Trẻ thường tìm cách trì hoãn khi buộc phải làm điều chúng không thích. Nếu biết cách, bạn sẽ làm bé thay đổi thái độ ngay thôi. Nhiều bà mẹ trẻ cảm thấy bối rối khi yêu cầu con gội đầu, đánh răng, tắt TV, chơi một mình hoặc chia sẻ đồ chơi với bạn… mà chúng vẫn trơ trơ.

Bạn đừng vội quy kết rằng bé không ngoan hoặc cứng đầu cứng cổ. Có thể do bạn chưa biết cách bảo con đấy thôi.

Chỉ cần một chút khéo léo và tinh tế, bạn có thể nhanh chóng giúp bé cưng cảm thấy thích thú với những việc mà trước nay chúng chúa ghét.

Tắt TV

Bạn nên quy định thời gian xem TV của bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể giao hẹn với trẻ: “Con chỉ xem một chương trình thôi nhé”. Không nên cho bé ngồi ăn trước TV.

Hãy giao cho bé nhiệm vụ tắt TV sau khi xem xong. Bạn cũng có thể khuyến khích bé bằng những phần thưởng nho nhỏ mỗi khi bé tự giác tắt TV.

Gội đầu

Hãy hướng dẫn con áp mặt xuống chiếc khăn bông, hai tay giữ hai bên thái dương, để nước không chảy vào mắt bé khi bạn xối nước.

Bạn có thể tạo hình những con thú ngộ nghĩnh bằng bọt xà phòng gội đầu và cho xem qua chiếc gương để bé hình dung chúng đẹp như thế nào. Sau đó, bạn hãy để bé thử trổ tài “điêu khắc” của mình. Chắc hẳn trẻ sẽ rất vui với tác phẩm ấy.

Trẻ con rất thích tham gia các trò chơi. Bạn hãy kéo bé vào cuộc thi hấp dẫn để lập kỷ lục “gội đầu nhanh”. Khi tính thời gian, hãy đếm thật to và ghi lại vào sổ tay để bé phá vỡ kỷ lục trong lần gội đầu sau.

Thay vì bảo: “Đến lúc con phải đi gội đầu”, bạn có thể nói: “Đã đến giờ mẹ con mình đi spa rồi” để tạo hứng khởi cho bé.

Để bé chia sẻ đồ chơi với bạn

Nếu có điều kiện, bạn hãy mua gấp đôi số lượng mỗi món đồ chơi, chẳng hạn hai chiếc xe hơi, hai búp bê. Khi con tự giác chia sẻ đồ chơi với bạn bè, đừng tiếc lời khen và tán thưởng chúng.

Bảo trẻ chọn vài món đồ chơi yêu thích, sau đó bạn cất vào ngăn tủ, khóa lại và không cho ai đụng đến (kể cả bé). Điều này giúp con bạn nhận thấy, khư khư giữ rịt đồ chơi cho riêng mình là chẳng hay chút nào.

Chơi một mình

Nếu thấy con đang ngồi chơi một mình, bạn hãy khuyến khích, động viên rằng bé rất ngoan và đã trở thành người lớn.

Bạn hãy xếp khoảng 5-10 món đồ chơi trong một khu vực nhỏ của phòng bé. Sau đó, bảo con chơi lần lượt với từng món để chọn ra loại đồ chơi bé thích nhất. Bạn cũng có thể dựng cho trẻ một “pháo đài” và đặt vào đó thật nhiều đồ chơi.

Trẻ rất thích chui ra chui vào lãnh địa riêng của mình. Chúng sẽ tự bày ra nhiều trò chơi và nhờ thế quên mất việc không có mẹ bên cạnh.

Bé ở với cô trông trẻ

Trước tiên, hãy để các bạn đồng lứa cho bé biết cảm giác ở nhà với cô bảo mẫu cũng thú vị.

Bạn cần cho con biết người sẽ chăm sóc chúng khi mẹ vắng nhà. Lý tưởng nhất là giao bé cho người quen. Hãy giúp trẻ yên lòng với câu như: “Sau bữa tối, cô Hiền sẽ đọc truyện, hát cho con nghe, giúp con chải răng, rồi cô sẽ canh cho con ngủ” hoặc: “Tối nay cô Hiền sẽ ăn tối cùng con trong khi bố mẹ đi vắng. Con có muốn ăn món gì đặc biệt không?”…

Chải răng:

Bạn hãy “dụ khị” bé hướng dẫn cô bạn búp bê hay anh chàng siêu nhân cách chải răng thật sạch.

Trước tiên, bạn phải chải răng cho con làm mẫu, sau đó để bé thực hành chải răng cho bạn đồ chơi.

Thay vì gọi việc vệ sinh răng miệng là chải răng, bạn hãy đặt tên mới: Tô màu cho những chiếc răng xinh. Hỏi xem bé thích răng mình có màu gì và giả vờ như đang tô màu cho chúng.