Kỳ vọng lớn lao đè nặng đôi vai con trẻ

Trẻ em không hề thay đổi, mà chỉ có kỳ vọng của người lớn là đang ngày một lớn dần. Cụ thể, trẻ đang phải đi học từ khi còn rất nhỏ, lượng thời gian trẻ dành cho trường học cũng nhiều hơn trước. Không chỉ có vậy, các bài tập, kiến thức mà trẻ học ngày nay cũng có xu hướng bị hàn lâm hóa và khó tiếp thu hơn nhiều so với độ tuổi và khả năng tiếp thu thực tế của trẻ.

Vào năm 1998, có đến 31% giáo viên kỳ vọng trẻ sẽ được học và đọc ngay tại trường mẫu giáo, cho đến năm 2010, tỷ lệ này đã tăng lên 80%. Ngày nay, hầu hết trẻ mẫu giáo đều được kỳ vọng là có thể đọc một cách thuần thục, mặc cho rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng việc thúc ép trẻ học đọc quá sớm có thể sẽ mang đến nhiều mặt tiêu cực hơn tích cực.

Trong bản báo cáo Reading in Kindergarten: Little to Gain and Much to Lose, giáo sư chuyên về giáo dục Nancy Carlsson-Paige và các cộng sự đã cảnh báo những nguy cơ có thể lường trước của việc dạy trẻ đọc quá sớm, báo cáo này đã chỉ ra rằng: “Trẻ phải tiếp thu những trải nghiệm giáo dục không phù hợp với trình độ phát triển, nhu cầu học tập và văn hóa sẽ khiến trẻ phải chịu những tổn hại lớn về mặt cảm xúc, điển hình là cảm giác không công bằng và lo lắng, bối rối.”

Người lớn chúng ta đang chỉ biết đổ lỗi

Trước những ảnh hưởng tiêu cực tác động lên con trẻ, thay vì nhận ra và điều chỉnh những vấn đề sai sót trong cách giáo dục, người lớn lại quay sang đổ lỗi cho những đứa trẻ tội nghiệp. Ngày nay, những đứa trẻ không có khả năng đọc hiểu nhanh như bạn bè cùng trang lứa sẽ mặc nhiên bị dán nhãn là chậm đọc và buộc phải tiếp thu các biện pháp can thiệp khác nhau nhằm bắt kịp với bạn bè. Ở trường học, nếu trẻ không tập trung vào bài học, thường xuyên lơ là hoặc ngọ nguậy không yên thì ngay lập tức sẽ bị  cho là rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) và phải dùng các loại thuốc điều trị tâm thần một cách rất vô lý.

Cụ thể, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra báo cáo cho thấy, có khoảng 11% trẻ em từ 4 đến 17 tuổi được chẩn đoán mắc ADHD, con số đó này đã tăng lên đến 42% trong những năm 2003-2004 đến 2011-2012. Nghiêm trọng hơn, một phần ba trong số các chẩn đoán lại xảy ra với trẻ em dưới sáu tuổi.

Không chỉ có vậy, nghiên cứu còn cho thấy trẻ phải đi học từ khi còn quá nhỏ thường được chẩn đoán có nguy cơ mắc ADHD cao hơn những trẻ được học tập với đúng lứa tuổi của mình.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi nói trẻ nhỏ đang bị ép học tập trong một môi trường nhân tạo, tách biệt khỏi gia đình trong thời gian dài và phải tuân thủ theo một chương trình giảng dạy tiêu chuẩn đầy ngặt nghèo.

Ngoài ra, phát hiện mới của các nhà nghiên cứu tại trường Y Harvard cũng cho thấy nhưng đứa trẻ bị cho là thất bại thực chất không hề kém cỏi như chúng ta nghĩ, mà chúng chỉ là vì bị người lớn đặt quá nhiều kỳ vọng không phù hợp, dẫn đến một số không thể làm quen và tiếp thu được những điều đó. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những đứa trẻ bị ép đi học từ khi còn quá nhỏ có nguy cơ cao mắc ADHD hơn so với những trẻ bình thường khác.

Phải làm gì để giúp trẻ có thể trở về với đúng lứa tuổi của mình?

Cha mẹ chẳng cần đọc các nghiên cứu của Harvard cũng có thể hiểu rằng một đứa trẻ vừa được 5 tuổi sẽ có nhận thức và khả năng phát triển khác với một đứa trẻ sắp 6 tuổi. Thay vì vui vẻ chấp nhận và thúc ép con cái học theo những chương trình không phù hợp với lứa tuổi của con, đã đến lúc cha mẹ lên tiếng, bày tỏ quan điểm và nói không với điều đó.

Tuy nhiên, các chương trình mầm non phổ cập của chính phủ dường như đang có sức hút lớn đến nỗi việc trì hoãn hoặc từ chối cho con đi học sớm có vẻ đang ngày một khó khăn hơn với phụ huynh.

Nói tóm lại, việc học hành cứng nhắc, hệ thống giáo dục ngặt nghèo khó khăn đang tạo ra rất nhiều khó khăn cho trẻ, khiến trẻ không thể có một tuổi thơ đúng nghĩa bên bạn bè, gia đình, đồng thời trẻ còn đương nhiên trở thành đứa trẻ dị tật chỉ vì không thể tiếp thu, nhồi nhét những chương trình không phù hợp lứa tuổi. Để giúp con thoát khỏi tình trạng này, thay vì sợ mình là những bậc cha mẹ đứng ngoài thời cuộc, không cho con bắt kịp xu hướng chung của xã hội, cha mẹ nên mạnh dạn nói không hoặc hạn chế cho con tham gia vào các chương trình giáo dục quá sức để con có thể có một tuổi thơ bình yên đúng với lứa tuổi của mình.