Viêm lưỡi bản đồ là bệnh không ít người mắc phải, trong đó có rất nhiều trường hợp là trẻ em. Ảnh minh họa
Viêm lưỡi bản đồ là bệnh không ít người mắc phải, trong đó có rất nhiều trường hợp là trẻ em. Biểu hiện là sang thương lưỡi phân phối rải rác như hình bản đồ, bao quanh bởi một vành trắng dày sừng. Trên lưỡi có những vết như hình bản đồ, viền mầu trắng, phía trong đỏ đậm hơn mầu lưỡi bình thường, dần dần loang rộng ra và vết khác xuất hiện.
Chị L. có con trai 18 tháng tuổi (ở Hà Nội) cho biết, lúc đầu chị thấy lưỡi con có những vệt lạ lạ, chị cho rằng con bị tưa lưỡi thông thường nên lấy mật ong bôi theo cách dân gian các cụ truyền lại. Tuy nhiên mấy ngày sau không thấy khỏi, con lại lười ăn nên chị cho con đi đến trung tâm y tế khám thì được bác sĩ kết luận con bị viêm lưỡi bản đồ.
“Trước nay mình chưa nghe thấy bệnh này bao giờ nên nghe bác sĩ nói con bị bệnh này thì lo lắm, không biết có nguy hiểm hay có biến chứng gì khác không. Trước khi đi khám chồng mình còn nói “lỡ đâu đây là triệu chứng của bệnh ung thư thì sao?”, khiến mình càng hoang mang. Nhưng khi nghe bác sĩ giải thích là bệnh không nguy hiểm, chỉ một thời gian là khỏi thì mình thấy yên tâm hơn”, chị L. chia sẻ.
Không ít gia đình khi thấy con có hiện tượng ở lưỡi bất thường thì nghĩ rằng con có thể bị bệnh gì đó nên lưỡi mới có hình thù kỳ lạ. Mặt khác, căn bệnh này ít người biết đến, con lại kèm theo các biểu hiện lười ăn hơn mức bình thường khiến cha mẹ càng lo lắng.
Như trường hợp bé Hưng. 15 tháng tuổi nhà chị H. (Hà Nội), thấy con lười ăn cháo và uống sữa, chị kiểm tra thấy lưỡi con có những vết lạ nên vô cùng hoang mang. Sợ con mắc bệnh ung thư hoặc căn bệnh hiểm nghèo nào đó, chị H. vội vã đưa có đến bệnh viện khám, rất may, sau khi được bác sĩ thông báo con bị viêm lưỡi bản đồ, hoàn toàn không nguy hiểm và không có biểu hiện bệnh lý nào khác chị mới yên tâm.
Trên một số diễn đàn, mạng xã hội, nhiều bà mẹ bày tỏ sự lo lắng con có biểu hiện bị viêm lưỡi bản đồ, hoặc chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc trẻ khi thấy con bị mắc bệnh. Tuy nhiên, rất nhiều các mẹ đều nhận định rằng, khi mới phát hiện con bị căn bệnh này thì rất lo nhưng cũng chỉ vài ngày lại khỏi. Cũng không ít trẻ bị tái phát sau một thời gian, hoặc trẻ bị khá lâu nhưng tự khỏi khi ở một độ tuổi nào đó.
Khi trẻ bị bệnh viêm lưỡi bản đồ, cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Ảnh minh họa
Nói về căn bệnh viêm lưỡi bản đồ con gái từng mắc phải, chị Giang (ở TP.HCM) chia sẻ, con gái chị cũng bị căn bệnh lạ này từ khi mới 2-3 tháng tuổi, nhưng khi thấy con mắc bệnh, chị đã không cho con đi khám ngay mà vào mạng tìm hiểu nguyên nhân.
Khi đọc được các thông tin về căn bệnh này không nguy hiểm nên chị không cho con đi bệnh viện khám chữa nữa. “Mình đọc được các thông tin và kinh nghiệm trên mạng về bệnh này nên mình chỉ hạn chế cho con ăn đồ quá nóng khiến con khó chịu thôi, đồ chua cay thì đặc biệt là không cho con ăn vì bé còn nhỏ”, chị Giang cho biết.
Theo chị Giang thì khi bé bị bệnh này cũng lười bú sữa hơn nhưng không quấy khóc hay có bất cứ biểu hiện gì ảnh hưởng đến sức khỏe nên chị cũng yên tâm. Tuy nhiên đến tận khi bé được 11 tháng thì những vệt như bản đồ đó mới tự biến mất.
Viêm lưỡi bản đồ là triệu chứng bệnh gì, có nguy hiểm không?
Liên quan đến căn bệnh viêm lưỡi bản đồ, bác sĩ nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo – Công tác tại TP.HCM cho biết, đây là một tình trạng rất lành tính, và khá là phổ biến, cứ 100 người thì có khoảng từ 1-3 người có lưỡi bản đồ. “Nguyên nhân là gì, chúng ta hoàn toàn không biết rõ. Nhưng đây là tình trạng các gai lưỡi bị mất đi, tạo nên những vùng đỏ trống trên lưỡi, sau đó lại phục hồi“, bác sĩ Thảo cho biết.
Theo bác sĩ Thảo, đa số lưỡi bản đồ không gây ra triệu chứng gì cả, một số có thể làm lưỡi cảm thấy hơi rát rát, hơi nhạy cảm với các loại thức ăn chua, cay, mặn….., nhưng cũng chỉ tạm thời. Và vì vậy, không cần điều trị.
Nếu bạn thấy khó chịu quá, thì bác sĩ có thể gửi cho bạn các loại kem bôi kháng viêm hoặc giảm đau khi cần, nhưng hiệu quả cũng không cao. “Mặc dù nhìn kì quái, nhưng tình trạng này hoàn toàn không liên quan gì đến ung thư, hay các bệnh mãn tính nào cả, và người mang lưỡi bản đồ, nên tập chấp nhận đây là một đặc điểm đặc biệt của bản thân“, bác sĩ Thảo khẳng định.
Khi trẻ bị bệnh viêm lưỡi bản đồ, cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Đặc biệt bổ sung nước và cho trẻ ăn thực phẩm tươi mát, giàu vitamin như rau xanh, hoa quả, đỗ đen… và tăng cường chế độ ăn nhiều hải sản sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh. Sau khi cho con bú hoặc sau bữa ăn, cha mẹ cần cho trẻ uống thêm nước để tránh bị cặn sữa hoặc thức ăn bám vào bề mặt lưỡi khiến bệnh càng nặng thêm.
Theo VietBao.vn