Đối với những bệnh nhân nhi mắc bệnh hen phế quản, nếu không được điều trị kịp thời những cơn hen cấp thường dễ dẫn tới những hậu quả khó lường, đặc biệt khiến bệnh diễn biến mỗi ngày một nặng hơn.
Bác sĩ Lương Thị Liên, Khoa Dị ứng – Miễn dịch Khớp, bệnh viện nhi Trung ương cho biết: “Lượng bệnh nhân hen vào khoa miễn dịch dị ứng ngày càng tăng, bệnh nhân chủ yếu ở trong tình trạng vừa và nặng. Cơn hen cấp rất nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ, với những cơn hen cấp gia đình thường không chú ý và không phát hiện kịp thời, khi cơn hen cấp ở thể nhẹ và vừa có thể ảnh hưởng đến học tập, hoạt động và sự tập trung của trẻ. Với những cơn hen cấp nặng, nếu không được xử trí kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ”.
Những dấu hiệu của trẻ khi bị cơn hen cấp:
– Khi lên cơn hen trẻ có biểu hiện khò khè, khó thở ở nhiều mức độ khác nhau.
– Thở ra khó khăn, kéo dài.
– Thở ra nhanh hay co lõm lồng ngực.
– Mặt tỏ vẻ hoảng sợ và tư thế cho thấy trẻ không thể dịu xuống.
– Bồn chồn khó ngủ.
– Ho, đặc biệt ho nhiều vào ban đêm.
– Ra mồ hôi, da tái, thở nhanh và lỗ mũi phập phồng.
– Ói mửa và mệt mỏi.
– Có khoảng hõm giữa các xương sườn hoặc trong cổ.
Các cơn hen cấp nguy hiểm có thể làm ngừng hô hấp và khiến trẻ tử vong. Khi trẻ lên cơn hen cấp và trước đó trẻ đã được kết luận bị bệnh hen, gia đình nên có thái độ xử trí là xịt ngay Ventolin cho trẻ, sau 15 đánh giá lại vẫn thấy trẻ chưa có biểu hiện dịu lại thì xịt thêm Ventolin một lẫn nữa và đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Với những gia đình chưa được chẩn đoán là trẻ bị bệnh hen, khi thấy trẻ khó thở và có biểu hiện hen cấp, nên nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.
Cắt cơn hen rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, cơn hen diễn biến nhanh, từ cơn hen nhẹ có thể chuyển thành cơn hen vừa hoặc nặng từ 5 – 10 phút, thậm chí nhanh hơn, cho nên cắt cơn ngay lập tức sẽ làm giảm mức độ của cơn hen hay cơn hen cấp, đưa trẻ về trạng thái bình thường.