Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, vừa được công bố trên tạp chí JAMA (Tạp chí Nội khoa của Hiệp hội Y khoa Mỹ).

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Trường Sức khỏe cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đã tiến hành các thử nghiệm trên khoảng 45.000 thai phụ ở vùng nông thôn Bangladesh, bắt đầu từ tháng 12 năm 2007.

Số thai phụ tham gia được chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất được chỉ định sử dụng multivitamin, bao gồm 15 loại vitamin và khoáng chất thiết yếu hàng ngày; nhóm thứ hai được yêu cầu bổ sung axít folic và sắt hàng ngày. Cả hai nhóm thai phụ được theo dõi trong suốt thai kỳ và các em bé sinh ra cũng được kiểm tra sức khỏe ở thời điểm một tháng, ba tháng và sáu tháng tuổi.

Tiến sĩ Keith P. West – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, các bé gái sinh ra từ các bà mẹ được bổ sung multivitamin và khoáng chất thiết yếu hàng ngày giảm nguy cơ sinh non, nặng cân, có tỷ lệ sống sót cao hơn và cũng mạnh khỏe hơn so với các bé gái sinh ra từ các bà mẹ chỉ được bổ sung sắt và axít folíc.

Tiến sĩ West nhận định, sở dĩ thai phụ được bổ sung nguồn multivitamin và các khoáng chất thiết yếu hàng ngày có thể giúp gia tăng kích cỡ của em bé khi sinh vì thời gian thai nhi lưu trong bụng mẹ lâu hơn. Nhờ thế khi sinh ra, em bé thường có thể trạng lớn hơn và được trang bị đầy đủ dưỡng chất, đáp ứng tốt hơn với môi trường bên ngoài nên cũng khóe mạnh hơn.

Tuy nhiên, tiến sĩ West lưu ý, kết quả trên không tìm thấy ở các bé trai, vì vậy cần tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm và phân tích sâu hơn để tìm hiểu tường tận lý do tại sao lại xảy ra tình trạng này.

(Theo PNO)