Trẻ thường có thói quen ăn vạ, đánh người lớn khi phật ý
Đặc tính của trẻ là khi không vừa ý điều gì là khóc và vung tay đánh bất kỳ ai ở gần và các ông bố bà mẹ luôn phải dỗ dành thuận theo ý của trẻ với suy nghĩ con còn nhỏ, chưa biết chuyện, lớn lên sẽ đổi tính. Nhưng nào ngờ “chứng nào tật nấy”, lớn lên con không thay đổi theo hướng tích cực mà càng lúc càng quá quắt hơn.
Mẹ bận rộn công việc, nhờ bà ngoại chăm con. Bà yêu chiều cháu hết mực, lúc nào cũng nhỏ nhẹ nhưng càng nuông chiều thì cháu càng làm nư. Hôm qua, trong lúc bà ngoại đang lui cui dọn cơm chiều dưới bếp, bà gọi con xuống ăn cơm. Gọi mãi chẳng nghe con thưa gửi nên bà phải lên phòng con. Thấy con ngồi chơi đồ chơi, bà đã tiện tay dọn mô hình lego của con qua một bên và thúc con mau xuống ăn cơm kẻo nguội. Không nói không rằng, con vung tay lên đánh bà vì cho rằng bà làm hư đồ chơi của con! Vừa lúc mẹ về tới, thấy con đánh bà nên đã phạt con phải khoanh tay úp mặt vào tường và không cho ăn tối để sau này cứ tới giờ cơm con tự giác xuống ăn, không cần bà nhắc nhở. Khỏi phải nói, con chẳng những không nhận hình phạt mà còn khóc lóc quăng đồ chơi tung tóe ra nhà. Mẹ quá giận trước hành vi hỗn xược, không biết hối lỗi của con nên đã thẳng tay đánh vào mông con và lớn tiếng mắng con hỗn láo, vô giáo dục!
Con giận và đau nên càng khóc lớn hơn. Bà ngoại chỉ biết đứng im mà xót cháu. Mẹ thì cứ la mắng đùng đùng không còn kiềm chế được. Cả nhà được một phen loạn lên.
Nếu bạn gặp trường hợp như trên sẽ xử lý thế nào?
Lúc nhỏ trẻ quen được nuông chiều nên không tránh khỏi những lúc hỗn hào, xô đẩy hay đánh người lớn. Tuy nhiên nếu mẹ đánh lại bé thì đã vô tình “đổ thêm dầu vào lửa”. Trong trường hợp này, thay vì la mắng, đánh trẻ, mẹ nên kiềm chế cảm xúc và dạy con nhận biết hành vi đúng – sai: Con đang mải chơi, bị cắt ngang nên cáu nhưng đến giờ cơm, con phải ăn cơm và đánh bà ngoại là sai, lần sau không được hành động như vậy. Con hãy xin lỗi bà đi.
(Theo webtretho)