Nếu trẻ có dáng bàn chân như thế này thì rất đáng lo.
Các mẹ có con nhỏ thường không để ý xem bàn chân của con mình như thế nào. Tuy nhiên, có một bệnh liên quan đến phần chân khá nguy hiểm mà hầu hết các mẹ bỏ qua hoặc không biết đến là chứng bàn chân bẹt.
Cách đơn giản để kiểm tra chứng bàn chân bẹt tại nhà cho con:
Thông thường trẻ dưới 2 tuổi đều có bàn chân bẹt. Từ 3 tuổi trở lên, các vòm bàn chân bắt đầu được hình thành nên bố mẹ có thể bắt đầu kiểm tra cho con khi ở độ tuổi này.
Cách 1: Cách đơn giản để xem trẻ có bị mắc chứng bàn chân bẹt hay không là bạn có thể làm ướt bàn chân của con (bằng nước trắng hoặc nước có màu thì càng rõ), sau đó yêu cầu con đặt bàn chân để in lên một tờ giấy trắng, tờ bìa, hoặc phần sân có thể nhìn rõ nốt in.
Nếu bạn nhìn thấy những dấu ấn hoàn toàn của cả bàn chân trẻ bề mặt in thì có khả năng là trẻ đã bị mắc chứng bàn chân bẹt. Tuy nhiên, nếu phần hình in có một khoảng trống nhỏ (vòm cong) xuất hiện thì bố mẹ có thể yên tâm.
Chân của trẻ bị chứng bàn chân bẹt thường cong ở mắt cá chân.
Cách 2: Bố mẹ có thể cho trẻ dẫm chân lên cát. Nếu cát lún và in hình bàn chân có đường cong thì trẻ chân trẻ bình thường và ngược lại, nếu chân trẻ in được cả bàn xuống cát thì rất có thể trẻ đã mắc chứng bàn chân bẹt.
Cách 3: Bố mẹ có thể dùng trực tiếp ngón tay của mình đặt xuống dưới gan bàn chân của trẻ khi trẻ đứng trên một mặt phẳng. Nếu các ngón tay không thể luồn được vào gan bàn chân thì là trẻ có thể đã mắc chứng bàn chân bẹt.
Dấu hiệu để nhận biết trẻ mắc chứng bàn chân bẹt bằng mắt thường
Trẻ mắc chứng bàn chân bẹt có phần gan bàn chân không bình thường.
– Bàn chân của trẻ khi chạm đất không đặt thẳng như trẻ bình thường mà hơi nghiêng về phía rìa; cổ chân cũng có vẻ cứng, không dẻo dai.
– Có thể thấy góc cạnh mắt cá chân cong khá nhiều khi trẻ đứng quay mặt lại với bạn.
– Cạnh trong của chân áp hẳn xuống đất.
– Dáng đi xòe chân ra ngoài, đầu gối xoay vào trong.
– Trẻ có thể phàn nàn về đau ở bàn chân, mắt cá hoặc đầu gối.
– Trẻ cũng có thể có những biểu hiện vụng về hoặc gặp khó khăn trong khi chơi thể thao.
Ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không điều trị sớm
Ở trẻ em (3-7 tuổi) việc điều trị chứng bàn chân bẹt sẽ dễ dàng hơn. Việc điều trị chứng bàn chân bẹt sớm bao giờ cũng tốt hơn vì trẻ càng lớn thì việc điều trị càng khó khăn hơn.
Bàn chân cân bằng có cấu tạo ba vòm giúp toàn bộ cơ thể giữ thăng bằng khi đứng hay đi lại. Tuy nhiên, trẻ bị bàn chân bẹt sẽ không có vòm cong. Để lấy lại cân bằng cho cơ thể, cổ chân, đầu gối, khớp háng và hệ cột sống phía trên của trẻ sẽ phải xoay lệch, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối.
Bác sĩ Brackenbury trong một chương trình phổ biến về chứng bàn chân bẹt tại Việt Nam.
Theo bác sĩ Brackenbury – Giám đốc y khoa của Phòng khám American Chiropractic Clinic (chuyên khoa trị liệu thần kinh cột sống Mỹ): “Chứng bàn chân bẹt làm các xương ở cẳng chân xoay khi di chuyển, khiến các khớp đầu gối cũng xoay lệch theo, từ đó dẫn đến đau, viêm hoặc thậm chí thoái hóa khớp gối. Sự lệch trục cũng có thể ảnh hưởng lên tới lưng và cổ. Nếu không được điều trị kịp thời, tật có thể dẫn đến cấu trúc bất thường ở ngón chân cái (ngón cái bị đẩy về phía ngón sát bên), gai gót chân, viêm cân gan chân…”.
Hơn nữa, cấu tạo vòm giúp bàn chân giống cái giảm xóc, khiến trẻ đi lại nhẹ nhàng, giảm phản lực từ đất dội lên khi đặt chân xuống đất. Khi trẻ mắc chứng bàn chân bẹt, chân sẽ bị biến dạng và ảnh hưởng đến việc đi lại hay chạy nhảy, vận động, chơi thể thao…
Tiến sĩ Robert Lee – chuyên gia có tiếng về điều trị các chứng bệnh liên quan đến bàn chân ở in Los Angeles, California (Mỹ) cho biết: “Nếu bàn chân bẹt không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như bệnh béo phì ở trẻ em. Ngoài ra trẻ mắc chứng bàn chân bẹt có thể bị tổn thương bàn chân hoặc mắt cá chân, viêm khớp dạng thấp, lão hóa sớm hoặc bệnh tiểu đường…”.
Vì vậy, ngay bây giờ bố mẹ hãy kiểm tra chân con bằng vài thao tác đơn giản. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ tránh được những tổn thương về lâu dài sau này.
Theo: afamily.vn