vậy chích ngừa giúp bảo vệ trực tiếp người đi chích ngừa. Tuy nhiên, với bất kỳ vaccine nào, tỷ lệ đáp ứng miễn dịch, giúp bảo vệ tốt không bao giờ đạt được 100%. Cao nhất cũng chỉ khoảng 90-95%. Có nghĩa là chích ngừa xong vẫn có khả năng bị lây bệnh từ người bị bệnh. Vì vậy cho nên, việc chích ngừa, cho toàn thể dân số, một cách lý tưởng nhất, là để đảm bảo có hiệu quả nhóm. Khi một dân số hoàn tất chích ngừa với tỉ lệ cao, đồng nghĩa với dân số đó được bảo vệ, ít có khả năng có người bị bệnh, và vì vậy, người thuộc dân số đó cũng an toàn hơn, vì ít có khả năng bị lây bệnh. Vaccine được thừa nhận là vũ khí tốt nhất và hữu hiệu nhất mà chúng ta có để chống lại bệnh nhiễm trùng. Trong 40-50 năm nay, nhờ có các vaccine mà thế giới đã giảm được gánh nặng thương tật, tử vong gây ra do bại liệt, sởi, Hib, uốn ván, ho gà….một cách tối đa. Bệnh đậu mùa cũng đã được “xoá sổ” trong vòng thập kỷ nay. Tỉ lệ sống sót của trẻ em giai đoạn nhũ nhi (dưới 1 tuổi ) cũng được cải thiện đáng kể nhờ vaccine và việc cải thiện điều kiện sống.
Vaccine Rota cũng là một bằng chứng sống động của hiệu quả vaccine, đặc biệt ở các nước nghèo. Tuy nhiên, khi thế hệ hiện nay sinh ra và lớn lên trong một môi trường đã được “chích ngừa” và ít bệnh tật, con người hiện đại lại “take it for granted” – nghĩ việc ít bị bệnh là một việc hiển nhiên, bắt đầu băn khoăn lựa chọn chích ngừa hay không chích ngừa, mà quên mất rằng bệnh có thể được xoá sổ, nhưng tác nhân gây bệnh không bao giờ bị xoá sổ, rình rập xung quanh để khi có cơ hội sẽ bùng phát. VIệc quyết định không chích ngừa thường qui cho một trẻ không những ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ, do trẻ không được bảo vệ nên sẽ dễ bị những bệnh nguy hiểm hơn, mà còn ảnh hưởng đến cả dân số trẻ em và người lớn sống xung quanh vì khi trẻ bị bệnh, có thể lây bệnh rất nhanh và mạnh cho những người này, ngay cả khi những người này đều đã được chích ngừa. Vì vậy, tác động của việc chích ngừa là tác động kép, và ảnh hưởng của việc không chích ngừa cũng là ảnh hưởng nhân rộng. Những sự kiện dịch sởi và ho gà bùng phát ở nhiều tiểu bang của Mỹ, Úc, và một số nước Châu Âu trong vài năm trở lại đây, với nhiều trường hợp tử vong ở trẻ nhỏ, là hình ảnh minh chứng rõ ràng nhất cho hệ quả “lựa chọn” của con người.
Vaccine nào là an toàn tuyệt đối? Câu trả lời là không có loại nào cả. Nhưng tỉ lệ những tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc tử vong là rất thấp. Khi một vaccine được đưa vào khuyến cáo chích ngừa thường qui, đã có bằng chứng đủ thuyết phục rằng nguy cơ/hệ quả xấu gây ra do việc tiêm vaccine này thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ/biến chứng gây ra do không được tiêm vaccine. Nếu các bạn search “vaccine related deaths” – tử vong liên quan đến vaccine – cho bất kỳ vaccine nào, ví dụ như: Quinvaxem (cái này thì nhờ các báo chúng ta biết rất rõ tình hình ở ViệtNam ra sao), Pentaxime, hoặc cả Infanrix Hexa (thiên thần hộ mệnh thời nay) các bạn đều thấy có những con số đáng kể. Nhưng cái quan trọng là, tử vong này có “gây ra” do vaccine đó hay không. Một số bệnh trong giai đoạn tiềm ẩn (incubation period) trong thời điểm vaccine, có thể phát bệnh lâm sàng vài ngày sau tiêm vaccine, gây tử vong, thương tật. ở trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi ) có một hội chứng rất được nhận biết ở các nước phát triển, nhưng nhận thức về bệnh này còn rất hạn chế ở Việt Nam, đó là hội chứng đột tử ở trẻ nhũ nhi (Sudden Infant Death Syndrome – SIDS). Trong hội chứng này, trẻ tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân, thường xảy ra nhiều nhất ở trẻ dưới 12 tháng tuổi. Thống kê ở Mỹ cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 12 tháng tại nước này. Trong năm 2013, ở Mỹ có 1500 ca đột tử ở trẻ nhũ nhi được báo cáo. ở các nước phát triển khác, nhận thức và số lượng ca tử vong SIDS phổ biến đến mức có rất nhiều website cho riêng về SIDS cho người dân tham khảo. Những trường hợp SIDS này, khi không may xảy ra trong thời gian sau chích ngừa, có thể bị lầm tưởng là do chích ngừa gây ra. Và điều này không hiếm gặp.
Quinvaxem là một vaccine được WHO khuyến cáo sử dụng ở nhiều quốc gia từ năm 2006. Cho đến nay, đã có khoảng 400 triệu liều Quinvaxem được sử dụng tại 91 quốc gia, và ở Việt Nam từ 2010 đến nay có khoảng trên 15 triệu liều được sử dụng. Các ca tử vong sau khi chích Quinvaxem đã được nghiên cứu và cho thấy không có quan hệ nguyên nhân – hệ quả với vaccine. WHO và UNICEF cũng đã đưa ra một công báo chính thức cho vụ việc này.
Infanrix Hexa được bắt đầu đưa ra sử dụng cho đến nay có trên 12 triệu liều Infanrix Hexa được sử dụng trên toàn thế giới, đa số từ các quốc gia phát triển. Các ca tử vong được báo cáo, sau chích Infanrix Hexa, được kết luận đa phần là SIDS và không có liên quan nhân-quả với loại vaccine này. Vào năm 2011, vaccine này phải ra toàn án tại Italia vì nghi vấn có liên quan gần 40 trường hợp tử vong (con số thực trên 70 trường hợp) sau chích ngừa trong khoảng 2009-2011.
So sánh một cách khách quan, có thể thấy rõ số lượng Quinvaxem sử dụng nhiều hơn Infanrix Hexa như thế nào, vì vậy, chúng ta có thể suy luận logic là có thể có nhiều tác dụng phụ được ghi nhận từ Quinvaxem hơn. Một điều quan trọng cần lưu ý nữa, là nhìn chung, có thể thấy nhóm dân số chích Infanrix Hexa là nhóm có kinh tế và điều kiện sống tốt hơn nhóm dân số chích Quinvaxem, và vì vậy, nguy cơ bệnh tật, suy dinh dưỡng, và điều kiện vệ sinh tốt hơn so với dân số Quinvaxem. Những nhân tốt này có thể góp phần quan trọng trong việc ảnh hưởng đến những số liệu thống kê từ hai loại vaccine này…… Dáng tiếc là hiện nay chưa có một nghiên cứu nào so sánh trực tiếp giữa hai loại vaccine với nhau !
Thông tin tôi muốn cung cấp đến đây tạm dừng. Dĩ nhiên, quyền quyết định cuối cùng vẫn là ở các bạn, nhưng hãy suy nghĩ độc lập, và đừng phụ thuộc quá nhiều từ những hình ảnh, những câu chữ, ngôn từ sáo rỗng, hoàn toàn chủ quan, định kiến, và đôi khi rất phản khoa học mà các bạn được cung cấp “miễn phí” gần đây.”.