Đối với  Mẹ, bé yêu luôn là sự quan tâm hàng đầu, vì thế mà việc lựa chọn đồ ăn cho bé theo từng giai đoạn cũng được tìm hiểu khá kỹ lưỡng. Sau 6 tháng đầu tiên bé bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ và bé tiếp tục hành trình tiếp theo đó là tập cho bé ăn dặm,  bắt đầu cho bé tiếp nhận thức ăn ngoài sữa mẹ.

Khó khăn đầu tiên khi mẹ và bé vấp phải đó là sự phản đối quyết liệt tại sao không phải bột mà là cháo?

Bột thì đã được xay nhuyễn chứa rất nhiều tinh bột, tỉ lệ pha có khi đặc quá có khi loãng quá, có khi sống có khi chín và khó tiêu. Dịch vị của bé từ 4 tháng đã bắt đầu tiết ra từng chút từng chút một, cho ăn ngay thì một lượng dịch vị ít ỏi với lượng bột quá lớn thì bé sẽ không tiêu hoá hết. Cho nên điều kiện tiên quyết đầu tiên mà các ba mẹ cần nhớ là đợi đủ 180 ngày mới cho con ăn dặm.

Biết cân bằng giữa sữa mẹ và thức ăn dặm

Việc ăn dặm nghĩa là thêm vào phần còn thiếu, chứ không phải là thay thế hoàn toàn sữa mẹ, đẩy sữa mẹ xuống hàng thứ yếu. 

Bé mới tập ăn vì thế không được vội cho ăn ngày 3 bữa, rồi sữa mẹ giảm xuống như uống nước tráng miệng là không được. Luôn phải có sữa mẹ kế bên để giúp đỡ bé, những lúc con mệt mỏi không muốn ăn, vẫn còn có sữa mẹ để giúp con khoẻ hơn và phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.

Sự hợp tác đến từ hai phía

Mẹ cố công tìm tòi đủ mọi phương pháp, mẹ nghe bác này khen con nhà kia ăn giỏi, ăn thô tốt, mẹ cũng muốn em bé của mẹ giỏi thế vậy là mẹ ra sức học tập nấu cháo, hì hục rây rây giã giã, mang lên cho em bé của mẹ ăn.

Vậy mà bé khóc lóc không chịu ăn, đòi ra khỏi ghế, phun cháo ra, thậm chí tệ hơn nữa là không thèm mở miệng  cơ, mẹ buồn lắm. Mẹ vò đầu bứt tóc không hiểu mình đã sai chỗ nào mà con mẹ không chịu ăn, mẹ tuyên bố phá sản, cách này không được.

Thật ra, mẹ nên thả lỏng người và đừng suy nghĩ tiêu cực.  Thay vào đó, Mẹ hãy đặt địa vị mình là con để suy nghĩ, trước giờ mình toàn tu ti mẹ ti bình, giờ bắt mình ăn bằng muỗng, lạ quá không quen thì không thích đúng rồi.

Cũng như khi mẹ bắt đầu công việc mới vậy, mới làm đã biết việc thế nào đâu, phải cần thời gian có người đi trước bày vẽ, rồi phải tập làm chán chê mê mải vài tháng mới biết việc, vài năm mới thât sự thạo nghề. Vậy mẹ buồn khi em bé của mẹ buổi đầu không chịu ăn, vài tuần chưa biết ăn là bất công với em bé của mẹ quá.

Trong cùng một lớp học, cô giáo giảng bài có bạn hiểu ngay có bạn phải mãi mới hiểu thì bé của mẹ cũng vậy. Vì thế mẹ đừng nên so sánh bé với bé khác mà tội cho bé của mẹ.

Có thể em bé của mẹ chậm về phần này nhưng ở giai đoạn sau chưa chắc em bé người khác bằng em bé của mẹ. Con thỏ chạy nhanh chưa chắc sẽ về đích trước, con rùa chạy chậm chưa chắc đã thua, cho nên mình đừng sốt ruột làm gì, hãy kiên nhẫn và chờ đợi con hợp tác.

Chuyện bé ít chịu ăn, có ăn và hoàn toàn không muốn ăn

Chuyện bé ít chịu ăn, và có ăn, hoàn toàn không muốn ăn là có chứ không phải không. Nhiều mẹ lo ngại rằng liệu bé có nhận được dinh dưỡng cần thiết để lớn không hay là mình phải ép, gần 1 tuổi rồi mà tình hình ăn uống vẫn lèo tèo thảm hại được vài thìa là thôi.

Cái gì quá quen thuộc thì sẽ dẫn đến nhàm chán, được mẹ đút hoài thì bé cũng trở nên thụ động vì thế mẹ nên đổi kiểu ăn cho bé. Ví như bữa nay con mọc răng khó chịu thôi mình kiếm món mềm mềm cho con gặm, bí đỏ chẳng hạn hay khoai lang,…

Nếu con không thích mẹ đút cho ăn thì mẹ làm thức ăn hình que cho con cầm. Con cầm mà chưa biết ăn thì mẹ bẻ một miếng đút vào miệng cho con thử, đồng thời mẹ cũng ăn để làm mẫu, cho bé bắt chước học theo.

Nhiều khi đút không được cho cầm cũng không xong thì mẹ kết hợp cả hai: thức ăn nấu chia làm 2 phần, một phần cho ra dĩa cho con cầm chơi, phần còn lại thì mẹ đút.  Mẹ vừa đút cho con vừa trò chuyện để con cảm thấy vui vẻ, thú vị và không tẻ nhạt. Mẹ có thể đút cho bé ăn và để bé cũng sẽ đút lại cho mẹ ăn, với các bé trên 1 tuổi sẽ thích bắt chước và làm theo người lớn y chang.

Bữa ăn được coi là chuẩn mực là như thế nào?

Một bữa ăn được coi là chuẩn mực nghĩa là thức ăn đầy đủ thành phần có món chính món phụ có rau có súp, và không thể thiếu được vitamin Y nghĩa là vitamin yêu.

Nấu ăn cho cả gia đình là trách nhiệm, nhưng tình yêu thêm vào sẽ khiến nó trở thành bữa ăn đầy tình yêu thương ngọt ngào, bữa ăn đầy tiếng cười. Em bé ngồi chung bàn thấy cha mẹ vui, ăn uống hứng khởi thì bé cũng muốn được ăn theo.

Bé ăn không được nhiều thì ăn ít, mỗi bữa mẹ ghi lại xem bé thích món nào và không thích món nào. Món thích thì lâu lâu làm một lần, món không thích thì nghĩ cách chế biến sao cho ngon hơn em bé ăn được, để bé có thể ăn được tất cả các món, bé sẽ nhận dinh dưỡng từ nhiều nguồn phong phú để phát triển chứ không phải là đơn chất.

Tóm lại, không nên để bé thích ăn món nào là ăn món đó mãi được, cần phải cho bé ăn đủ món. Mẹ là người nội trợ trong gia đình nên cố gắng tìm hiểu con và chế biến món ăn để con ăn tốt (mặc dù con không thích).

Phương pháp nào cũng vậy, cách nào cũng vậy, mẹ hãy dành nhiều thời gia để quan sát bé, hằng ngày ghi chép lại để biết mà thay đổi phù hợp với con chứ đừng quá cứng nhắc phải đúng thế này, không đc thế kia, phương pháp họ thế,…

Nên nhớ rằng một cái áo may sẵn thì không thể nào vừa và đẹp phù hợp với con như áo mẹ may được. Với những kinh nghiệm được chia sẻ ở trên đây, các mẹ hãy thoải mái tinh thần, sẵn sàng cùng con yêu bắt đầu hành trình ăn dặm tuyệt vời nhé!

Dưới đây là một số sản phẩm bột ăn dặm các mẹ có thể tham khảo:

Theo Cẩm nang cuộc sống