Nhiều bà mẹ nói, việc khiến họ áp lực hơn cả công việc ở cơ quan là cho con ăn vì công việc nhiều mấy cố gắng làm cũng xong còn việc con lười ăn thì là vấn đề muôn thuở. Con chưa ăn xong bữa sáng đã gần đến bữa trưa, vừa ăn xong bữa trưa cũng đã sắp chiều tối… Để “trị” chứng biếng ăn này của con, nhiều mẹ chọn cách “bỏi đói vài bữa, đói là phải ăn”.

T âm sự của  mẹ Thu Thủy (SN 1989, trú tại Đông Sơn, Thanh Hóa) : “Với kiểu lười ăn của con là phải cứng rắn ngay từ đầu. Con không chịu ăn cháo, bột, cơm là mình cho nhịn luôn. Nhịn nhưng con vẫn bú mẹ, uống sữa ngoài đúng cữ. Theo mình, khi con bắt đầu ăn dặm, mẹ nên mua ghế ngồi ăn dặm cho con và cho con ăn đúng giờ giấc. Bé nhà mình ngồi ghế cũng được gần 2 năm rồi, giờ xuống bà ngoại không có ghế nhưng vẫn ngồi 1 chỗ ăn, lúc về cho ngồi lại vẫn ngồi. 1 tuổi, con ăn cơm hạt ngon lành, đến giờ ăn chỉ 1 mẹ 1 con, ông bà thích nói trời đất gì thì kệ, đến giờ vẫn rất ưng cách ăn uống của con, chứ mình chứng kiến con của chị hàng xóm, 8 tháng tuổi rồi mà cả nhà hát múa hơn tiếng mà không ăn nổi nửa bát cháo, ăn là cứ đợi con khóc rồi è cổ ra đút, sợ quá đi mất. Nên khi cho con ăn, mọi người cứ cứng rắn đi. Trước mình cũng cho con nhịn 2 ngày, ngày thứ 3, trông thấy con hàng xóm ăn mà con đói, con thèm, lân la đến chỗ con hàng xóm há mồm đòi ăn. Từ đó, con cũng không dám từ chối ăn nữa”.

Trị biếng ăn ở trẻ

Cũng thực hiện biện pháp cứng rắn “cho nhịn ăn” để “trị” thói biếng ăn của con nhưng chị Đặng Trang (trú tại Hải Phòng) lại không thành công. Chị Trang kể: “Con mình giờ được 18 tháng. Khi mới ăn dặm, con cũng hợp tác lắm. Hai mẹ con ngồi ăn với nhau, con ngồi ghế ăn ngon lành nhưng cứ có người thứ 3 là con không tập trung ăn. Đến khi con hơn 1 tuổi, mình thay cháo hạt bằng mỳ, phở, bánh mỳ nhưng đỉnh điểm đến lúc 15 tháng, con không chịu ăn, cứ ngậm mãi trong mồm rồi lắc đầu, cứ cố đút vào lại nhè ra. Mình cũng phân chia thời gian biểu cho con, ăn đúng cữ nhưng con vẫn lười ăn. Tình trạng đó cứ kéo dài hàng tháng rồi mình thấy các mẹ thực hiện phương pháp cho con nhịn ăn đến khi đói, thèm ăn thì thôi nhưng con mình nhịn 1 ngày mà vẫn không ăn, chơi quên đói, quên bữa luôn. Lúc đói quá thì đòi uống sữa chứ không chịu ăn cơm, ăn cháo. Bây giờ con hơn 18 tháng, vẫn lười ăn làm mình áp lực, căng thẳng lắm. Sáng hôm nào mình cũng dậy sớm hì hục nấu nướng nhưng con chỉ ăn được một bữa. Đến lớp cũng không chịu ăn, chỉ đòi uống sữa. Các cô bảo cũng hết cách với con mình rồi mà ngày không ăn nên đêm con đói lại gào khóc, ngủ không ngon… Lúc đó, mình lại càng căng thẳng, nhiều hôm phát khóc”. Không chỉ có chị Trang, chị Thủy mà trên nhiều diễn đàn làm cha, làm mẹ, các bậc phụ huynh cũng “kêu oai oái” vì con lười ăn dù đã cố gắng hết sức dỗ dành, dùng đủ biện pháp.

Trị biếng ăn ở trẻ

Trước vấn đề này, Thạc sĩ, BS Doãn Thị Tường Vi- Phòng khám Dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, từ khi bé bắt đầu ăn dặm, nguyên tắc ăn bổ sung cho bé phải chế biến bột hoặc cháo từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, thay đổi các món thường xuyên. Trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, bộ máy tiêu hóa của bé cũng phải hoàn thiện dần, bé ăn gì cũng phải có quá trình làm quen dần với thức ăn mới. Trước bữa ăn chính, bé phải đảm bảo không buồn ngủ, vệ sinh sạch sẽ, không bị mất tập trung, không ăn vặt, đồ ngọt trước đó để tránh ngang dạ, no không ra no, đói không ra đói.

Để có thể khắc phục, thay vì cố ép con ăn, các mẹ nên giãn khoảng cách giữa 2 bữa lâu hơn một chút chứ không nên cho nhịn hẳn, mất bữa. Các mẹ cũng có thể cho bé chơi, hoặc dắt bé đi bộ cho bé vận động, có cảm giác đói. Mặt khác, các mẹ nên kích thích con ăn bằng những món con thích hay khi con mệt thì mẹ chế biến thức ăn lỏng hơn vì con sẽ lười nhai. Các mẹ nên chế biến món ăn có màu sắc đẹp của thức ăn để hấp dẫn bé. Khi bé ăn dù số lượng ít cũng được, nên động viên khuyến khích bé. Ngoài ra, việc bổ sung các vitamin và khoáng chất, men tiêu hóa là cần thiết nhưng cần có sự tư vấn của bác sĩ, tránh hiện tượng dùng tràn lan đôi khi lại dẫn đến tác dụng không tốt.

Theo VietBao.vn