Chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi nhập viện
Đối với mẹ:
Giấy tờ cần thiết: CMT, thẻ bảo hiểm, kết quả siêu âm, xét nghiệm từ tuần thứ 36, 37 đến khi sinh.
Quần áo: Các mẹ chỉ nên mang theo một bộ mặc vào ngày xuất viện vì khi nằm viện, người mẹ được yêu cầu mặc áo của bệnh viện. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên mang theo 1 – 2 đôi tất để đeo nhé.
Bỉm quần (loại to) và băng vệ sinh.
Điện thoại (loại bình thường) để phòng tránh trường hợp bị mất cắp không cần thiết nhé.
Nước uống (khoảng 4 chai), tốt nhất là loại nhỏ để mang vào phòng đẻ hoặc phòng truyền (dễ dàng cho việc theo dõi tim thai của bé).
Cốc nhựa, tốt nhất nên dùng các loại có nắp đậy để giải quyết các nhu cầu vệ sinh cho mẹ.
Khăn mặt , bàn chải, kem đánh răng.
Đối với bé:
Quần áo, tã cho bé: cũng như đối với mẹ, bé chỉ cần một bộ để dùng khi xuất viện bởi trong quá trình lưu lại, bệnh viện sẽ cấp đầy đủ quần áo và tã cho bé
Chuẩn bị đồ vệ sinh cho bé như nước muối sinh lý, thuốc đánh tưa lưỡi (tuyệt đối không đánh lưỡi cho bé bằng mật ong vì đây là thực phẩm cấm kỵ đối với các bé dưới 1 tuổi).
10 chiếc bỉm hoặc tã giấy cho bé:
Giấy ướt: 1 gói, giúp mẹ thuận tiện khi chùi phân cho các bé
Phấn rôm 01 lọ ( hộp) cho bé thông thoáng hơn.
Quy trình sinh con tại các bệnh viện
Trước khi đến sinh, bạn cần đăng ký khám siêu âm và làm hồ sơ sinh trước vài tuần. Trước khi sinh các thai phụ sẽ lần lượt được bác sỹ khám, kiểm tra tình trạng và đặt máy nghe tim thai.
Khi đến sinh, nếu cổ tử cung của bạn mở khoảng 8 phânbạn sẽ được chuyển vào phòng đẻ. Nếu chưa mở, bạn nên đi lại nhẹ nhàng, khi có cơn co thì phải thư giãn, tập thở đều bởi lúc này bạn sẽ rất muốn rặn đẻ, nhưng tuyệt đối không được rặn lúc này. Chỉ rặn khi bác sỹ cho phép.
Để rút ngắn thời gian đau đẻ và chuyển dạ, bác sỹ sẽ gợi ý cho bạn cách truyền thuốc kích thích các cơn co tử cung. Truyền loại thuốc này mất khoảng 2 tiếng, khi đó, bạn được bác sỹ thăm khám 15 phút/ lần. Đến khi mở khoảng 8 phân, bạn sẽ được chuyển vào phòng đẻ ngay cạnh đó.
Những lưu ý cho bạn:
Đối với đẻ thường
Thai phụ cần tuân theo mọi hướng dẫn, chỉ đạo của bác sỹ, y tá.
Luyện tập cách thở khi cơn co đến, nghỉ ngơi giữ sức khi cơn co qua đi.
Khi đã mở được 10 phân, bạn sẽ được các bác sỹ, hộ sinh tiến hành đỡ đẻ. Bạn sẽ được rạch tầng sinh môn để sinh bé thuận lợi hơn. Thủ thuật rạch tầng sinh môn diễn ra nhanh, khoảng vài giây nên bạn gần như không cảm thấy đau đớn. Khi em bé ra đời, trẻ sẽ được vệ sinh sạch sẽ và mẹ sẽ được khâu tầng sinh môn.
Bác sỹ sẽ yêu cầu bạn đọc tên bạn đặt cho bé để ghi vào giấy chứng sinh.
Đối với đẻ mổ
Nếu như các mẹ đã mở gần hết nhưng không thể đẻ thường, mẹ xin đẻ mổ hoặc tùy vào tình trạng mà bác sỹ quyết định mổ đẻ, cần chú ý những điểm sau:
Gọi điện cho người nhà để làm thủ tục chuyển mổ.
Rất nhanh ngay sau đó, bạn sẽ được chuyển vào phòng mổ. Trước khi chuyển bạn đi, bác sỹ sẽ yêu cầu bạn đọc tên cho bé để ghi vào giấy chứng sinh.
Vào phòng mổ, bạn sẽ được yêu cầu nằm nghiêng, co hai đầu gối ra trước ngực để bác sỹ tiêm thuốc gây tê màng cứng.
Sau 3 – 5 phút, bạn sẽ có cảm giác tê chân. Lúc này bác sỹ bắt đầu tiến hành mổ lấy thai.
Quá trình mổ diễn ra rất nhanh. Sau khi cất tiếng khóc chào đời, em bé được đưa đi vệ sinh mắt, mũi, họng. Sau đó hộ lý sẽ bế em bé nằm vào lòng mẹ.
Sau đó, em bé được bế ra ngoài cho gia đình, người thân. Bé được đưa lên phòng kính chăm sóc riêng, còn mẹ chuyển lên phòng hậu phẫu nằm nghỉ ngơi 6 tiếng.
Khi vào phòng hậu phẫu, bạn được các bác sỹ cho thuốc giảm đau, kháng viêm. Lúc này bạn cũng sẽ dần cảm nhận được những tác dụng phụ của thuốc gây tê màng cứng.
Lưu ý khi chăm sóc các bà mẹ mới sinh con
Đối với những mẹ sinh đẻ thì có thể tự chăm bé một mình, nhưng với mẹ đẻ mổ thì sẽ hơi khó khăn một chút. Bé được đưa đi tắm, trong lúc đó mẹ được đưa đi vệ sinh. Bạn cũng có thể nhờ người nhà vệ sinh vùng kín giúp.
Bé tắm xong được đưa về phòng. Mẹ cho bé bú là tốt nhất (hoặc pha sữa công thức). Khoảng 15 phút sau sẽ có bác sỹ đến khám lại cho cả mẹ và bé.
Nếu bé ăn sữa công thức, tuyệt đối không pha sữa cho bé bằng nước khoáng đóng chai có sẵn vì sẽ gây tiêu chảy. Tốt nhất là dùng nước đun sôi để nguội.
Khoảng 3 ngày đầu sau sinh, bé sẽ đại tiện ra phân su màu đen xanh. Điều này là hoàn toàn bình thường, mẹ đừng lo lắng quá.
Dù đẻ mổ hay đẻ thường, mẹ cũng cần phải tập đi lại nhẹ nhàng, tránh tuyệt đối ngồi nhiều một chỗ.
Tâm lý phải thật thoải mái, cố gắng cho bé bú những giọt sữa non quý giá của mình nhé. Nếu mẹ ít sữa, nên kiên trì cho bé bú nhiều, bé bú nhiều sẽ tự kích thích tuyến sữa sản xuất ra nhiều hơn.
Hàng ngày sẽ có giờ lấy nước nóng, đổi quần áo, chăn gối cho mẹ và bé. Người nhà chú ý đếm đủ số đồ mình nhận để trả lại, nếu không sẽ phải đền tiền.
(Còn tiếp)