Bạn nên xin lỗi khi bạn làm gì đó sai. Thậm chí đừng e ngại phải xin lỗi cả em bé mấy tháng tuổi nhà bạn. Đi kèm với đó là giải thích để bé hiểu tại sao mẹ lại phải xin lỗi. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà bạn có thể đưa ra những lý do xin lỗi dễ hiểu. Điều này giúp trẻ dần hiểu khi nào một lời xin lỗi là cần thiết.

Dạy con điều đúng từ lỗi sai của con

Nếu trẻ đã làm sai, bố mẹ nên bình tĩnh phân tích cho con thấy hậu quả từ việc làm của mình. Nên giả sử đặt trường hợp con bị đối xử như thế thì sẽ cảm thấy sao? Hãy hướng dẫn con suy nghĩ theo hai chiều để trẻ có thể tự cảm nhận được lỗi sai của mình và chủ động xin lỗi. Việc tự giác luôn tốt hơn là cách làm đối phó hay ép buộc, và quan trọng là con phải rút ra được bài học sau khi xin lỗi.

Hướng dẫn con cách nói lời xin lỗi

Tất nhiên sẽ xảy ra rất nhiều trường hợp và đòi hỏi cách xin lỗi như thế nào cho phù hợp, nhưng trước tiên bố mẹ cần dạy con xin lỗi bằng sự chân thành và hối cải. Lời nói rõ ràng kèm ánh mắt hối hận trước người cần được xin lỗi cũng là điều cần thiết.

Bạn cũng có thể để bé sang một bên, trò chuyện với bé và giúp bé tìm từ để nói trong trường hợp bé có lỗi như “Con buồn vì đã làm hư đồ chơi của em”, “Con không cố ý làm bể ly”… thay cho lời xin lỗi.

day-be-noi-loi-xin-loi

Dạy bé xin lỗi chân thành

Cần giảng giải về lỗi của bé để bé chịu nhận lỗi chứ không phải một lời xin lỗi lấy lệ, không xuất phát từ trái tim. Chẳng hạn, bé cần nhìn thẳng vào người đối diện, nói xin lỗi rõ ràng và chân thành.

Khen ngợi khi con biết nói lời xin lỗi

Hãy khen ngợi trẻ khi chúng dám nói ra sự thật về bản thân. Những câu đại loại như “Con rất dũng cảm, biết nhận lỗi như thế là đã lớn”. Đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ.

Trong những trường hợp khác nhau, tất nhiên không phải lúc nào cũng ngợi khen nhưng khi trẻ có ý muốn ‘tự thú’ cho dù chúng “bóng gió” thì bố mẹ hãy tỏ ý cho trẻ biết rằng nói thật là điều nên làm hơn.

Dạy bé những trường hợp giả định

Cùng bé chơi những hoạt động giả định, ví dụ nếu bé giẫm vào chân mẹ và hỏi xem lời xin lỗi của bé trong hoàn cảnh này là cần thiết hay không.

day-be-noi-loi-xin-loi

Tấm gương sáng cho con bằng cách nói lời xin lỗi

Các con rất hay quan sát và bắt chước cha mẹ, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hằng ngày vì thế các bậc cha mẹ hãy biết làm gương cho con. Trẻ nhỏ rất tinh ý khi bố mẹ dạy chúng một bài học nhưng lại không làm điều đó. Cho dù đó chỉ là một lỗi nhỏ thì bố mẹ cũng hãy nói xin lỗi đúng lúc để trẻ thấy được đây là việc nên làm.

Nếu con tỏ ra bối rối hay hỏi tại sao lại phải làm điều đó thì hãy giải thích cho trẻ. Giải thích tình huống với cách diễn đạt phù hợp với độ tuổi của bé cũng như lý do tại sao bố mẹ cần phải làm như vậy. Trẻ học được nhanh chóng nhất qua chính tấm gương chúng thấy hằng ngày.

Dạy con biết nói lời “xin lỗi” không phải là việc khó nhưng cần sự kiên trì nhẫn nại và tinh tế từ cha mẹ. Qua việc giáo dục trẻ những điều này, chúng ta cũng giúp trẻ gián tiếp thể hiện tình cảm đối với cha mẹ và mọi người xung quanh. Đó là điều rất cần thiết trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.