Là mẹ, ai cũng muốn làm những điều tốt nhất cho con mình. Lựa chọn phương pháp ăn dặm này hay phương pháp ăn dặm khác, Tây hay Ta, Nhật hay Việt, truyền thống hay hiện đại… đều không phải do mẹ lười, mẹ chăm, mẹ thiếu hiểu biết hay mẹ hiểu biết. Mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Điều quan trọng là, bằng cảm nhận của một người mẹ, ta sẽ tìm ra phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho con yêu của mình.

Cùng đem lên bàn cân 3 phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay là : Ăn dặm truyền thống (ADTT), Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) và Ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning – BLW) để xem đâu sẽ là phương pháp thích hợp nhất cho cả mẹ và bé.

1. Phương pháp ăn dặm truyền thống

Đây là phương pháp đã phổ biến lâu đời tại Việt Nam. Lúc bắt đầu ăn dặm, bé sẽ ăn bột xay chung với thức ăn rau củ, thịt, cá nhuyễn. Đến khi mọc răng, bé sẽ chuyển sang ăn cháo kèm với thức ăn xay nhuyễn.

phuong-phap-an-dam-dung-chuan-cho-be

Ưu điểm:

– Bé có thể ăn với số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu tập ăn, bé có thể tăng cân tốt khi mới tập ăn.

– Thức ăn được xay nhuyễn nên không gây hại cho hệ tiêu hóa của bé.

– Chế biến đơn giản, không mất thời gian quá nhiều, phù hợp với những bà mẹ quá bận rộn.

– Dễ được sự chấp nhận và ủng hộ của gia đình (nhất là các bà).

Nhược điểm:

– Ăn nhiều thức ăn nhuyễn làm giảm khả năng ăn thô của bé, dẫn đến phản xạ nhai và nuốt cho bé kém hơn.

– Nấu chung nguyên liệu khiến bé khó cảm nhận mùi vị, từ đó sinh chán ăn, biếng ăn, dễ kén chọn thực phẩm sau này.

– Món ăn nhiều nguyên liệu nên bố mẹ không phát hiện được bé bị dị ứng với loại thức ăn nào.

– Bé ăn với số lượng nhiều và quá nhiều chất đạm sẽ không hấp thụ hết và dễ bị đi ngoài hoặc táo bón.

– Không chủ động và tạo thú vui trong ăn uống, đồng thời tạo thói quen không tốt như vừa ăn vừa đi rong, vừa ăn vừa chơi, xem tivi….

2. Phương pháp ăn dặm tự bé chỉ huy

Đây là phương pháp cho bé tự quyết định cả quá trình ăn của mình ngay từ khi bắt đầu. Bố mẹ chỉ quyết định loại đồ ăn và bé là người sẽ quyết định ăn như thế nào và ăn bao nhiêu. 

Cha mẹ không cần phải lo lắng trẻ thiếu chất nếu áp dụng phương pháp ăn dặm này vì nguồn thức ăn chính của trẻ vẫn là sữa.

Ưu điểm:

– Cho phép bé tự trải nghiệm chế độ ăn và hương vị phong phú, đa dạng giúp bé làm quen với thực phẩm nhanh hơn và ít tốn kém hơn.

– Giúp bé ăn một cách tự nhiên và phát triển nhiều kĩ năng cho bé:

– Cách kiểm soát thức ăn với hình dạng và kích cỡ khác nhau, với cấu trúc khác nhau giúp bé nhanh chóng học được cách sử dụng lưỡi.

– Bé tập nhai sớm giúp phát triển các cơ mặt cần thiết cho việc học nói.

– Tập cho bé thói quen ăn uống lành mạnh.

– Bé còn học được cách kết hợp sử dụng tay và mắt qua mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng, tăng sự khéo léo của bé.

Nhược điểm:

– Không quá chú trọng đến chất và lượng thức ăn được đưa vào cơ thể bé.

– Mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng kiến thức xử lý khi bé bị hóc đồ ăn

– Bé ít tăng cân hơn các bé ăn dặm theo phương pháp truyền thống.

3. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật

Đây là phương pháp hiện rất được ưa chuộng nhờ tính hợp lý và cơ sở khoa học. Để thực hiện cho bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cần tuân thủ theo các quy tắc sau:

– Cho bé ăn thô đúng thời điểm: bắt đầu ngay bằng cháo loãng qua rây tỷ lệ 1:10 chứ không quấy bột. Các loại thức ăn khác như rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.

– Một bữa ăn của bé cần có đủ ba nhóm thực phẩm gồm tinh bột, vitamin và chất đạm theo tiêu chuẩn “vàng – đỏ – xanh”, chế biến riêng biệt và không trộn lẫn.

– Tập cho bé ăn nhạt, ăn dò từng loại thực phẩm từ rau củ đến thịt cá để làm quen dần.

– Khi ăn, mẹ phải đặt bé ngồi ghế, không bé bế đi rong, không bật tivi.

– Tuyệt đối không thúc ép khi bé không muốn ăn nữa.

phuong-phap-an-dam-dung-chuan-cho-be

Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật, ba mẹ tuyệt đối không được thúc ép bé ăn

Ưu điểm

– Bé có khả năng ăn thức ăn thô sớm hơn so với các bạn cùng tuổi ăn dặm theo phương pháp truyền thống.

– Bé làm quen tốt với mùi vị từng loại thực phẩm, không có tâm lý chán ăn.

– Ăn nhạt nên tốt cho thận của bé.

– Tạo cho bé tâm lý thoải mái khi ăn.

– Tạo thói quen ngồi ăn giúp bé ăn được nhiều hơn, nhanh hơn và tập trung hơn. Đồng thời, nâng cao kỹ năng tự lập cho bé.

– Bé học được kỹ năng nhai và nuốt giúp tiêu hóa thức ăn một cách tốt hơn.

Nhược điểm:

– Mất nhiều thời gian và công sức để dạy bé ngồi, tập cho bé cầm thìa

– Tốn thời gian chế biến riêng biệt từng loại thức ăn

Trên đây là những ưu nhược điểm của ba phương pháp ăn dặm phổ biến nhất hiện nay. Chắc chắn dù chọn cách thức nào đi nữa, tất cả những người mẹ đều yêu thương con vô vàn và mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con. Hy vọng với những thông tin trên cùng với bản năng và trực giác của riêng mình, mẹ sẽ chọn được phương pháp phù hợp nhất cho bé. Chúc bé của mẹ luôn mạnh khỏe, ăn ngoan chóng lớn nhé!

(Theo PGS.TS.BSCC.Trần Đình Toán/Trung tâm Dinh dưỡng VNM)