Những nguyên tắc chính

 

Trẻ cần bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tránh ăn dặm quá sớm.

 Nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng nhất là khuyến khích trẻ khám phá tất cả món ăn bằng cách cho nếm thử. Từ khi 1- 7 tuổi, trẻ thường từ chối ăn các thức ăn mà chúng chưa biết. Cha mẹ không nản lòng khi thấy con tỏ vẻ không thích, mà nên tìm cách động viên chúng nếm thử các món ăn. Thành công trong việc dạy con ăn là rất cần thiết, đòi hỏi sự kiên nhẫn bởi trẻ đang phải trải qua giai đoạn của chứng sợ mới (neophobia), từ chối tất cả các món ăn mới. Luôn tận dụng mọi cơ hội, cố gắng giúp con nếm những thức ăn mà chúng chưa biết hoặc từng bỏ qua. Theo phương pháp giáo dục nhắc lại và kiên trì thì cần phải cho trẻ nếm tới 14 lần mới có thể kết luận trẻ có thích thực sự hay không.

 

 Cấu trúc lại bữa ăn gia đình

Song song với việc giúp bé khám phá thế giới dinh dưỡng, cũng cần quan tâm đến việc tạo nhịp điệu cho các bữa ăn gia đình. Tránh cho con ăn vặt giữa các bữa ăn (ăn bim bim, kẹo  và cần duy trì bữa ăn là lúc để trao đổi, đôi khi bé tiết lộ sở thích ăn trong câu chuyện. Các gia đình thời ăn nhanh coi nhẹ hậu quả của việc phá vỡ cấu trúc bữa ăn, cho con ăn bất kỳ cái gì, ở bất cứ đâu tùy thích.

 

 Dinh dưỡng lành mạnh

Cần cung cấp cho trẻ các thức ăn bổ dưỡng, nhất là trái cây và rau. Không thiên về các thức ăn giàu calo hay cho ăn quá nhiều trái cây mà bỏ qua vài trò tác dụng của các chất dinh dưỡng khác trong quá trình phát triển của trẻ. Thức ăn để dành sẵn rất quan trọng, cốc nước ép hoa quả để lạnh trong tủ sẽ giúp con bạn thêm khỏe mạnh và đầy đủ vitamin.

 

Chăm vận động

Một chế độ dinh dưỡng tốt luôn đi kèm với họat động thể chất hợp lý. Nếu ở trong nhà lâu trẻ cảm thấy buồn chán và ăn vặt liên tục, nhất là khi bố mẹ chiều theo ý thích của con cái. Đến bữa, trẻ không còn hào hứng ăn. Ngược lại, nếu hoạt động, trẻ cảm thấy đói, ăn ngon miệng và hưng phấn trước các món ăn. Một trong những nguyên nhân gây nên bệnh béo phì ở trẻ chính là sự lười vận động.

 

Các lỗi cần tránh

 Cho trẻ uống các loại nước giải khát có đường giữa các bữa ăn.

 Thiếu hoa quả trong thực đơn hàng ngày. Trong nhà lúc nào cũng cần có ít nhất một loại trái cây tươi, thường xuyên thay đổi để trẻ không chán.

Sự đơn điệu, lặp đi lặp lại, không đa dạng về món ăn cũng là nguyên nhân chán ăn ở trẻ. Có những gia đình nghiền ăn canh cua vào mùa hè, khiến trẻ chỉ nghe tên đã lắc đầu nguây nguẩy. Lại có không ít gia đình thiết lập một trật tự chuẩn như sáng rau xào, chiều canh hầm.

Mẹo nhỏ cho mẹ

 Trong khi ăn, tránh trộn lẫn thức ăn vì các trẻ có phản xạ thích chia tách tất cả.

 Không ép con khi trẻ không thích. Bạn có thể quay trở lại món ăn đó vào một dịp khác. Đừng để bữa ăn biến thành một cuộc xung đột, đầy tiếng quát của cha mẹ và sự phụng phịu khó chịu của trẻ.

 Tránh đem món ăn ra dọa hay thưởng cho trẻ: nếu ngoan mẹ sẽ cho ăn bim bim, nếu hư mẹ sẽ bắt con ăn thịt băm viên…

 Cho trẻ tham gia vào các công đoạn nấu ăn khi có thể để tạo ham muốn hiểu biết và làm việc với các đồ ăn (khi nhặt rau, gọt khoai tây, bánh ngọt). Trẻ làm quen dần với các thực phẩm, cảm thấy gần gụi với chúng.