Nô nức hội đầu xuân
Mỗi năm có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ các loại, 80% số này là các lễ hội dân gian và đa số là diễn ra vào mùa Xuân. Hãy chọn cho mình một vài lễ hội trong những lễ hội dưới dây để khởi hành cho những chuyến du Xuân mới mẻ này.
– Lễ hội Cổ Loa (Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) khai mạc từ hôm nay (6/1) và sẽ kéo dài đến 16/1. Đây là lễ hội tưởng nhớ An Dương Vương có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Hội có nhiều nghi thức và trò chơi như rước kỳ mục tế thần của 12 xóm, trò đánh đu, cờ người, hát chè
– Hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) thờ Thánh Gióng diễn ra từ mùng 6 – 8/1, trong đó có một màn độc đáo là lễ rước voi của nhân dân thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược (Sóc Sơn). Năm nay, lễ hội hứa hẹn sẽ vui hơn khi tượng đài Thánh Gióng đặt trên đỉnh núi Sóc đã được khởi công và sẽ khánh thành kịp 1.000 năm Thăng Long.
– Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) sẽ khai mạc vào mùng 10/1 và kéo dài trong 3 tháng mùa Xuân. Lễ hội là cuộc hành hương của hàng vạn người đến với đỉnh cao nhất của Yên Tử – chùa Ðồng.
– Hội đánh phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra từ 12 đến 13/1 là lễ hội tưởng nhớ công chúa Thiều Hoa, nữ tướng của Hai Bà Trưng. Tương truyền tục này có từ thời bà Thiều Hoa dạy quân lính và dân làng chơi phết để rèn luyện tinh thần thượng võ. Quả phết tròn đẽo gọt bằng gốc tre được chủ tế hoặc ông từ đưa lên cúng trên hương án đình làng sau đó đưa ra bãi hội đặt xuống hố. Trai đinh hai làng được chia hai phe dùng gậy gốc tre có khoèo, khoèo ngoắc quả phết lên khỏi lỗ rồi hai bên xông vào cướp trong tiếng trống rền và dân làng hò reo rung động trời đất.
-Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) diễn ra từ 16-17/1. Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa nhất (tương truyền có từ thời Hùng Vương) còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toan tính cay cú ăn thua của con người, không có việc trâu bị tiêm thuốc kích thích, không có cá cược…
– Hội vật võ Liễu Đôi (xã Liêm Túc, Thanh Liêm, Hà Nam) diễn ra từ 5-10/1, thờ ông thánh hộ Đoàn, ông tổ vật võ của làng. Nghi thức có lễ rước thánh, lễ trao gươm, múa cờ tụ nghĩa…
– Hội đền Và (Sơn Tây, Hà Nội, gần làng cổ Đường Lâm) diễn ra vào ngày 15/1, là lễ hội tưởng nhớ Tản Viên Sơn Thánh. Hội có rước thần, tế thần, lễ hội đánh cá trên sông Tích
– Hội đình Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) diễn ra từ 14- 23/1 tưởng niệm Hổ Lâm Lầu, người có công chống giặc Minh. Hội có thi lợn, dưa hấu và các trò diễn xướng dân gian. Theo tục lệ, dân làng phải kén giống và nuôi lợn sao cho thật béo để đem đi tế thần.
– Những con lợn này, thường được gọi là ông Ðô, dài trên một thước, béo mập, đều là loại lợn đen tuyền, ông Ðô nào chỉ có một chiếc lông trắng cũng bị loại.
– Hội Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) diễn ra từ 21-22/1 có rước xách, tế lễ, đấu vật, chọi gà và đặc biệt là hát quan họ. Thổ Hà được coi là một trong những làng quan họ gốc của tỉnh Bắc Giang, cho nên trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài trích diễn các tích tuồng cổ, quan họ từ nhiều nơi trong vùng cũng về tề tựu ca hát. Có lẽ cũng từ nét độc đáo đó mà lễ hội Thổ Hà còn được gọi là hội “đến hẹn lại lên”.
– Hội hoa Vị Khê: diễn ra từ 20-30/1 tại Vị Khê là nơi trồng hoa truyền thống lâu đời. Hội giới thiệu hoa, cây cảnh và có các trò vui như vật, chạy thi, biểu diễn nghệ thuật…
– Hội đền Bắc Lệ (Hữu Lũng, Lạng Sơn) diễn ra từ đầu tháng Giêng đến giữa tháng Hai. Chúa Bắc Lệ là bà chúa cai quản rừng xanh, một trong những vị thần của Đạo Mẫu, do đó có nhiều hoạt động lễ bái, lên đồng…