Lý tưởng nhất là một đứa bé sơ sinh nên được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời, nhưng theo thống kê thực tế nhiều phụ nữ không đạt được mục tiêu này. Phương pháp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có quyết định thời điểm bé bắt đầu ăn dặm không? Một nghiên cứu mới đây đang cố gắng tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi này.
Kết quả cuộc nghiên cứu này được xuất bản trong cuốn tạp chí chuyên đề về việc nghiên cứu và điều trị các rối loạn dạ dày và dinh dưỡng nhi khoa. Cuộc nghiên cứu này trải rộng trên năm quốc gia Âu châu và được thực hiện trên hơn 1500 trẻ sơ sinh. Sauk hi cuộc nghiên cứu kết thúc, đa số những người mẹ tham gia vào cuộc nghiên cứu đã kéo dài thời gian cho con bú và trì hoãn việc cho bé ăn dặm.
Cuộc nghiên cứu cho thấy, bình quân trẻ em được nuôi bằng sữa bột ăn thức ăn đặc sớm hơn hai tuần trẻ được nuôi bằng sữa mẹ. Và số trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa bột bắt đầu với thức ăn đặc trước bốn tháng tuổi nhiều hơn gấp hai lần so với trẻ bú mẹ. Chỉ khoảng 16% trẻ em được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ ăn thức ăn đặc trước bốn tháng tuổi so với khoảng 37% trẻ được nuôi bằng sữa bột.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc quyết định thời điểm để đưa thức ăn đặc vào chế độ ăn của bé cũng khác biệt giữa các quốc gia. Bất kể nuôi con bằng sữa mẹ hoặc bằng sữa bình, những bà mẹ người Bỉ có nhiều khả năng bắt đầu cho bé ăn thức ăn đặc trước bốn tháng tuổi hơn; trong khi đó những bà mẹ ở Đức thì không như vậy. Mặc dù lời khuyên của những nhà chuyên môn liên về thời điểm cho trẻ ăn dặm là giống nhau giữa các quốc gia, nhưng sự khác biệt giữa thời điểm quyết định cho trẻ ăn dặm chứng minh rằng các yếu tố thuộc về truyền thống, văn hóa, xã hội ảnh hưởng thời điểm dứt sữa cho con.
Bên cạnh đó, những trẻ em được nuôi dưỡng bằng sữa bột có xu hướng được cha mẹ cho ăn những thức ăn đã qua chế biến, thức ăn tổng hợp nhiều hơn những trẻ bú mẹ. Sonia Schiess, tác giả cuộc nghiên cứu, làm việc tại bệnh viện nhi, thành phố Munich giải thích: “Những người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thích cho trẻ ăn thức ăn bình thường hơn là sản phẩm đã qua chế biến hoặc bán chế biến. Trong khi đó, những người mẹ nuôi con bằng sữa bột đã quen sử dụng sản phẩm dinh dưỡn được bán sẵn trên thị trường, vì thế họ cũng sẽ dùng những thực phẩm đã qua chế biến được bày bán sẵn vào bữa ăn dặm cho trẻ”.
Các chuyên gia dinh dưỡng ở các quốc gia, WHO và kể cả UNICEF, đều nhất trí về lời khuyên: “Hãy nuôi con bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời”.
Việc cho ăn thức ăn đặc sớm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh béo phì cũng như dị ứng thức ăn ở trẻ. Việc kéo dài thời gian cho con bú sữa mẹ chính là để hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian trưởng thành. Một khi hệ miễn dịch của trẻ đã hoàn chỉnh thì việc chuyển tiếp sang chế độ ăn dặm với thức ăn đặc sẽ dễ dàng hơn nhiều cho cả mẹ và bé.