Trẻ mắc các bệnh về xương ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất.

Để xương của bé phát triển hoàn thiện và luôn chắc khỏe, dẻo dai cần rất nhiều yếu tố. Bên cạnh chế độ vận động, điều kiện và môi trường sống, rất nhiều bà mẹ chỉ nghĩ bổ sung Canxi và Vitamin D cho xương của con là đủ. Tuy nhiên, để trẻ có một hệ xương phát triển chắc khoẻ, dẻo dai, cao lớn thì cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, đặc biệt là MK7. Đây là một loại vitamin K2 có tác dụng đưa canxi từ máu vào nơi cần là xương, đồng thời tăng sinh collagen giúp xương trở nên dẻo dai và đàn hồi.. Do đó, để phát triển chiều cao và xương chắc khoẻ luôn phải có sự đồng hành của bộ ba Canxi, Vitamin D3 và MK7. Quá trình phát triển khung xương ở trẻ sẽ bị ngăn cản nếu thiếu hụt bất cứ yếu tố nào kể trên.

Dưới đây là những căn bệnh về xương trẻ có nguy cơ mắc phải:

Thấp khớp

Trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi có nguy cơ mắc bệnh thấp khớp rất cao, bệnh phát triển mạnh vào mùa đông hoặc khi thay đổi thời tiết.

Trẻ bị mắc bệnh thấp khớp ban đầu thường bị viêm họng đỏ cấp tính, sốt và đau họng. Sau 7 – 10 ngày, trẻ có thể sốt cao, mệt mỏi, xanh xao, khớp vai, háng… sưng lên, nóng, đỏ trong vòng 5 đến 7 ngày rồi khỏi, không để lại di chứng gì.

Thấp khớp là một loại bệnh tự nhiễm và thường gây ra các tổn thương ở nhiều cơ quan như tim, phổi, da, mô dưới da, hệ thần kinh. Khi đã có chẩn đoán thấp khớp cấp, trẻ phải được điều trị ngay để ngặn chặn sự tái phát, tránh tổn thương tim mạch.

Loãng xương xảy ra sớm

Không chỉ người già mà cả những người trẻ tuổi, thậm chí trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Những cơn đau nhức xương với mức độ tăng dần là dấu hiệu cảnh báo bé có thể mắc bệnh loãng xương.

Biểu hiện ban đầu của bệnh loãng xương không rõ ràng, ban đầu trẻ có cảm giác đau, mỏi, nhức ở các vùng xương chịu lực của cơ thể như hông, thắt lưng, khớp gối… Càng về sau tình trạng đau nhức càng thêm trầm trọng, để lâu sẽ gây thoái hóa khớp.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh này ở trẻ em là do kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, chế độ dinh dưỡng thiếu Canxi và Vitamin D3… Trẻ lười vận động và ít hoạt động ngoài trời cũng có nguy cơ bị loãng xương.

Viêm cột sống dính khớp

Đây là loại bệnh mà trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 15 rất dễ mắc phải. Trẻ bị viêm cột sống dính khớp ban đầu thường đau cột sống lưng, đi lại khó khăn, sốt cao, sụt cân, người luôn trong tình trạng mệt mỏi. Khi bệnh trầm trọng thì cột sống thắt lưng đau dữ dội hơn, tình trạng đau thường nặng về đêm, cứng cột sống, nhất là lúc sáng sớm mới ngủ dậy.

Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, phụ huynh nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt. Nếu để lâu, bệnh viêm cột sống dính khớp có thể gây ra những tổn thương kèm theo như suy hô hấp, tâm phế mãn, lao phổi, liệt hai chi dưới.

Biến dạng cột sống

Trẻ em trong giai đoạn bắt đầu cắp sách tới trường rất dễ mắc phải các dị tật về cột sống như: cong, ưỡn, gù, vẹo, biến dạng cột sống. Thời điểm này, cơ thể trẻ đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện dần nên bất cứ thói quen xấu nào như đeo ba lô quá nặng, ngồi học không đúng tư thế… cũng có thể khiến cột sống bị tổn thương.

Đeo những chiếc ba lô khổng lồ như thế này là nguyên nhân khiến các bé bị cong vẹo cột sống.

Biểu hiện của bệnh rất dễ phát hiện như đi lệch về một bên, ngồi xiên xẹo, thường xuyên nhức mỏi lưng. Nếu cha mẹ không kịp thời uốn nắn cho trẻ sẽ khiến khung xương của bé bị biến dạng, tạo dáng đi xấu sau này.

Bất cứ căn bệnh nào về xương cũng đều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, quá trình phát triển của bé sau này. Ở tuổi dậy thì, trẻ mắc bệnh về xương thấp bé hơn rất nhiều so với bạn bè cùng lứa; dáng người xấu do ngực nhô, lép, chân vòng kiềng, gù lưng; cơ thể thường xuyên đau nhức; khả năng chịu lực kém nên rất dễ bị chấn thương, gãy xương, răng không chắc khỏe… Ở giai đoạn trưởng thành, sức khỏe giảm sút rõ rệt, cơ thể nhanh chóng rơi vào trạng thái mệt mỏi sau thời gian ngắn vận động. Đến khi cao tuổi, sức khỏe và tuổi thọ bị đe dọa bởi những căn bệnh trầm trọng về xương như thoái hóa xương khớp, loãng xương…

Khi phát hiện con mắc bệnh về xương, cha mẹ phải đưa bé tới bác sĩ thăm khám ngay lập tức để có phác đồ điệu trị hợp lý. Đồng thời, phụ huynh nên xây dựng lại chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất Canxi, Vitamin D3, MK7… Chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với chơi thể thao, vận động thường xuyên sẽ giúp khung xương của bé chắc khỏe, dẻo dai.

Theo: afamily.vn