Lời khuyên của bác sĩ khiến chị Hà ở phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội, ngạc nhiên. Quả là bấy lâu nay chị không chú ý đến việc cho con ăn rau. Con mới ăn dặm, khi nấu bột chị cũng xay nhỏ rau củ nấu cùng. Giai đoạn bé ăn cháo, cơm, thi thoảng nhà có rau mềm hay con thích thì chị đút cho bé, chứ không cho ăn thường xuyên. Gần đây bé lười ăn, mẹ càng chú trọng thêm thực phẩm bổ dưỡng như chim câu, cua bể, lươn, sữa… để con “có chất”, bù đắp lượng bé ăn ít. Chị không ngờ con càng biếng ăn hơn.

Tương tự, chị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho con đến khám vìbé ăn nhiều chất bổ dưỡng mà vẫn nhẹ cân, thấp còi. Trao đổi về chế độ ăn của bé, chị cho biết mỗi bữa con ăn rất nhiều thịt, có khi xơi hết chiếc đùi gà, một cánh gà, nhưng chỉ cần thấy một lá rau trong bát cơm cũng nhất định bắt bỏ ra. Chị Minh không khuyến khích con ăn rau vì nghĩ ăn nhiều thịt như vậy là đã đủ dinh dưỡng.

nhieu-tre-bieng-an-vi-thieu-rau-1

Ảnh minh họa: Kitchendaily.com.

Phân tích khẩu phần ăn của các bệnh nhi đến khám, bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, phòng khám Cây Thông Xanh (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng) cho biết: đa phần trẻ biếng ăn hiện nay là do khẩu phần ăn thiếu cân đối.  Đặc biệt chế độ ăn thiếu rau xanh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng ở trẻ vì trong rau có nhiều vi chất như sắt, kẽm và các vitamin nhóm B. Đây là những vi chất có khả năng kích thích sự thèm ăn ở trẻ, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. 

Bác sĩ giải thích: Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cần cân đối giữa tất cả các nhóm chất đạm, béo, xơ, tinh bột. Khi bữa ăn thừa hoặc thiếu một trong 4 nhóm này sẽ đều làm trẻ ăn không ngon miệng, khó tiêu, đầy bụng. Nếu tình trạng mất cân đối diễn ra kéo dài còn gây ra những bệnh lý nghiêm trọng khác về mặt sức khỏe. 

Bác sĩ cũng cho biết, sự mất cân đối trong bữa ăn thể hiện rõ nhất giữa 2 nhóm đạm và xơ. Trung bình lượng đạm được bổ sung qua đường ăn uống ở nhóm trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi là 260%, trong khi đó lượng chất xơ chỉ đạt 21% so với nhu cầu.

Trẻ không chịu ăn rau là vấn đề khá phổ biến hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là do bé không được tập ăn rau hoặc phụ huynh không cho con ăn đa dạng các loại rau từ giai đoạn ăn bổ sung. Một số trẻ ghét rau do cách chế biến đơn điệu, không đúng cách, không hấp dẫn. Có trẻ thiếu rau trong khẩu phần ăn do cha mẹ không khuyến khích bởi quan điểm thực phẩm này không quan trọng.

Khoa học đã chỉ ra rằng rau xanh cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu mà không một loại thực phẩm nào có thể thay thế được, như:

– Cung cấp các vitamin và muối khoáng thiết yếu cho cơ thể.

– Kích thích sự thèm ăn ở trẻ.

– Giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng.

– Phòng chống táo bón.

– Tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng.

– Giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.

– Tránh được bệnh thừa cân, béo phì.

“Đối với bé biếng ăn thì rau xanh là một liều thuốc hữu hiệu. Cha mẹ nên tích cực cho trẻ ăn rau theo phương châm mùa nào thức ấy, lựa chọn các loại rau củ quả tươi, sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh”, bác sĩ Thúy Lan gợi ý.

Làm thế nào để trẻ thích ăn rau?

– Đối với trẻ nhỏ: Luyện tập cho trẻ ăn rau ngay từ giai đoạn ăn bổ sung. Mỗi loại rau nên cho trẻ làm quen từ từ, lượng từ ít đến nhiều. Chú ý phản ứng của con khi ăn mỗi loại.

– Đối với trẻ lớn hơn: Cha mẹ cần kiên trì khuyến khích con ăn rau bằng nhiều phương pháp khác nhau, tuyệt đối không chiều theo ý muốn của trẻ. Một số cách bạn có thể áp dụng là:

Thay đổi cách chế biến rau như luộc, xào, nấu canh…

+ Trang trí, bày biện món ăn hấp dẫn về màu sắc và hình dạng. Mẹ có thể cắt, thái rau thành hình hoa, hình sao, hình con vật… hoặc bố trí, bày biện món ăn mô phỏng hình con vật.

+ Để trẻ tham gia chuẩn bị món ăn cùng mẹ. Trong quá trình chuẩn bị món ăn, mẹ kể những câu chuyện về rau cho trẻ nghe.

+ Cho trẻ ngồi ăn cùng mâm với gia đình, để con bắt chước người lớn. Người lớn trong gia đình cần làm gương cho trẻ bằng cách ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, trái cây trong bữa ăn hằng ngày. 

+ Nếu trẻ chơi cùng một nhóm bạn hay nhóm trẻ hàng xóm, có thể cho bé thi ăn rau với nhau.

Nguồn: vnexpress.net