“Mày đi đâu giờ này mới về? T.T là con nhỏ nào? Mới nứt mắt ra đã bày đặt yêu đương nhăng nhít hả?”. A.D, đang học lớp 12 nhà ở quận 4 – TPHCM, vừa đi học thêm về đã nghe mẹ quát hỏi. Biết là mẹ đã “lục lọi” tin nhắn trong di động của mình, A.D giận lắm nhưng cũng chỉ biết chạy vào phòng riêng đóng sầm cửa lại.

Quản từ điện thoại đến blog

Khác với những bậc phụ huynh chỉ biết quản con bằng giờ giấc sinh hoạt, mẹ của A.D là mẫu người hiện đại, rất thành thạo và ủng hộ con cái sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin như điện thoại di động, máy vi tính… Nhưng có mẹ “tân tiến” như vậy, D. lại càng đâm lo vì dường như thế giới riêng của D. gần như không còn.

Gia đình khá giả, lại là con một nên cha mẹ sắm cho D. không thiếu món gì nhưng cậu chưa bao giờ được sử dụng chúng tùy ý. Điện thoại của D. dù xịn nhưng được mẹ đăng ký cho một số thuê bao trả sau, do đó tất cả những cuộc gọi của D. đều bị kiểm soát. Mới đây, D. chơi thân với một cô bạn cùng lớp, hai đứa hay nhắn tin, gọi điện và việc đó không thể nào qua mắt được mẹ của D.

Một số phụ huynh thời nay còn chọn giải pháp theo dõi âm thầm bằng cách cài đặt nick Yahoo!Messenger, tạo blog hay cài những phần mềm kiểm soát trong máy tính để biết được con mình thường truy cập những trang web nào, có hại hay không. N.H, em họ của A.D, được cha mẹ sắm một dàn máy tính riêng trong phòng, song nhất cử nhất động của H. trên máy tính đều bị cha mẹ quan sát vì máy có cài chương trình theo dõi. “Mình chỉ hay lên mạng để viết blog nhưng mẹ cũng không hài lòng!” – H. thổ lộ.

Vào blog của Trần B.N, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, hiện đã du học Mỹ, mọi người thường phải ngạc nhiên vì những comment (bình luận) từ gia đình. B.N tâm sự khi chuẩn bị du học tự dưng ba mẹ nhờ cậu… lập blog, viết và bình luận những entry đơn giản để có thể chia sẻ thông tin thường xuyên với con. N. cảm thấy rất ngại ngùng mỗi khi viết điều gì đó riêng tư, ba mẹ đều xem và “cho vài ý kiến”. Chính vì thế, ngay cả trên trang blog cá nhân, N. cũng không dám bộc lộ suy nghĩ thật của mình.

Khích lệ con bằng sự chân thành

Hiện nay, nhiều cha mẹ nghĩ mình đúng khi quản lý con cái chặt chẽ bằng các phương tiện hiện đại như trên song không biết rằng điều này lại càng khiến chúng cảm thấy gò bó và muốn bứt ra khỏi “vòng kiềm tỏa” của cha mẹ. P.Q, sinh viên Khoa Điện- điện tử Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết dù cha mẹ quản chặt chẽ nhưng cũng có nhiều “chiêu” để… lách. Thậm chí, đối với những sinh viên chuyên về công nghệ thông tin thì chuyện vô hiệu hóa những phần mềm trinh thám của cha mẹ cài vào máy rất dễ dàng. Hằng tháng, cha mẹ H. vẫn đinh ninh con mình chỉ truy cập những trang web tốt mà đâu ngờ…

Còn A.D vì không chịu nổi sự kiểm soát vô lý của mẹ, cậu đã lén lút dành tiền mua một điện thoại khác để liên lạc với bạn gái để khỏi bị mẹ làm phiền.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, khi biết được nỗi niềm của con, cha mẹ đã có cách xử sự khéo léo, giúp con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Lê Vũ H., học lớp 11 ở quận Bình Thạnh, một thời gian dài lâm vào tình trạng trầm cảm, suốt ngày giam mình trong phòng riêng, không ăn uống. Cha mẹ em tìm mọi cách tra hỏi, dọa nạt vẫn không ăn thua.

Ba em đã tìm hiểu qua bạn bè và biết được nick Yahoo của H. Sau đó, ông lân la làm quen, rồi… chat với con suốt một thời gian dài. Cuối cùng, ông phát hiện vì một phút bất cẩn H. đã bị một cậu bạn cùng lớp “chôm” một số hình ảnh “nhạy cảm” trên điện thoại di động nên giờ vô cùng hoang mang, lo lắng. Vốn là luật sư, ông đã tìm tới tận nhà của cậu học sinh kia, gặp cha mẹ cậu ta trình bày sự việc rồi giải quyết “vụ án” một cách êm đẹp trên cơ sở pháp luật. Khi biết chính ba là người đã “giải cứu” mình, H. xúc động không nói nên lời.

Hay với B.N, sau khi Yahoo360 đóng cửa, cậu du học sinh này đã chạy đôn chạy đáo giúp ba mẹ… chuyển “nhà” qua một trang blog khác. Bởi trái với cảm giác bị theo dõi ban đầu, giờ đây N. tâm sự nếu mỗi sáng thức dậy không thấy những lời động viên, chia sẻ của ba mẹ lại như thiếu thứ gì. Ba mẹ N. đã rất khéo léo khi đi vào “không gian riêng” của con bằng cách đưa ra những tình huống của mình để nhờ con tư vấn như: “Ba cắt tóc kiểu này con thấy sao?” hay “Mẹ mới nấu được một món ăn rất ngon, chờ con về thưởng thức”…  Kiểu tương tác này đã xóa tan trong N. suy nghĩ bị cha mẹ can thiệp và giúp N. càng hiểu và yêu thương cha mẹ.

Dù cuộc sống có hiện đại đến đâu thì cha mẹ vẫn có thể gần gũi con bằng cách làm bạn với con, lắng nghe con tâm sự và hướng chúng vào lối đi đúng đắn. Điều này mới thực sự là cách quản lý con cái tốt nhất chứ không phải là những hình thức cấm đoán hay kìm kẹp quá chặt.