Thay bỉm cho con là một việc làm thú vị khi bạn có thể nhìn thấy con thoải mái thư giãn sau khi chúng được vệ sinh và thay bỉm mới
Đối với nhiều ông bố bà mẹ, việc thay bỉm và tã cho con là một việc làm thú vị. Vì họ được tận hưởng cảm giác được chăm sóc con, chạm vào cơ thể bé bỏng của con và cảm thấy vui vẻ khi nhìn khuôn mặt thư giãn của con sau khi chúng được vệ sinh và thay bỉm mới. Bạn có cảm nhận được cảm giác tuyệt vời này? Nếu bạn cảm thấy khó khăn, hãy đọc hướng dẫn thay bỉm cho trẻ sơ sinh dưới đây sớm!
Học từng bước
Dù bạn đã từng thay tã và bỉm cho trẻ sơ sinh hay chưa, hãy bắt đầu một cách từ từ và làm chuẩn xác. Nhiều ông bố bà mẹ nghĩ rằng việc thay bỉm cho con là việc “làm cho xong”, nên họ thường mắc những lỗi rất ngớ ngẩn, ví dụ như đặt bỉm không cân xứng, “dính” nước tiểu của con vào tay hoặc thậm chí vào thẳng mặt khi đang thay tã.
Chuẩn bị đủ mọi thứ trước khi thay bỉm
Để thay tã cho trẻ an toàn, nhanh và thuận tiện, tốt nhất các mẹ nên chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ trên giường hoặc thảm, bao gồm bỉm mới, giấy ướt, nước ấm, kem chống hăm, khăn mặt, bông vệ sinh, tã… Chú ý không để nước nóng và các đồ sắc nhọn có thể gây hại cho bé và không nên để trẻ ở một mình để đi chuẩn bị đồ vệ sinh cho bé.
Đảm bảo an toàn cho trẻ
Việc giữ an toàn cho trẻ bao gồm cả việc giữ vệ sinh và tuân thủ các quy tắc phòng tránh tai nạn. Cụ thể, mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước khi thay bỉm cho con, phòng trường hợp nguồn bệnh lây qua da và đường hô hấp của trẻ. Khi thao tác thay bỉm, chú ý luôn đặt một tay vào người trẻ để trẻ không bị lăn hoặc ngã khỏi tầm tay. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng đai an toàn để giữ trẻ chắc chắn. Tuyệt đối không được rời mắt khỏi con trong khi vệ sinh phần đeo tã của chúng.
Các bước vệ sinh vùng kín cho trẻ:
Trước tiên, gỡ tã bẩn của trẻ ra một cách nhẹ nhàng bằng cách để bé nằm ngửa, khẽ nhấc một chân của bé lên và tháo bỉm ra. Cuộn tã lại và đặt vào túi để bỏ túi đó vào thùng rác ngay sau đó.
Tiếp theo, bắt đầu vệ sinh vùng kín cho trẻ. Sử dụng một phần giấy lau ướt, lau cho trẻ từ phía trước ra phía sau để ngăn ngừa viêm đường tiết niệu.
Sau đó dùng một chiếc khăn khác để lau đi lau lại khu vực đó từ trước ra sau. Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ bị hăm, mẹ có thể sử dụng bông, khăn mềm và nước ấm để lau chùi vùng kín của trẻ. Lau chùi cả phần mông của trẻ nữa. Đối với bé trai, mẹ cần chú ý vị trí ngồi, phòng trường hợp bé tiểu vào mặt và người.
Thay bỉm mới cho trẻ bằng cách làm theo hướng dẫn ghi trên bao bì sản phẩm. Dùng ngón tay của bạn điều chỉnh vị trí miếng dán bỉm sao cho bỉm vừa vặn với phần hông và mông trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ nên tránh quấn bỉm vào khu vực rốn để tránh làm tổn thương và nhiễm trùng vết thương hở chưa lành của bé.
Ngoài ra, nếu bạn sử dụng tã vải, việc vệ sinh vải sẽ phức tạp hơn. Bạn sẽ phải giặt tã để tái sử dụng tã trong những lần tiếp theo.