“Con ghét em!”

“Dạo gần đây con trai lớn của mình hay theo hỏi: ‘Mẹ có thương con không?’, ‘mẹ thương con bằng em không?’, rồi có khi bé còn giận dỗi ‘con không ngủ với mẹ nữa đâu, con không cần mẹ’, ‘con ghét em’… làm mình rất khổ tâm. Mình đã nói chuyện với con rất nhiều nhưng con không có vẻ tin tưởng, luôn cáu gắt với em và giận dỗi với cha mẹ,” chị Phương Trân nhà ở Tân Phú cho biết.

“Mình đã đọc, tìm hiểu và nói chuyện với con nhiều trước khi bé sau ra đời để chuẩn bị tâm lý. Ban đầu có vẻ cũng tốt lắm, con chấp nhận vui vẻ. Nhưng dạo gần đây, khi bé sau gần tròn tuổi, con trai lớn của mình cũng bỗng tỏ ra sợ bị mẹ bỏ rơi. Bé không chịu ngủ riêng nữa, cứ tối đến là năn nỉ được ngủ với mẹ; nếu không cho, bé sẽ khóc thút thít thấy thương lắm. Rồi bé không còn nhường đồ chơi cho em, em lại gần thì xô ra rất mạnh bạo,” chị Ngọc An, Thủ Đức, chia sẻ.

Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô xuân Điệp cho biết, ông đã nhận được rất nhiều ca chữa trị khủng hoảng tâm lý cho trẻ ở hoàn cảnh này. Đứa trẻ đang là trung tâm của sự yêu thương và quan tâm, đột nhiên trong nhà xuất hiện 1 “trung tâm” khác thu hút mọi hướng quan tâm thì trẻ cảm thấy hụt hẫng, ganh ghét với em là chuyện bình thường. Nhiều trẻ tỏ ra giận dữ khi nhắc đến em, chỉ thích làm trái ngược ý cha mẹ, cố tình phá hỏng đồ trong nhà, thường xuyên tè dầm hoặc thậm chí ị đùn.

Vì sao trẻ rơi vào tâm lý này?

TS. Điệp cho biết hiện tượng trẻ ganh ghét với em, cố chứng tỏ mình để được chú ý… là biểu hiện bình thường của phát triển tâm sinh lý, nhằm để lấy lại sự chú ý, yêu thương, nuông chiều từ cha mẹ. Bình thường, sự cạnh tranh rất tốt cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ cố gắng để tốt hơn, giỏi hơn; nếu không có cạnh tranh trong gia đình thì mới là có vấn đề. (Tuy nhiên mức độ cạnh tranh cần đi đúng hướng, vừa phải, cạnh tranh 1 cách thái quá sẽ dẫn đến tiêu cực.)

Bị đối xử không công bằng. Em bé nhỏ hơn dĩ nhiên được ôm ấp, yêu thương hơn; anh/chị lớn rồi thì lại không cần quan tâm quá nhiều nữa. Khi em bé làm vỡ đồ, ị đùn, tè bậy… thì cha mẹ coi là bình thường; anh/chị lớn làm sai thì bị mẹ “soi”. Và điều này càng làm trẻ bị ức chế.

Bố mẹ hay so sánh. Những câu nói vô tình, kiểu như “xem em có ngoan hơn con không này?”, hay “em chẳng quăng đồ chơi lung tung như con”, “em có khóc nhè như con đâu chứ”… sẽ khắc sâu trong trí nhớ của trẻ, làm trẻ ngày càng mặc cảm, xa cách với bố mẹ và càng “ghét” em hơn.

Văn hóa nhường nhịn. Chúng ta hay có lối suy nghĩ anh lớn thì phải nhường nhịn em, nhường từ trong cư xử lẫn với đồ dùng đồ chơi. Như vậy rõ ràng 1 trẻ đang bị tước đoạt bớt “quyền lợi”, 1 trẻ thì nghiễm nhiên được quá nhiều. Điều này tạo ra sự ức chế ở đứa con lớn và làm cho tâm lý trẻ càng khủng hoảng nghiêm trọng hơn.

Làm xấu để tạo sự chú ý. Bình thường cha mẹ có xu hướng chê bai/la rầy khi con làm sai, làm không vừa ý nhưng khi con làm tốt thì lại ít quan tâm, bởi cho rằng đó là điều hiển nhiên. Đây là 1 nghịch lý rất thường gặp. Trẻ sẽ nhận ra và nắm bắt điều này ở ba mẹ rất nhanh. Khi em bé ra đời, trẻ đang bị mất thế độc tôn, mất sự quan tâm nuông chiều vì thế cần tạo sự chú ý ở ba mẹ. Và rõ ràng khi cách “tốt hơn lên” không hiệu quả nhiều thì trẻ sẽ càng có xu hướng làm xấu nhiều hơn, quậy phá hơn, chọc ghẹo em nhiều hơn nhằm để lôi kéo sự chú ý.

Cha mẹ nên làm gì?

Theo tiến sĩ Ngô xuân Điệp, qua thời gian lâu dài, có thể trẻ sẽ tự vượt qua được, nhưng rõ ràng, trong ký ức và tâm lý trẻ phần nào sẽ có khiếm khuyết, khiến trẻ sống ích kỷ hơn, kém hòa nhập hơn… Vậy nên cha mẹ cần sớm có ý thức thay đổi cách đối xử với con, TS. Điệp gợi ý vài cách sau:

– Cha mẹ tập cách đối xử công bằng cho cả hai con, đứa lớn đặt trách nhiệm lớn, đứa bé có trách nhiệm bé. Dù thế nào cũng cho các con thấy chúng được đối xử công bằng, không ai được ưu ái hơn. Nếu có những thứ không thể công bằng: ví dụ em bé được mẹ ôm ấp, ru ngủ thì cha mẹ cần bù đắp cho con lớn bằng những cái ôm, nụ hôn, lời hỏi han ân cần…

– Giao cho con lớn trách nhiệm cùng chăm sóc em, bày cho con cách chơi với em, lau sữa cho em, vịn bình sữa cho em bú, cùng giúp mẹ đẩy xe em đi dạo chơi… Điều này tạo cho trẻ cảm giác tự tin với vai trò làm anh/chị quan trọng của mình. Trẻ sẽ không cần cạnh tranh mà vẫn có “thế đứng” tốt.

– Điều chỉnh và hướng sự cạnh tranh của con phát triển theo chiều hướng tốt hơn, nghĩa là để con cố gắng thể hiện mình theo chiều hướng tích cực. Ví dụ, “em hay khóc nhè, con có thể làm tốt hơn là con chẳng bao giờ khóc vì con lớn rồi”…- Nói chuyện và quan tâm đến con nhiều hơn.

– Hạn chế sinh hai trẻ sinh quá gần nhau, vì trẻ cách nhau dưới 5 tuổi thì mức độ cạnh tranh càng cao đấy.