Các chuyên gia cũng đưa ra một số điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn dặm dưới đây các mẹ hãy tham khảo nhé!

1. Trẻ trong giai đoạn ăn dặm cần bao nhiêu năng lượng?

Trẻ trong năm đầu tiên có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Vì thế năng lượng cần thiết cho trẻ phát triển cũng tăng lên nhanh theo từng tháng tuổi.

Một ngày, đối với một em bé 6 tháng tuổi cần khoảng 700 kcal, còn với trẻ một tuổi sẽ cần khoảng 900-1000 kcal. Trong khi một lít sữa mẹ hoặc sữa công thức thường cung cấp khoảng 670 kcal. Bên cạnh đó, trẻ cũng còn cần thêm nhiều vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm… mà sữa mẹ không cung cấp đủ. Do đó trẻ cần những thức ăn có thể cung cấp nhiều năng lượng hơn là sữa..

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyên nên cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi 6 tháng tuổi song song với việc bú mẹ.

2. Vitamin, khoáng chất cần thiết cho trẻ ăn dặm

Calorie: Là đơn vị đo năng lượng có chứa trong thức ăn.Theo tỉ lệ trọng lượng cơ thế, trẻ cần lượng calorie nhiều gấp 2,5 – 3 lần so với người lớn và chất tinh bột là nguồn calorie chính yếu.

Protein (chất đạm): So với người lớn thì nhu cầu về protein của trẻ lớn gấp 3 lần(theo tỉ lệ trọng lượng cơ thể).

Vitamin: Là chất thiết yếu cho sức khỏe, các bậc phụ huynh nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có cần bổ sung thuốc bổ sinh tố kịp thời cho trẻ không.

Khoáng chất: Can-xi, phốt-pho, ma-gie cần thiết cho sự tăng trưởng xương và cơ bắp. Trẻ sinh ra đã có lượng chất sắt (Fe) dự trữ  đủ dùng trong 4 tháng. Qua thời gian đó, các bố mẹ cần cung cấp sắt cho trẻ trong các bữa ăn hoặc thuốc bổ.

3. Những điều nên và không nên khi cho trẻ ăn dặm

– Nên:

+ Chọn những thực phẩm tươi ở các cửa hàng thực phẩm sạch, mua ngày nào dùng hết ngày đó.

+ Trái cây và rau dùng ngay sau khi mua về, không nên để qua ngày.

+ Nấu chín rau củ với một ít nước hoặc hấp giúp giữ được các vitamin trong quá trình đun nấu.

+ Nấu chín kỹ thức ăn: các, thịt, trứng…

+ Đối với trẻ ăn dặm, bữa ăn bổ sung đầy đủ bốn nhóm thức ăn bao gồm: nhóm bột, nhóm chất đạm, nhóm béo, nhóm rau và trái cây.

– Không nên:

+ Cho bé ăn thức ăn thừa.

+ Đun nấu quá lâu rau củ (vì sẽ hủy hết vitamin).

+ Để thức ăn nguội mới cho vào tủ lạnh (Khi chế biến thức ăn với khối lượng lớn, không để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh vì vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi. Hãy đặt thức ăn nóng vào đĩa lạnh, đậy lại và cho vào tủ lạnh)

+ Dùng nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, bơ).

+ Dùng nhiều muối, đường.

+ Khi bé mới tập ăn, không nên cho bé ăn lòng đỏ trứng, phô-mai mềm, đậu phộng tán nhuyễn sẽ làm bé dễ bị sặc.