Bố mẹ nào có con nhỏ cũng luôn mong mỏi đến ngày con biết cất tiếng nói đầu tiên, thời gian chờ đợi có thể kéo dài, thậm chí làm bố mẹ sốt ruột và thất vọng – nếu bé quá chậm biết nói. Tuy nhiên, có 1 điều bạn chưa biết là hầu hết các em bé đều mắc phải vấn đề này, vấn đề kia về ngôn ngữ cho đến tận lúc các bé được 2 tuổi. Theo thống kê, cứ 4 trẻ thì có 1 em có dấu hiệu chậm biết nói nhưng hầu hết sau này đều tự bắt kịp mức độ phát triển như các bé cùng trang lứa mà không cần đến sự trợ giúp đặc biệt nào cả.

Dưới đây là một số dấu hiệu bé chậm biết nói và lời khuyên cho bố mẹ – khi nào thì nên lo lắng về việc chậm nói của bé:

Thường xuyên trò chuyện với con là cách tốt nhất để trẻ học nói. (Ảnh minh họa)

Biểu hiện bé chậm nói

1 tuổi: Bé không biết bập bẹ hoặc nói nhại lại lời người lớn. Bé có dấu hiệu của việc không hiểu hoặc không phản ứng lại với những gì người khác nói.

18 tháng: Bé chưa nói được dù chỉ một từ

2 tuổi: chỉ nói được rất ít từ và giao tiếp với mọi người thông qua tiếng lầm bầm trong miệng và chỉ trỏ, hoặc trẻ bị mất kĩ năng ngôn ngữ ( vốn từ bị ít đi hoặc ngừng lại không nói nữa)

2,5 tuổi: Bé vẫn chỉ nói từng tiếng một, không phát âm được những phụ âm và vốn từ vựng ít hơn 50 từ.

3 tuổi: Ngoài người thân ra thì không ai có thể hiểu được cách phát âm của trẻ hoặc trẻ chỉ có thể sử dụng những cụm từ gồm 2 tiếng rất đơn giản.

Những trẻ em dễ có nguy cơ bị chậm nói

– Bé trai thường biết nói chậm hơn bé gái

Bé nam thường phát triển khả năng ngôn ngữ chậm hơn bé nữ khoảng 1-2 tháng. Khi bé được 16 tháng, trung bình một đứa bé trai sẽ  sử dụng được 30 từ vựng trong khi bé gái đã có thể sử dụng khoảng 50 từ

– Trẻ sinh non

Em bé sinh non thường mất thời gian nhiều hơn các bé khác để có thể đạt đến các mốc phát triển nhưng khi được 2 tuổi là bé đã có thể theo kịp bạn bè. Theo các bác sĩ nhi khoa, khi đánh giá sự phát triển của một em bé sinh non, bố mẹ nên bắt đầu tính từ ngày bé đủ tháng trong bụng mẹ chứ không phải từ ngày bé ra đời. Trẻ sinh non có thể chậm nói hơn các bé khác nhưng bé vẫn có thể phát triển bình thường về sau này.

– Trẻ song sinh hoặc đa sinh

Theo ước tính, khoảng 50% trẻ đa sinh bị chậm phát triển về ngôn ngữ. Trường hợp song thai hoặc đa thai thường phải nhờ đến sự can thiệp của các biện pháp y học, đây cũng là những trường hợp sinh non, sinh nhẹ cân…nên dễ dẫn đến tình trạng chậm nói.

– Trẻ bị viêm tai mãn tính

Nếu có chất dịch bám dai dẳng qua năm tháng trong tai bé  – đặc biệt là trong năm đầu đời sẽ dễ dẫn đến suy giảm chức năng nghe. Đây là 1 trong những lý do mà trẻ chậm biết nói hơn.

– Trẻ tập trung vào những kĩ năng khác

Đối với những trẻ chậm nói nhưng tình trạng phát triển chung đều tiến triển bình thường thì có thể bé đang tập trung cho một kĩ năng nào đó, chẳn hạn như chạy nhảy, đi lại, điều này khiến kĩ năng nói sẽ chậm lại một chút.

Cần làm gì khi thấy trẻ có biểu hiện chậm nói?

Khi bé đã được 2 tuổi rưỡi mà vẫn có những biểu hiện trên đây thì bố mẹ hãy nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ – bởi những em bé chậm nói thường sẽ theo kịp các bạn khác vào thời điểm này. Hãy yên tâm vì bé yêu nhà bạn sẽ được các bác sĩ đưa ra lời khuyên và cách chữa trị kịp thời.

Trước đó, bố mẹ thường xuyên nói chuyện với con là cách tốt nhất để giúp bé học nói. Do đó, bạn hãy đọc sách, kể chuyện, hát cho con nghe hoặc thủ thỉ tâm sự với con,…, dành thời gian bên con thật nhiều. Ngoài ra, bố mẹ hãy đưa ra những câu hỏi cho con trả lời và khuyến khích bé chơi những trò chơi liên quan đến giao tiếp như nghe điện thoại, chơi bán hàng,…

Theo: eva.vn