Mụn trứng cá (còn có tên là nang kê, mụn sữa): có tới 20% số bé sinh ra đều bị nang kê. Yếu tố gây ra mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh có thể là những hormon mà trẻ nhận được từ người mẹ, hoặc cũng có thể là trẻ bị phì đại tuyến bã. Hiện tượng mọc mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh xảy ra rất phổ biến. Mụn có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra, nhưng thông thường thì xuất hiện vài tuần sau khi sinh. Mụn thường xuất hiện nhiều trên má, trán, cằm và cả ở lưng. Những đốm mụn nhỏ này có thể bị bao bọc bởi một vùng da hơi bị tấy đỏ. Chúng càng đỏ tấy hơn khi cơ thể bé bị nóng lên, hay khi da bé bị kích thích khi tiếp xúc với nước bọt, nguồn sữa mẹ hay các chất tẩy rửa. Thường thì mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh sẽ biến mất chỉ trong vài tuần nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tháng sau. Nếu trong vòng 3 tháng mụn vẫn chưa biến mất thì bạn nên cho con đi khám da liễu. Trong thời gian bé bị mọc mụn trứng cá không nên bôi bất kì loại kem hay thuốc gì lên mụn cả; cũng không nên chạm tay hay chà xát lên các đốm mụn đó, như vậy chỉ càng làm cho tình trạng trở nên xấu hơn. Trẻ vẫn cần được tắm rửa hàng ngày với nước sạch đun sôi để nguội và sữa tắm các dưỡng ẩm dành cho trẻ sơ sinh. Sau khi tắm phải lau khô người cho trẻ nhé.
Trẻ sơ sinh bị mụn cần được chăm sóc đúng cách.
Viêm da thể tạng: có khoảng 15-20% trẻ sơ sinh trên thế giới mắc phải bệnh này. Đây là một dạng eczema, những trẻ từ 3-6 tháng tuổi thường dễ bị nhất, với các biểu hiện như nốt đỏ, da khô, ngứa ngáy, một số trường hợp còn rỉ nước và xuất hiện các vảy kết. Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy vậy, nếu cả hai bố mẹ mắc bệnh này thì nguy cơ ở con cũng bị bệnh đến 50%. Ngoài ra, chế độ vệ sinh thái quá như: nuôi con trong một môi trường quá sạch sẽ, quá vô khuẩn, sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ kém hơn, tạo điều kiện cho bệnh viêm da. Bệnh viêm da thể tạng giảm dần và biến mất khi trẻ được 3-4 tuổi, chỉ có 10% trường hợp bệnh kéo dài tới khi trẻ trưởng thành. Ngoài việc đưa cháu đi khám, bạn vẫn phải vệ sinh, tắm rửa cho trẻ hàng ngày và không nên giữ gìn trẻ quá kỹ.
Mề đay: thường có biểu hiện là các nốt phát ban ở da giống như những nốt bị muỗi đốt, gây ngứa ngáy. Bé có thể mắc chứng này rất sớm, ví dụ như trong trường hợp bị dị ứng với các protein có trong sữa, lúc đó cần cho bé đến khám bác sĩ nhi khoa để có cách điều trị tốt nhất.
Rôm sảy: khi cơ thể trẻ bị nóng thì sẽ xuất hiện rôm sảy trên trán, cổ hay trong các nếp da của trẻ. Các mụn nhỏ có hình tròn, số lượng nhiều và màu đỏ. Các mụn đỏ sẽ biến mất khi cơ thể bé mát hơn, vì thế cần tránh cho trẻ mặc quần áo quá nóng và cố gắng hạ độ ẩm của môi trường xung quanh xuống thấp nhất có thể.
Cùng với việc đưa trẻ tới bác sĩ chuyên khoa da liễu khám và điều trị, bạn nên chú ý tới cách chăm sóc trẻ của mình, và lắng nghe hướng dẫn của thầy thuốc. Không nên tự ý bôi, cho trẻ uống các loại thuốc truyền miệng, chưa qua hương dẫn vì sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Theo tư vấn của ThS. Thanh Lâm