Không bao giờ được mất bình tĩnh
Có thể bạn cáu giận nơi công sở vì không thể kiềm chế trước việc làm vô trách nhiệm của cô kế toán, sự thiếu nhanh nhẹn của bạn làm văn phòng song đừng mang cáu giận ấy về nhà. Con cái không phải là nhân viên dưới quyền của bạn.
Bạn làm việc cũng chỉ mong những điều tốt nhất cho gia đình bạn, cho vợ con nhưng vòng quay của công việc, của sự điều hành lại khiến bạn quên mất mục đích tốt đẹp này mà xao nhãng công việc gia đình. Có thể bạn ngập trong đống công việc cần phải giải quyết nhưng cũng đừng vì thế mà về nhà quá muộn.
Cân đối giữa việc công và việc tư để có thể về nhà sớm chăm sóc đến gia đình. Khi bạn thường xuyên đi làm sớm khi con chưa ngủ dậy, về nhà khi con đã lên giường, sợi dây tình cảm cha con có phải đã ngày càng mờ nhạt? Đừng không hiểu nếu tại sao con cái lại quấn quýt với mẹ hoặc ai đó với bạn nếu đến việc gặp gỡ bố con còn hiếm chứ chưa nói đến việc trò chuyện và chăm sóc.
Hãy tỏ ra hào hứng khi bước chân về nhà
Đừng về nhà với vẻ uể oải của công việc bị trì trệ, doanh số tháng này thấp hoặc nhân sự gặp trục trặc… Nụ cười tươi khi bước về nhà sẽ khiến chàng nhóc của bạn luôn chờ đợi giây phút được đón bố đi làm về.
“Bố cháu lúc nào cũng trông oai nghiêm lắm. Nhiều lúc cháu cũng muốn gần. Nhưng sợ! Bố không bao giờ ôm cháu vào lòng, cũng không muốn trò chuyện với cháu…”.
Đó là lời tâm sự của một cậu bé 13 tuổi. Vốn quen việc tạo vẻ đạo mạo, uy nghiêm của một ông sếp và vẻ cứng nhắc trong công việc rồi bạn cũng quên mất phải thay đổi nó khi trở về với gia đình. Vì thế việc gần gũi với con cái bị bạn xao nhãng. Hãy chấm dứt hình ảnh oai nghiêm của một ông sếp để tránh con cái có cảm giác xa cách với con cái.
Tôn trọng lời hứa
Làm sếp và việc giữ lời hứa với con thật khó khăn. “Chủ nhật bố đưa con đi câu cá” thế nhưng đối tác hẹn ăn trưa vào ngày Chủ nhật. Quên cả lời hứa với con, anh mải miết theo đuổi những công việc của mình. Em thì hớn hở từ đầu tuần, Chủ nhật được đi câu cá với bố.
Làm việc gì em cũng nghĩ tới hình ảnh ngồi bên cạnh bố và những con cá to cắn câu. Thế nhưng, thứ 7 vẫn không thấy bố nhắc lại gì. Em nhủ thầm: Sao mà bố quên được? Chủ nhật em tỉnh giấc và tung chăn chạy đi tìm bố. Bố đã rời khỏi nhà. Mẹ bảo: “Bố bận cho việc kí một hợp đồng lớn”. Em tiu nghỉu, bố là kẻ nói dối, bố không biết giữ lời hứa, bố không yêu em.
Câu chuyện này chắc không xa lạ. Hãy để trẻ tin rằng chúng có ông bố tuyệt vời nhất. Cách này cũng giúp trẻ lớn lên trở thành người biết giữ lời hứa với tấm gương của bố.
Dạy con biết coi trọng đồng tiền
Bố làm sếp, em cũng có thể phổng mũi với bạn bè. Bố đi làm về đón em bằng ô tô. Các bạn thì đi bộ nhưng: “Bố làm việc bằng sức lao động của mình nên hiểu giá trị của đồng tiền. Bố phải rất vất vả để kiếm được chúng với ước mong con sẽ có một cuộc sống tốt hơn nhưng không vì thế mà con được tiêu xài chúng một cách hoang phí”.
Những lời răn dạy hơi triết lí này cũng có thể khiến con bạn hiểu. Còn ngược lại nếu chúng coi đồng tiền như rác và yên tâm với sự chu cấp sẵn sàng của một ông bố giàu có thì dĩ nhiên chuyện con cái hư hỏng không phải là điều quá viển vông.
Không lạm dụng quyền lực
“Bố tao là giám đốc đấy. Mày mà không cho tao, tao sẽ bảo bố tao đuổi việc bố mày”. Đừng ngạc nhiên trước những lời đe dọa này từ con trẻ. Trong cuộc sống bạn đã vô tình bộc lộ những quyền lực mà bạn nắm trong tay và trẻ “nghe lỏm” được và chúng trở nên vênh váo với bạn bè và nhiều người khác vì quyền lực mà bố chúng có.
Làm một người đàn ông tốt
Và cuối cùng dù bạn làm sếp hay là ai đi chăng nữa thì cũng đừng quên trách nhiệm làm một người đàn ông tốt. Không cờ bạc, rượu chè; tôn trọng vợ; kính trọng cha mẹ; đối xử tốt với mọi người…
Con cái sẽ nhìn vào hành động của bạn để học tập và hành động vì thế hãy là tấm gương cho con cái. Cuối cùng thì với các ông bố doanh nhân điều quan trọng là đừng coi nhà như là công ty và dĩ nhiên cũng đừng nhầm lẫn con cái là nhân viên dưới quyền.