Bà mẹ trẻ Mallory Smothers và túi sữa đổi màu khi con bị ốm.
Mẹ Mỹ chia sẻ câu chuyện sữa mẹ đổi màu vì con ốm
Bà mẹ trẻ Mallory Smothers sau khi chia sẻ câu chuyện tưởng như khó tin của mình lên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bà mẹ khác đang cho con bú. Đó là bức ảnh so sánh hai túi sữa khác màu của chính mình.
Bức ảnh được chị chia sẻ trên Facebook.
Mallory Smothers có thói quen trữ đông sữa cho con. Vào đêm thứ 5, chị hút sữa vào chiếc túi bên trái trước khi cả nhà đi ngủ. Đêm đó, chị để ý thấy con có biểu hiện bị ốm: hắt hơi, sốt nhẹ, chảy mũi. Chị phát hiện ra điều này tầm 3 giờ sáng, và vài tiếng sau lại hút sữa một lần nữa. Mới đầu không có gì khác biệt, nhưng vài tiếng sau khi kiểm tra trong tủ lạnh, chị đã vô cùng ngạc nhiên khi túi sữa chuyển sang màu vàng, màu của sữa non.
“Điều này quá là tuyệt vời”, bà mẹ trẻ phấn khích chia sẻ kèm theo bức ảnh. “Hãy nhìn xem lượng sữa tôi đã hút vào ngày thứ sáu trông giống sữa non như thế nào”.
Thông thường sữa mẹ sẽ có 3 lớp: Sữa đầu (Foremilk), sữa sau (Hindmilk) và 1 lớp chất béo nổi lên trên bề mặt sữa.
Sữa đầu là nguồn sữa được tiết ra ngay khi mẹ cho con bú – đây là lớp sữa nghèo chất dinh dưỡng, ít chất béo, chỉ nhằm mục đích thỏa mãn cơn khát của bé. Sữa sau là lớp chảy ra tiếp theo, sau sữa đầu – đây là lớp sữa giàu chất béo, dồi dào chất dinh dưỡng, quan trọng trong sự phát triển của bé. Lớp chất béo sẽ lắng lại trên bề mặt của sữa khi mẹ trữ đông.
Vì sao sữa mẹ lại có thể thay đổi khi con bị ốm?
Đây chính là một điều kì diệu của sữa mẹ khiến các bà mẹ hoàn toàn có thể yên tâm cho con bú trong những tháng đầu đời để mang lại dinh dưỡng tốt nhất cho con. Theo các nghiên cứu khoa học, sữa mẹ có thể thay đổi để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của con. Ví dụ như trường hợp trên, khi bé ốm, dòng sữa mẹ tiết ra trông giống hệt sữa non, chứa nhiều kháng thể và bạch cầu, giúp bé thích nghi tốt hơn khi bị ốm.
“Khi người mẹ đang cho con bú bị ốm hoặc đứa con bị ốm, sữa mẹ sẽ biến đổi”, Jamil Abdur-Rahman, Chủ tịch Sản khoa và phụ khoa tại Trung tâm y tế Vista East tại Waukegan, Illinois, Mỹ cho biết.
Để giải thích, ông dẫn một nghiên cứu năm 2013 của Hiệp hội Miễn dịch học Clinical & Translational Australia. Theo đó, 70% thành phần sữa non là bạch cầu, một loại tế bào chống nhiễm trùng. Điều này rất có ý nghĩa vì các em bé mới sinh rất dễ bị tổn thương vì chưa quen tiếp xúc với môi trường mới bên ngoài tử cung của mẹ. Bé cần một “liều” lớn miễn dịch tự nhiên từ người mẹ để có thể phát triển khỏe mạnh.
“Khi người mẹ hay con bị ốm, tỉ lệ phần trăm các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng tăng lên đến 94%, gần giống với các tế bào bạch cầu được tìm thấy trong sữa non.”
Tuy nhiên, ông cũng cho biết không phải sữa mẹ cứ đổi màu là dấu hiệu cho thấy con bạn bị ốm.
Sữa mẹ là dạng chất lỏng có thành phần vô cùng phức tạp và thay đổi liên tục. Nồng độ các chất miễn dịch và chất dinh dưỡng trong sữa mẹ thường xuyên không ổn định. Nó thay đổi tùy theo sự lớn lên của bé hay tình trạng sức khỏe của bé. Khi trẻ ốm và bú mẹ, sự tiếp xúc này sẽ giúp sữa mẹ nhận biết và thay đổi một cách tự nhiên để phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bé vào thời điểm đó.
Theo: afamily.vn