Nhiều đầu vú trông dẹt, ngắn nhưng kéo ra được và co giãn tốt thì không có vấn đề gì, bé vẫn có thể ngậm vú sâu và mút được nhiều sữa.

Một số núm vú không co giãn tốt trong lúc mang thai nhưng sau khi sinh, do được trẻ mút và kéo dài ra thêm nên vẫn có thể cho bú mẹ được. Rất hiếm gặp loại núm vú bị thụt vào.

Nếu bà mẹ có loại núm vú ngắn, có thể xử lý như sau:

  • Kéo giãn hai bên quầng vú thì núm vú sẽ lồi ra và trông dài hơn.
  • Nhẹ nhàng kéo đầu vú và quầng vú để tạo thành một cái núm vú. Nếu núm vú kéo ra dễ dàng là co giãn tốt. Nếu kéo ra được ít là co giãn kém. Nếu kéo ra không ra mà còn thụt vào thì đó là núm vú thụt.

Nếu núm vú co giãn dễ dàng, như vậy người mẹ đã có núm vú rất tốt để cho con bú dù có thể ngắn một chút.

Núm vú co giãn ít và núm vú thụt đều xử lý giống nhau. Tuy nhiên những bà mẹ có núm vú thụt cần được giúp đỡ trong thời gian dài hơn:

  • Trước và sau khi mang thai, bà mẹ có thể tập vê đầu vú mỗi ngày hai lần, mỗi lần năm phút, núm vú sẽ co giãn tốt hơn. Khoảng một tháng trước ngày sinh thì không nên tập nữa vì có thể gây sinh sớm.
  • Sau khi sinh, cho trẻ mút thật mạnh và càng sớm càng tốt. Bảo đảm cho trẻ bú đúng cách, núm vú sẽ co giãn tốt. Nếu vú bị ứ sữa, mẹ phải nặn bớt sữa ra cho vú mềm để dễ dàng cho con bú.

Người mẹ cẩn hiểu rằng trẻ phải tập ngậm đầu vú và một phần quầng vú trong miệng, như vậy giúp cho trẻ bú được với các loại núm vú ngắn, co giãn kém hoặc vú thụt.

Cho bé bú thế nào khi núm vú mẹ quá dài?

Vài bà mẹ có núm vú dài hơn bình thường (riêng với trẻ sơ sinh đẻ non, một núm vú bình thường cũng có thể là quá dài đối với bé). Nếu núm vú dài quá, trẻ chỉ mút núm vú mà không ngậm được quầng vú vào miệng. Như vậy, trẻ sẽ không bú được đủ sữa vì không ngậm vú được sâu.

Mẹ cần kiên nhẫn cho trẻ tập bú. Sau khi bú xong, vắt hết sữa ra cho uống bằng ly (cốc) và muỗng. Khi trẻ lớn hơn sẽ tự mút vú dễ hơn.