1. Thiết lập thói quen nhận biết giờ đi ngủ cho bé

Hầu hết các bé khoảng 4 – 6 tháng tuổi có thể ngủ qua đêm. Do đó, từ thời điểm này, mẹ nên tập cho bé cách nhận biết sắp đến giờ đi ngủ bằng cách lặp đi lặp lại những công việc quen thuộc mỗi tối.

Việc đầu tiên đó là bữa ăn tối. Sau bữa tối, mẹ có thể cho bé tắm mát và cho bé chơi một vài trò chơi nhẹ nhàng và cuối cùng là đưa bé về phòng ngủ với một cuốn sách. Mẹ có thể đọc truyện hoặc cho bé nghe nhạc du dương để bé đi vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Khi bé đã thiu thiu ngủ, mẹ có thể tặng bé một nụ hôn và nhẹ nhàng tắt điện và đi ra khỏi phòng.

Các mẹ lưu ý, công đoạn dỗ bé ngủ không nên kéo dài quá lâu, nếu bé khó ngủ thì mẹ có thể tắt điện sớm hơn và tắt hết các thiết bị phát ra âm thanh trong nhà để không gian thật yên tĩnh. Các mẹ nên kiên nhẫn trong nguyên tắc đầu tiên này, vì thông thường bé sẽ mất khoảng 2 – 4 tuần mới quen với nếp sinh hoạt này. Bé Miu nhà mình cũng phải mất đến 3 tuần liên tiếp đấy.

2. Chuẩn bị cho con giấc ngủ ngon.

Phòng ngủ cho trẻ cũng là một yếu tố khá quan trọng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Do đó, mình rất chú ý đến không gian và các trang thiết bị trong phòng ngủ của Miu. Trước hết, phòng ngủ nên tối và mát mẻ. Nhiệt độ phòng ngủ lý tưởng cho bé là khoảng 27 – 28 độ C. Nếu trời nóng, mẹ có thể bật quạt cây hoặc quạt trần phe phẩy. Quạt ngoài tác dụng làm mát, còn giúp tạo tiếng ồn trắng giúp trẻ ngủ sâu giấc. Giường ngủ cần an toàn và thân thiện đối với trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên dùng túi ngủ cho bé thay vì dùng những chiếc chăn lỏng lẻo. Nếu trẻ nằm giường thì mẹ cần bố trí thanh chắn an toàn để trẻ không ngã khỏi giường.

3. Giúp trẻ học cách ngủ

Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất, bao gồm việc giáo dục trẻ biết các tự làm dịu để rơi trở lại vào giấc ngủ và nằm ngủ trên giường. Mình cũng khá vất vả với Miu trong những tháng đầu tiên, khi con thường xuyên thức giấc giữa đêm, không phải vì đói và cũng không phải vì tè ướt áo. Miu cũng khóc nhè và nhất định phải đòi mẹ bế thì mới nín và mới ngủ tiếp. Và cứ khi nào mẹ vừa đặt Miu xuống giường là lại khóc toáng lên.

Kinh nghiệm của mình sau đó là, mỗi lần bé ngọ nguậy và thậm chí là khóc nhè, mình kiên quyết không bế Miu lên mà để con tự làm dịu. Tương tự với các lần kế tiếp, cho đến khi Miu học được cách tự an ủi mình và có một giấc ngủ thông đến sáng vào những đêm kế tiếp. Mẹ chồng mình lần đầu tiên thấy mình áp dụng cách này đã mắng yêu rằng: sao mẹ ác thế, con khóc không ru con? Nhưng kỳ thực, cứ phải ‘ác’ thì bé mới ngủ ngon được.
Theo Eva