1. Nói chuyện với con đi mẹ

Tâm trạng của bé: Hoạt bát và vui vẻ.

Bé tập trung và thích thú tương tác với mẹ. Bé chú ý tới mẹ, ít đùa nghịch và nhìn chăm chăm vào khuôn mặt của mẹ. Một em bé trong tâm trạng này khao khát muốn được mẹ trò chuyện và hỏi han.

“Tôi luôn biết khi nào con gái tôi muốn giao tiếp với mẹ. Đó là khi bé ngồi xuống, mỉm cười và dõi theo mẹ xung quanh phòng” – Leanne (mẹ của Alex, 4 tuổi và Ellissia, 5 tháng) chia sẻ.

Cách phản ứng của mẹ: Mẹ có thể bày các trò chơi để kích thích các giác quan cho bé. Bắt đầu đặt bé nằm dưới thảm chơi. Hoạt động này kích thích phần não kết nối giúp phát triển phối hợp tay mắt cho bé và xây dựng các cơ bên trong và quanh mắt. Sau đó, hãy đọc cho con – hoạt động giúp phát triển vùng ngôn ngữ trong não bé. Nếu bé dưới 3 tháng, lần lượt cho bé chơi ở thảm rồi mới đọc sách; nếu bé lớn hơn, hãy kết hợp cả hai hoạt động cùng lúc.

2. Con buồn ngủ rồi

Trạng thái của bé: Ngáp, lờ đờ.

Lờ đờ sẽ tới ngay trước cơn buồn ngủ hoặc ngay sau khi bé thức giấc. Đôi mắt bé nhìn nặng trĩu và bé nhìn vào khoảng không nhưng chẳng tập trung.

Jenny (27 tuổi ở London) biết khi nào con gái 7 tháng của mình lờ đờ, muốn ngủ một giấc ngắn: “Bé hơi quấy và không quan tâm khi tôi cố bày trò chơi hoặc đọc cho bé. Bé cũng bắt đầu dụi mắt và đưa ngón tay cái vào miệng để mút”.

Cách phản ứng của mẹ: Nếu bé ăn ngủ có giờ thì không quá khó để bạn đoán khi nào bé mệt và muốn ngủ. Trước khi bé chuyển sang trạng thái lơ mơ ngủ, bạn nên cho bé ti mẹ một chút trong căn phòng tối và nhẹ nhàng hát ru cho bé để bé có cảm giác được trấn tĩnh, giúp ngủ ngon.

Con buồn ngủ rồi mẹ ạ!

3. Con đang mơ ngủ

Trạng thái của bé: Ngủ không say.

Ở trạng thái ngủ chưa say, bé có thể cười mỉm, đột ngột mở mắt hoặc bạn vẫn nhìn thấy tròng mắt của con trong mi mắt khép hờ. Đây còn được gọi là trạng thái ngủ chuyển động mắt (REM – rapid eye movement). Trong suốt quá trình này, bé sẽ mơ hoặc nhớ lại những gì bé học được trong ngày. Đây cũng là thời gian bé tạo thành những kỷ niệm và ký ức trong bộ não của bé.

Lúc này, bé dễ dàng bị tỉnh giấc và thường đột ngột giật mình, cử động chân tay và có thể lại tỉnh giấc.

Cách phản ứng của mẹ: Bạn không cần làm gì nhiều khi bé đang lơ mơ ngủ. Nếu bé tỉnh giấc sau 15 phút hoặc bị giật mình liên tục khiến tỉnh giấc thì bạn nên quấn cho bé, giúp bé ngủ ngon hơn.

4. Đừng làm phiền con

Trạng thái của bé: Ngủ sâu.

Sau giai đoạn ngủ lơ mơ, bé sẽ chìm vào giấc ngủ sâu. Bé không còn khép hờ mí mắt mà đóng chặt mí mắt và khó đánh thức. Trạng thái này là rất cần thiết vì đây là thời gian cho các hormone giải phóng giúp bé phát triển.

Cách phản ứng của mẹ: Mẹ nên tạo cơ hội để bé ngủ sâu và co giãn cơ thể thoải mái.

Đừng làm phiền con nhé!

5. Con khó chịu quá

Trạng thái của bé: Khóc.

Khi bé khó chịu hoặc có quá nhiều tiếng ồn tác động tới bé, bé sẽ khóc và ưỡn (uốn) người quấy.

Cách phản ứng của mẹ: Bạn cần làm dịu các giác quan cho bé bằng cách dỗ bé, tách bé khỏi những kích thích bên ngoài. Bạn cũng cần nhận ra các “chỉ báo” kèm theo tiếng khóc như khi bé đói, mệt, cần thay bỉm, không thoải mái… Từ đó mới có cách dỗ bé nín thích hợp.

Có thể làm bé ngưng khóc bằng những hoạt động nhẹ nhàng như địu bé rồi đong đưa, cho bé nằm nôi và đưa nôi, bế bé ngồi trên ghế bập bênh, cho bé mút ti giả hay ti mẹ, đặc biệt những khi bé quá buồn chán để có thể tự làm mình trấn an.

6. Con muốn thay đổi khung cảnh

Trạng thái của bé: Hoạt bát, năng động.

Ở trạng thái này, bé sẽ đá chân và chuyển động cơ thể một cách háo hức và nhanh nhẹn. Thậm chí bé còn có những cử chỉ rõ ràng hơn như giang tay đòi bế, chỉ tay ra ngoài…

Cách phản ứng của mẹ: Nếu không được mẹ đáp ứng, bé sẽ trở nên ương bướng. Nếu bé không thoải mái hoặc bị đói, thử đánh lạc hướng bé bằng cách kích thích những giác quan mới như cho bé xem thảm chơi (kích thích thị giác) hoặc thử cho bé tới chỗ nào khác và chơi âm nhạc (kích thích thính giác).

Theo – Mẹ & Bé